Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khôi phục kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”
Bài 1: Doanh nghiệp xây dựng phương án khi phát hiện ca nghi nghiễm Covid-19
Thứ bảy: 00:47 ngày 20/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để phòng, chống dịch Covid-19, làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất số người lây nhiễm trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế (CCN, KCN, KKT), doanh nghiệp xây dựng các phương án vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công nhân làm việc tại một công ty giày trên địa bàn huyện Bến Cầu.

Cần hỗ trợ về phương án điều trị F0 tại doanh nghiệp

Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam (KCN Phước Đông, huyện Gò Dầu) có 16.151 người lao động tham gia sản xuất. Trong đó có 2.218 người lao động được tiêm vaccine mũi 1 và 13.673 người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine. Công ty hợp đồng với một số bệnh viện, phòng khám tại địa phương test nhanh sàng lọc hằng tuần đối với ít nhất 10% người lao động.

Khi phát hiện F0, công ty phong toả tạm thời khu vực có ca nghi nhiễm, khử khuẩn khu vực bị ảnh hưởng, sau đó tiếp tục sản xuất; chuyển ca nghi nhiễm đến khu cách ly của công ty, rà soát và truy vết các trường hợp tiếp xúc gần (F1), test nhanh cho các F1, nếu F1 có kết quả xét nghiệm âm tính, công ty thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, yêu cầu F1 ký cam kết về địa phương khai báo y tế và thực hiện cách ly theo quy định.

Hiện tại, công ty bố trí 2 khu cách ly cho F0 là lao động nước ngoài và lao động Việt Nam, hoặc F1 trong trường hợp toàn bộ chuyền sản xuất hoặc phòng ban bị cách ly. Công ty đã nhận quyết định thành lập Trạm y tế lưu động để theo dõi, điều trị F0 là lao động nước ngoài và lao động Việt Nam ngoại tỉnh cách ly tại công ty theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế Gò Dầu.

Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam đang gặp một số khó khăn về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 3676/KH-UBND tỉnh ngày 21.10.2021 của UBND tỉnh. Theo đó, người lao động lưu trú, tạm trú tại nơi có cấp độ dịch 3, 4 thì doanh nghiệp phải bố trí xe đưa đón, vì người lao động ở nơi này không được đi lại bằng phương tiện cá nhân.

Để bảo đảm và hạn chế việc lây nhiễm, công ty chỉ cho người lao động sử dụng phương tiện cá nhân đi lại từ nhà đến công ty, tạm thời không bố trí xe đưa rước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, rất nhiều người lao động có nơi cư trú chuyển từ vùng cấp độ 1, 2 sang vùng có cấp độ 3, 4 nên không thể điều khiển phương tiện cá nhân đi làm, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của công ty.

Vì vậy, công ty mong muốn cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh quy định, cho phép người lao động tại vùng dịch có cấp độ 3 được sử dụng phương tiện cá nhân đi làm; sắp xếp tiêm mũi 2 vaccine cho người lao động đã đủ thời gian tiêm chủng.

Công ty Việt Nam - Mộc Bài có 8.915 lao động tham gia sản xuất, trong đó có 1.122 người được tiêm vaccine mũi 1, 7.753 người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Mỗi tuần 1 lần, công ty test sàng lọc cho 10% công nhân đang làm việc và test cho những công nhân có triệu chứng. Khi test nhanh nghi ngờ ca dương tính, công ty bố trí khu vực cách ly tạm thời và điều trị F0 tại doanh nghiệp.

Khó khăn trước mắt của công ty là công nhân nghỉ việc quá nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất. Từ nay đến cuối năm, đơn hàng bắt đầu tăng, vì vậy, công ty mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ công tác tuyển dụng lao động mới, bảo đảm 100% lao động vào làm việc được xét nghiệm PCR.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng F0 tăng cao mỗi ngày, trong khi đó, khu vực cách ly cố định để điều trị F0 chưa bố trị kịp thời, công ty đề xuất cho F0 về địa phương tự cách ly, điều trị.

Công nhân tham gia sản xuất tại một công ty may mặc trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Duy trì hoạt động sản xuất nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Tây Ninh, đến ngày 12.11.2021, luỹ kế có 251 doanh nghiệp hoạt động với tổng số lao động Việt Nam là 118.137 người và 3.071 lao động nước ngoài, chiếm 90,5% số lao động thời điểm đầu năm 2021 (130.538 người). Hầu hết các doanh nghiệp chuyển đổi phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” bằng phương tiện cá nhân, với tổng số lao động hơn 116.000 người; có 5 doanh nghiệp còn đăng ký hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số lao động khoảng 2.000 người.

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định cấp độ dịch. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp có đông lao động, để xác định cấp độ dịch ở vùng người lao động lưu trú là vấn đề khó khăn, nếu người lao động trở lại làm việc khi vùng lưu trú của họ thay đổi liên tục, doanh nghiệp không nắm bắt tình hình kịp thời.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đề xuất ngành Y tế phân bổ và đẩy nhanh việc tiêm đủ liều vaccine cho đối tượng tiêm trả mũi 2 và người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động đang thường trú trên địa bàn tỉnh. Cập nhật kịp thời thông tin tiêm vaccine cho người lao động trên Hệ thống tiêm chủng của Bộ Y tế, làm cơ sở cho người lao động tham gia lưu thông.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, về việc ban hành Kế hoạch số 3676/KH-UBND cho phép người lao động đi lại bình thường khi đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đã giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động về thăm gia đình…

Tỉnh đã thông báo ghi nhận việc đăng ký phương án sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện tốt một số nội dung như: chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng phương án đề ra; tăng cường tuyên truyền cho người lao động thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; khai báo điện tử bằng mã QR; xây dựng kế hoạch hoặc phương án xử lý tình huống khi có ca nghi nhiễm tại doanh nghiệp, bố trí khu vực hoặc phòng cách ly tạm thời đối với F0, F1 tại doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện theo quy định; kích hoạt phương án phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện hoặc Trung tâm Y tế huyện và Ban Quản lý Khu kinh tế trong thời gian sớm nhất.

Trong quá trình thực hiện phương án, đề nghị các doanh nghiệp tạo mã QR để người lao động khai báo y tế điện tử hằng ngày. Trường hợp người lao động không sử dụng điện thoại thông minh thì triển khai khai báo bằng giấy theo danh sách có ký tên hằng ngày.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn một số nội dung: xây dựng mô hình hoạt động khu điều trị F0 không có triệu chứng tại các KCN về cách thức vận hành, tiêu chuẩn, quy mô, giường bệnh/m2, có cơ quan quản lý; hướng dẫn quy trình xử lý khi doanh nghiệp test sàng lọc phát hiện ca nghi nhiễm (F0) để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh, tránh sự đùn đẩy của các địa phương, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn; hướng dẫn cách xác định, phân loại, tách biệt F1, F2 và cơ chế bố trí khu vực cách ly riêng (có thể vừa cách ly, vừa sản xuất), bảo đảm an toàn, không lây nhiễm chéo; hướng dẫn cụ thể về mô hình, cách thức vận hành Trạm y tế lưu động do công ty đầu tư hạ tầng KCN đầu tư thành lập hoạt động trong KCN, KCX.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục