Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm học 2020-2021, ngay khi vừa triển khai sách giáo khoa lớp 1, một “cơn bão thông tin” bất thần đổ ập xuống xung quanh nội dung của các bộ sách giáo khoa, kèm theo đó là hàng loạt những vấn đề lớn của ngành Giáo dục được “xới lên”.
Giờ học ở Trường tiểu học Rạch Sơn, huyện Gò Dầu (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021).
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục trong cả nước triển khai chương trình và sách giáo khoa mới theo tinh thần Nghị quyết 29 năm 2014 của Trung ương Ðảng (thường gọi là Chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Trong hoạt động của ngành Giáo dục, thay toàn bộ chương trình và sách giáo khoa mới là là một quyết định vô cùng quan trọng, điều này đã bàn thảo nhiều.
Năm học 2020-2021, ngay khi vừa triển khai sách giáo khoa lớp 1, một “cơn bão thông tin” bất thần đổ ập xuống xung quanh nội dung của các bộ sách giáo khoa, kèm theo đó là hàng loạt những vấn đề lớn của ngành Giáo dục được “xới lên”. Thời điểm này, năm học 2020-2021 đã kết thúc.
Vậy, năm học đầu tiên, việc triển khai sách giáo khoa, đặc biệt là chuyện dạy và học diễn ra như thế nào? Ðâu là khó khăn, thuận lợi, những vấn đề nào cần phải giải quyết để triển khai sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 khi chỉ còn vài tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu?
Tại huyện Dương Minh Châu, trước khi sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được đưa vào áp dụng, Phòng Giáo dục và Ðào tạo tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình 2018 nhằm giúp các trường thực hiện tốt việc lựa chọn sách giáo khoa.
Các văn bản, thông tư, chỉ đạo của Bộ GD&ÐT, của ngành cấp trên được triển khai đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh đúng quy định. Phòng GD&ÐT chỉ đạo nhà trường xây dựng kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình 2018 phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.
Hiệu trưởng các trường triển khai các văn bản của cấp trên, quy trình lựa chọn sách giáo khoa đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh kịp thời, đúng quy định.
Nhà trường đã thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa năm học 2020-2021, bảo đảm đúng quy trình. Kết quả, các trường chọn bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản ÐHSP TP. Hồ Chí Minh đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 1.
Kết thúc năm học, kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh lớp 1 cho thấy, học sinh hoàn thành chương trình. “Giáo viên dạy lớp 1 nắm chắc phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các dạng bài đã học.
Học sinh đọc đúng, đọc trôi chảy, chữ viết có nhiều tiến bộ. Giáo viên linh hoạt sử dụng phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế của lớp mình nên chất lượng dạy học khả quan.
Chất lượng dạy học lớp 1 có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh cơ bản đọc, viết, tính toán tốt, tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp, tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô. So với chương trình giáo dục phổ thông cũ thì học sinh được phát triển năng lực, phẩm chất tốt hơn”- lãnh đạo Phòng GD&ÐT huyện Dương Minh Châu nhìn nhận.
Về dư luận xã hội, giáo viên, phụ huynh, theo ghi nhận, đầu năm học, bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh diều môn Tiếng Việt bị phản ánh nhiều do một số ngữ liệu dùng chưa phù hợp.
Sau khi Bộ GD&ÐT yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 xem xét ý kiến của dư luận, nhà xuất bản, các tác giả đã tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, tổ chức biên soạn tài liệu điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh diều. Tài liệu đã được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt thẩm định và được Bộ GD&ÐT cho phép điều chỉnh theo quy định.
Ngoài ưu điểm, thuận lợi, sau tròn một năm học theo Chương trình 2018 và SGK mới, tại huyện Dương Minh Châu cũng còn những hạn chế. Do thời gian triển khai cho giáo viên ngắn nên kết quả nhận xét, đánh giá sách giáo khoa còn thiếu sót. Dịch Covid-19 kéo dài nên việc tập huấn cho giáo viên bị gián đoạn, ảnh hưởng việc tương tác, thực hành về nghiệp vụ bị hạn chế, chủ yếu tập huấn trực tuyến.
Chương trình 2018 còn mới mẻ, một số giáo viên lúng túng, khó khăn trong tiếp cận nội dung, phương pháp và quy trình dạy học. Việc cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đồng bộ, chậm, phải tận dụng thiết bị cũ. Sách giáo khoa mới lớp 1 năm đầu tiên thực hiện được cung cấp chậm, gần sát năm học.
Ðối với công tác chuẩn bị triển khai ở lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022, đến thời điểm này, huyện Dương Minh Châu đã chuẩn bị rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, tích cực, năng động… phân công bố trí lớp 2, lớp 6.
Phòng GD&ÐT hướng dẫn hiệu trưởng các trường thực hiện quy trình lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6, gồm một số nội dung quan trọng. Theo đó, nhà trường xây dựng kế hoạch, tổ chức cho giáo viên đọc, nghiên cứu 3 bộ sách giáo khoa điện tử và 8 bộ sách Tiếng Anh thuộc danh mục được Bộ GD&ÐT phê duyệt.
Mỗi giáo viên có bản nhận xét chi tiết từng sách giáo khoa trong môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Tiếp theo, tổ chức cho tổ chuyên môn thảo luận, đề xuất ban giám hiệu trường tổng hợp gửi về Phòng GD&ÐT tổng hợp gửi kết quả lựa chọn về Sở đúng quy trình theo Thông tư 25.
Ðịa phương chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho chương trình thực hiện sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới. Phòng GD&ÐT, nhà trường chọn và lập danh sách giáo viên tham gia lớp tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 do Sở tổ chức.
Căn cứ lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sự chỉ đạo của Sở, Phòng GD&ÐT tổ chức triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cấp tiểu học, THCS.
Ðến nay, Phòng GD&ÐT đã phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện sửa chữa các trường từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục của huyện. Năm 2020, địa phương này đầu tư xây dựng thêm cho Trường tiểu học và THCS xã Phan 3 phòng học và 9 phòng chức năng đạt chuẩn quốc gia.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng để phục vụ thay sách giáo khoa. Cụ thể, cấp tiểu học xây 52 phòng học, 9 phòng chức năng, THCS 14 phòng học và 7 phòng chức năng.
UBND huyện, Sở GD&ÐT tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng phòng học bộ môn, thư viện, phòng giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất, nhà đa năng… đáp ứng yêu cầu của chương trình sách giáo khoa mới, bảo đảm đủ cho học sinh được học 2 buổi/ngày.
Bên cạnh chương trình và SGK, địa phương này kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có kế hoạch đào tạo giáo viên đầy đủ các môn học, đặc biệt là môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh để bảo đảm cho lộ trình thực hiện thay sách giáo khoa trong những năm tới (hiện nay không còn nguồn để tuyển).
Ở huyện Gò Dầu, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 bảo đảm thực hiện đúng Thông tư 01 năm 2020 của Bộ GD&ÐT, địa phương bám sát các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh ban hành.
Dựa trên 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy môn, giáo viên dạy chuyên và các tổ trưởng chuyên môn nghiên cứu, thảo luận để đánh giá sách giáo khoa các môn học theo tiêu chí lựa chọn. Kết quả, tất cả các trường trong huyện chọn bộ sách giáo khoa Cánh diều đưa vào giảng dạy trong năm học 2020-2021.
Việc triển khai lựa chọn sách giáo khoa cho năm tiếp theo, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lập danh sách giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021-2022 và tổ chức cho tổ chuyên môn đọc, nghiên cứu, thảo luận 3 bộ sách giáo khoa lớp 2 thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ÐT phê duyệt để tổng hợp đề xuất lên hội đồng của trường các ý kiến thảo luận, phân tích đánh giá các sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.
Trên cơ sở tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh ban hành, các thành viên nhất trí đề xuất lựa chọn một bộ sách giáo khoa lớp 2 năm học 2021-2022 và báo cáo về ngành cấp trên theo quy định.
Phòng GD&ÐT Gò Dầu đang rà soát cơ sở vật chất tại các trường học để sửa chữa, tu bổ, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ cho giáo viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học để giáo viên có thể tiếp cận một cách tốt nhất với chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Ðội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được bồi dưỡng, tập huấn thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học, đặc biệt đối với giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021.
Giáo viên được tập huấn về cấu trúc sách giáo khoa, học liệu bổ trợ của bộ sách, cách triển khai phương pháp dạy học tích cực, kiểm tra, đánh giá học sinh; kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập, phát triển năng lực học sinh.
Giáo viên còn thảo luận, trao đổi những điểm mới trong nội dung sách, cách thức giảng dạy, phương pháp giáo dục theo định hướng của bộ sách giáo khoa mới”- lãnh đạo Phòng GD&ÐT huyện Gò Dầu nêu.
Hiện nay, các trường trên địa bàn huyện đã chuẩn bị cơ sở vật chất phòng học, đầu tư trang thiết bị cơ bản để phục vụ cho công tác giảng dạy lớp 1, khang trang, sạch đẹp, thoáng mát bảo đảm đúng yêu cầu của ngành giáo dục. Sở GD&ÐT kịp thời trang bị các thiết bị, đồ dùng dạy học cho giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học lớp 1 từ năm 2020-2021 và có kế hoạch cho những năm tiếp theo theo yêu cầu Chương trình 2018.
Sau một năm học, kết quả kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình năm học 2020-2021 (có so sánh với chương trình giáo dục phổ thông cũ) cho thấy, chương trình này giúp học sinh phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết như tự tin, tự chủ, hợp tác, tự quyết định và giải quyết vấn đề...
Trong học tập, đa số các em rất năng động. Học sinh không chỉ đọc thông, viết thạo mà còn mạnh dạn, linh hoạt, chủ động trong học tập. Các phương pháp dạy học linh hoạt, nhiều trò chơi, ngoài sách giáo khoa, giáo viên sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hứng thú học tập, giờ học trở nên sinh động.
Năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình đạt 95,14%; năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình đạt 94,82%.
Vào đầu năm học, nhiều phụ huynh khá lo lắng khi đây là năm đầu tiên chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng. Bước đầu tìm hiểu chương trình sách giáo khoa mới, phụ huynh cảm thấy chương trình đưa ra những bài học quá tải đối với học sinh. Nhưng, sau thời gian, học sinh quen dần, phụ huynh tích cực phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục con cái, giúp học sinh tự tin và có ý thức tự học cao.
Qua một năm học cho thấy, một số giáo viên lớn tuổi nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và dạy học trực tuyến còn hạn chế. Là năm đầu tiên giáo viên thực hiện giảng dạy sách giáo khoa của Chương trình 2018 nên việc vận dụng đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên còn lúng túng, chưa an tâm.
Việt Đông
(còn tiếp)