Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nông nghiệp vượt khó trong đại dịch Covid-19
Bài 1: Gánh nặng giá vật tư nông nghiệp
Thứ bảy: 15:45 ngày 04/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những thách thức do các loại dịch bệnh và diễn biến thời tiết, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 khiến chi phí đầu vào nông nghiệp tăng vọt, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Dọn ruộng, chuẩn bị vào vụ Đông Xuân. Ảnh: Đinh Thanh

Năm 2021 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp và nông dân. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá giảm mạnh, trong khi vật tư đầu vào nông nghiệp tăng phi mã. Vấn đề này được phản ánh rất nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như đối thoại với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương mới đây.

Chi phí đầu vào tăng mạnh, đầu ra giảm

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh có thời điểm gặp khó khăn, giá bán giảm so với cùng kỳ, thậm chí, một số loại nông sản không tiêu thụ được buộc phải đổ bỏ. Trong khi đó, giá cả các loại vật tư nông nghiệp lại tăng mạnh, thêm vào đó là dịch bệnh và thời tiết diễn biến phức tạp khiến nông dân trên địa bàn tỉnh thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ông Lê Văn Hậu (ngụ ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) cho biết, vụ Thu Đông vừa qua, với 0,9 ha trồng lúa IR 50404, ông thu hoạch được gần 5,5 tấn nhưng chỉ bán được với giá hơn 5.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, gia đình không lãi đồng nào.

Theo ông Hậu, từ đầu năm giá các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, chính vì vậy chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta lúa đều tăng. Nếu như trước đây, để đầu tư cho 1 ha lúa, nông dân chỉ cần bỏ ra khoảng 10-12 triệu đồng tiền vật tư nông nghiệp thì nay con số này lên đến 22 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, chính vì vậy, chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta lúa cũng tăng.

Nếu như trước đây, để đầu tư cho 1 ha lúa, nông dân chỉ cần bỏ ra khoảng 10-12 triệu đồng tiền vật tư nông nghiệp, thì nay con số này lên đến 22 triệu đồng.

Qua khảo sát một số đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết giá phân bón bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 và tăng mạnh từ tháng 3.2021 đến nay với mức tăng từ 100% trở lên.

Cụ thể, giá phân ure Phú Mỹ trước chỉ khoảng 375.000 đồng/bao thì nay lên 950.000 đồng/bao; DAP hiện có giá trên 1,3 triệu đồng/bao (50kg), trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 680.000 đồng/bao, nhiều loại phân bón khác cũng tăng giá gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2021. Còn giá các loại thuốc BVTV “leo thang” chưa từng có, so với cùng kỳ năm ngoái, một số loại thuốc có giá tăng gấp đôi.

Đối với chăn nuôi, tình hình không khả quan hơn. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân, thời điểm này, việc tiêu thụ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ chăn nuôi trở lại bình thường như thời điểm trước giãn cách. Riêng giá heo hơi đang ở mức thấp, hơn 50.000 đồng/kg; trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng quá cao. Với mức giá này, người chăn nuôi chỉ... huề vốn.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản của tỉnh, giá cả biến động, bất lợi cho người dân. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc và đăng ký mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Cùng với nỗ lực của ngành Nông nghiệp, nhiều đợt “giải cứu” nông sản trong và ngoài tỉnh đã được các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị thực hiện, giúp bà con tiêu thụ được hàng trăm tấn cam, bưởi, nhãn, bắp, mãng cầu, bầu, bí…

Tuy nhiên, việc giải cứu chỉ là tạm thời để giải quyết khó khăn trước mắt, về lâu dài, vẫn cần có những giải pháp căn cơ hơn, nhất là đầu tư hệ thống kho lạnh, lò sấy để bảo quản sản phẩm nông sản và đưa vào chế biến sâu các loại nông sản để gia tăng giá trị.

Dịch chồng dịch

Trong thời điểm tỉnh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì từ tháng 7 đến tháng 9.2021, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và dịch tả heo châu Phi liên tiếp xuất hiện đã làm thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thi, ngụ ấp Bàu Đưng, xã Tân Phong, huyện Tân Biên cho biết, gia đình ông có hai con bò mắc bệnh viêm da nổi cục trùng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, địa phương thực hiện giãn cách xã hội, gia đình không thể gọi cán bộ thú y đến chữa trị khiến hai con bò trị giá hơn 20 triệu đồng bị chết.

Vừa tiêu huỷ một con bò gần 250kg chết vì mắc bệnh viêm da nổi cục, bà Võ Thị Dung, ngụ ấp Cầu, xã Tân Phong, huyện Tân Biên chia sẻ: từ lúc phát hiện bò mắc bệnh, bà đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường dinh dưỡng, cho bò uống thêm nước dừa, lá dâu nhưng bò vẫn không qua khỏi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 1.12, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 92 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số bò bệnh là 16.316 con, số trâu, bò chết và tiêu huỷ trên 1.900 con tổng trọng lượng gần 250.000kg; số bò được điều trị khỏi: 14.280 con.

Ngày 12.10, ngành Thú y huyện Tân Biên phát hiện bệnh cúm gia cầm xuất hiện trên đàn gà của hộ chăn nuôi Nguyễn Thanh Sang (ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Bình) với 35 con gà mắc bệnh, tổng trọng lượng khoảng 53kg.

Tính đến ngày 1.12, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 92 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số bò bệnh là 16.316 con, số trâu, bò chết và tiêu huỷ trên 1.900 con tổng trọng lượng gần 250.000kg; số bò được điều trị khỏi: 14.280 con.

Tính đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chưa phát hiện thêm trường hợp gia cầm mắc bệnh trên địa bàn huyện Tân Biên và các huyện, thị xã, thành phố khác của tỉnh. Còn đối với dịch tả heo châu Phi, sau một thời gian dài được khống chế, đến nay tái bùng phát và diễn biến khá phức tạp.

Tính đến hết ngày 1.12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 272 hộ chăn nuôi tại 35 xã của 6 huyện có heo mắc dịch tả heo châu Phi. Số heo bệnh chết, buộc phải tiêu huỷ là trên 3.300 con với tổng trọng lượng 234.220,5kg.

Những thách thức do các loại dịch bệnh và diễn biến thời tiết, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 khiến chi phí đầu vào nông nghiệp tăng vọt, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng sớm hoạch định chính sách, đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài để các doanh nghiệp, nông dân tự tin đầu tư sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp.

Phương Thuý - Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục