Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh trên hành trình xây dựng nông thôn mới
Bài 1: Hành trình làm mới vùng nông thôn
Chủ nhật: 21:13 ngày 12/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn Tây Ninh đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn từng bước được nâng cao.

Thi công công trình thuỷ lợi tại xã Long Phước.

Những kết quả khả quan

Trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2022, Tây Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật. Theo đó, toàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thị xã Hoà Thành là đơn vị đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đối với thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm tra.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được tỉnh quan tâm đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều xã; UBND tỉnh cũng ban hành các chính sách được thực hiện lồng ghép trong NTM như: chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản. Đến nay, tỉnh đã có tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm gần 181.000 ha, trên 700 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số diện tích nuôi trồng thủy sản.

Ông Xuân cho biết: “Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt ở Tây Ninh tăng qua từng năm. Song song với đó, phát huy thế mạnh từng địa phương, Tây Ninh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ cấp tỉnh đến cấp xã, tính đến cuối năm 2022, có 68 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.  

Kết quả đó đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; các xã nông thôn ngày càng văn minh, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển…

Từ những kết quả đạt được trong thực hiện NTM, cuối tháng 7.2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó, 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao.

Đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo, trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Nhiều công trình được triển khai.

Đổi thay ở vùng quê nghèo

Từ xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của huyện Bến Cầu có bước chuyển mình rõ nét, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực và phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; các thành phần kinh tế, các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn phát triển mạnh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Về xã Long Phước hôm nay, vùng quê nghèo nay đã có nhiều đổi thay, đường giao thông đi lại, vận chuyển hàng hoá nông sản thuận tiện, sạch đẹp làm cho người dân hết sức phấn khởi.

Toàn xã có 37km đường giao thông đều được tráng nhựa và trải sỏi phún, trong đó: 4 tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện dài trên 18km đã được tráng nhựa; 2 tuyến đường trục ấp và đường liên ấp, chiều dài 1,2km đã được trải sỏi phún; 13 tuyến đường trục chính nội đồng với chiều dài trên 17km, đã cứng hoá đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, không còn cảnh lầy lội như trước nữa.

Hệ thống thuỷ lợi, đã đầu tư bê tông hoá được 17 tuyến kênh với chiều dài trên 8km phục vụ chủ động tưới tiêu diện tích khoảng 2.380 ha, bên cạnh còn phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai, đây là điều kiện thuận lợi để người dân chủ động tăng gia sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó kinh tế gia đình không ngừng được nâng lên.

Ông Hà Duy Khuyền, ngụ ấp Phước Trung, xã Long Phước cho biết: Trước đây người dân sản xuất chủ yếu dựa vào nước mưa và mạch nước ngầm. Vào mùa khô, hết mạch nước ngầm thì người dân không thể sản xuất được. Tuy nhiên, nhờ được đầu tư hệ thống thuỷ lợi mà người dân chủ động hơn trong sản xuất, đường điện trường trạm cũng được đầu tư nên cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Song song với công tác đồng bộ hệ thống thuỷ lợi, khi dự án tưới tiêu phía Tây Sông Vàm Cỏ được khởi động và đã hoàn thành giai đoạn 1 cũng đã góp phần “giải khát” cho vùng quê này. Nhờ vậy mà người dân yên tâm sản xuất vào mùa nắng.\

Giao thông được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Từ những kết quả đạt được, trong xây dựng nông thôn mới, hiện nay xã đang đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào năm 2024, trong đó từ nguồn ngân sách được hỗ trợ sẽ đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế của người dân.

Ông Hồ Thanh Hải- Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết: Hiện nay, xã đã lập tờ trình để gửi UBND huyện những dự án đã thiết kế và được UBND huyện đồng ý. Năm 2023 khi được huyện rót vốn đầu tư thì xã sẽ triển khai thực hiện các dự án trong năm 2024.

Trong đó có 2 tuyến kênh thuỷ lợi được nạo vét, 6 công trình về giao thông. Đối với cơ sở hạ tầng sẽ sửa chữa lại trụ sở UBND xã, xây cổng mới cho các ấp văn hoá, sửa chữa lại khuôn viên Trung tâm văn hoá và xây mới sân bóng đá 5 người của Trung tâm văn hoá. Qua đó vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá của người dân.

Có thể khẳng định, thông qua xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân dần được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp luôn thường xuyên, liên tục; nhận thức của người dân đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM tại địa phương.

Còn nữa…

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục