BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa vững chắc của người dân

Bài 1: Gắn kết ý Đảng – lòng dân 

Cập nhật ngày: 17/07/2024 - 13:35

BTNO - Những năm qua, từ một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời từ Trung ương đến địa phương, Tây Ninh đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, ổn định sản xuất và phát triển sinh kế cho người dân.

 

Phòng giao dịch NHCSXH giải ngân vốn vay cho người dân.

Chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước

Ngày 4.10.2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với mục tiêu không vì lợi nhuận. Trải qua hơn 20 năm, hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng vào việc giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuy đạt được những kết quả quan trọng song vẫn bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn thì vào ngày 22.11.2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị số 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây được coi như luồng sinh khí mới, đẩy “con thuyền” tín dụng chính sách xã hội đi nhanh, đi đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn.

Bởi từ đây, tín dụng chính sách được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt cùng sự chung tay góp sức của toàn dân trong quá trình triển khai thực hiện. 

Tại Tây Ninh, ngay khi Chỉ thị số 40 được ban hành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, từ đó có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ cho biết: Khi địa phương nhận được Chỉ thị 40 của Ban Bí thư cũng như Kết luận số 06, tỉnh đã triển khai quán triệt chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cũng như văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh. Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội, các ngành, các cấp nhập cuộc rất nhanh để triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh rất coi trọng chính sách tín dụng xã hội, quan tâm bố trí các nguồn lực để ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện; đặc biệt tỉnh cũng đã ban hành các chính sách đặc thù quy định các đối tượng ngoài quy định của trung ương được hưởng các chính sách tín dụng chính sách xã hội, ví dụ như hộ nghèo của tỉnh, hộ vừa mới thoát nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và các đối tượng đi lao động ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện chính sách, tạo điều kiện cho nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn.

Ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận số 06 của Trung ương, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể là: đã tổ chức huy động tương đối tốt các nguồn lực; triển khai cho vay kịp thời các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh.

Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng gần 2.800 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.

Việc quản lý, sử dụng, kiểm tra giám sát được thực hiện thường xuyên liên tục và ngày càng hiệu quả; chất lượng tín dụng chính sách xã hội duy trì ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp. Đến 30.4.2024, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,19%, giảm 0,5% so năm 2014. Đến nay, toàn tỉnh có 17/94 xã, 2.254/2.655 Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn.

Nâng tầm hoạt động của tín dụng chính sách

Có thể nói, 10 năm qua, Chỉ thị số 40 đã thật sự đi vào cuộc sống, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Một trong những điểm nổi bật là việc huy động nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Ngay sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, với sự chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Hằng năm, UBND tỉnh, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều bố trí chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH. Đến nay, nguồn vốn nhận uỷ thác từ ngân sách địa phương 535,2 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng nguồn vốn, tăng 483,2 tỷ đồng so với năm 2014. Nhiều địa phương bố trí vốn uỷ thác qua NHCSXH cao so bình quân chung trong toàn tỉnh như: TP Tây Ninh 28,8 tỷ đồng, thị xã Hoà Thành 16,8 tỷ đồng, thị xã Trảng Bàng 13,5 tỷ đồng...

Cấp uỷ đảng chỉ đạo chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc từ khâu xác nhận hộ vay đúng đối tượng thụ hưởng đến công tác quản lý, giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Việc thực hiện uỷ thác cũng góp phần nâng cao năng lực tổ chức điều hành và phối hợp công tác của đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể, đặc biệt cán bộ cơ sở, là nhân tố để nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi hội, đoàn thể.

Với vai trò là “cầu nối” giúp nguồn vốn uỷ thác của NHCSXH đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, 10 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đã giúp cho hơn 31.400 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo làm chủ hộ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua đó, có trên 8.750 hội viên phụ nữ thoát nghèo, hàng chục ngàn hội viên có việc làm và thu nhập ổn định.

Người dân tìm hiểu vốn tín dụng ưu đãi tại điểm giao dịch tại một UBND xã trên địa bàn tỉnh.

Bà Lưu Thanh Hằng- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Cùng với nguồn vốn của NHCSXH uỷ thác cho Hội quản lý, Hội đã triển khai lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư giúp cho chị em có vốn đầu tư, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, giảm tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen, hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước.

Đến nay, Hội LHPN tỉnh tham gia quản lý dư nợ hơn 1.295 tỷ đồng (tăng hơn 871 tỷ đồng so năm 2014), chiếm 31,1% tổng dư nợ uỷ thác; với 789 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các hội, đoàn thể nhận uỷ thác thì việc thực hiện Chỉ thị 40 còn góp phần củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 195 thành viên tham gia hoạt động Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp; 94 điểm giao dịch tại UBND các xã, phường, thị trấn… Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay, bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.

Bên cạnh đó, hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay ưu đãi. Nhờ đó, quy mô và chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn đều nâng cao, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH.

Vũ Nguyệt

Còn tiếp