Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc: Nhiều tiềm năng, thách thức
Bài 1: Không còn là thị trường dễ tính
Thứ tư: 05:09 ngày 22/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để xuất khẩu sang Trung Quốc, nông dân phải trồng theo đúng tiêu chuẩn quy định, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép.

Nông dân phun thuốc nằm trong danh mục quy định dưỡng trái sầu riêng.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của nước ta. Sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19, từ ngày 8.1.2023, Trung Quốc điều chỉnh chính sách “dừng xuất nhập cảnh hành khách, chỉ xuất nhập khẩu hàng hoá”, dần khôi phục trạng thái xuất nhập cảnh hành khách qua biên giới, giúp cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc trở lại bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi hơn trong kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu các loại nông sản nước ta. Vì vậy, hiện nay, giá một số mặt hàng nông sản như mít, chuối, sầu riêng, thanh long… tăng, nông dân rất phấn khởi.

Nâng cao sức mạnh nội tại

Theo ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), từ đầu tháng 1.2023, thị trường Trung Quốc được mở cửa, mang lại những lợi ích rất lớn về giá cả và thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân. Để xuất khẩu sang thị trường này phải có mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ những tiêu chuẩn của phía Trung Quốc.

“Việc sản xuất không khó nhưng đòi hỏi phải có tính sản xuất tập thể cao. Các thành viên trong HTX đều đồng lòng và tuân thủ tất cả những điều kiện, tiêu chuẩn của phía đối tác. Thời gian qua, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã hỗ trợ HTX trong việc kích cầu, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hợp tác để xuất khẩu trái sầu riêng; hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ pháp lý về mã số vùng trồng theo đúng quy định để phía Trung Quốc phê duyệt.

Sắp tới, HTX sẽ đẩy mạnh thương mại hoá, vừa sản xuất, vừa làm kinh tế để bán sản phẩm HTX làm ra từ 10% lên 30%; còn lại 70% sản lượng, HTX tiếp tục liên kết với doanh nghiệp, công ty xuất khẩu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ mở rộng vùng trồng, kết nạp thành viên, hướng sắp tới tăng lên 150 ha”- ông Thịnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Trang- Phó Giám đốc Công ty TNHH Eco Green Việt Nam (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) cho biết, sản phẩm xuất khẩu chính của công ty là cùi bưởi, đây là sản phẩm được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Úc, Hoa Kỳ, Canada.

Công ty định hướng rõ trong việc phát triển mở rộng nhà máy, đầu tư máy móc hiện đại, chuyển giao công nghệ chế biến chuyên sâu về bưởi để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn organic đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, nâng tầm các sản phẩm còn lại lên sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao để ký kết hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu lớn đối với các mặt hàng nông sản của nước ta nói chung và Tây Ninh nói riêng.

Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc ngày càng nâng cao rào cản kỹ thuật, yêu cầu cao hơn về chất lượng nông sản xuất khẩu sang nước này nên không còn là thị trường dễ tính. Nổi bật là Trung Quốc đang thực hiện kiểm soát chặt chẽ hàng hoá qua biên giới, nhất là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); yêu cầu nước ta phải đàm phán mở cửa thị trường đối với mỗi loại nông sản xuất khẩu; thực hiện quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư (Việt Nam đã ký kết nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng, măng cụt, chuối…); bên cạnh đó là yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu phải được cấp mã số trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nước này còn triển khai thực hiện Lệnh 248, 249. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc phải thực hiện đăng ký hồ sơ xuất khẩu, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP.

Ngoài ra, một trong những thách thức, hạn chế hiện nay trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản nói chung là vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ người dân nắm vững các thông tin, quy định và góp phần tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Sở NN&PTNT đã truyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu nông sản sang thị trường này các yêu cầu về xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc như: quản lý hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, đăng ký cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trước khi xuất khẩu.

Đồng thời, hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký cấp mã số xuất khẩu và duy trì đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu nông sản theo quy định; thông báo tình hình thông quan hàng hoá bị ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu để doanh nghiệp có phương án, kế hoạch vận chuyển nông sản xuất khẩu phù hợp.

Công nhân đóng gói trà túi lọc tại Công ty TNHH Eco Green Việt Nam (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành).

Tránh phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng

Thời gian gần đây khi trái sầu riêng bán được giá cao nhờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cây sầu riêng trở thành loại cây được nhiều người ưu tiên chọn trồng, dẫn đến phát triển “nóng” diện tích. Ðiều này rất dễ mang lại rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn cho biết, mỗi héc-ta sầu riêng cho thu hoạch từ 20-30 tấn, những năm gần đây, giá sầu riêng tăng mang lại lợi nhuận cao cho người trồng. Nhận thấy điều này, nhiều người dân đã chuyển đổi cây trồng sang cây sầu riêng.

Việc tăng diện tích thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Trang- Phó Giám đốc Công ty TNHH Eco Green Việt Nam (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành), công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ bưởi da xanh. Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, công ty đã ký hợp đồng liên kết với diện tích hơn 300 ha trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tại các điểm liên kết thu mua bưởi da xanh của công ty, người trồng đã phá bỏ vài chục héc-ta trồng bưởi để chuyển sang cây sầu riêng. Trước tình hình vùng nguyên liệu giảm dần, công ty liên kết và mở rộng vùng trồng bưởi da xanh ở các địa bàn lân cận, cũng như sẽ tự trồng vùng nguyên liệu tập trung, chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong thời gian tới. Ông Trang kiến nghị cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân không nên trồng sầu riêng tự phát, chạy theo phong trào và theo giá.

Ông Nguyễn Công Danh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Đồn cho biết, trước đây, trên địa bàn xã Bàu Đồn trồng nhiều loại cây ăn trái, trong đó có thanh long ruột đỏ để xuất khẩu sang Trung Quốc, diện tích khoảng 60 ha.

Lúc đầu giá cả thanh long ổn định từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, thương lái thu mua tại vườn. Sau này thanh long rớt giá, còn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, xuất khẩu rất khó khăn. Do đó, người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Để xuất khẩu sang Trung Quốc, nông dân phải trồng theo đúng tiêu chuẩn quy định, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép. Nông dân nên tham gia vào HTX để được cấp mã vùng trồng, liên kết sản xuất hiệu quả, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không chạy theo phong trào mà chú ý chọn trồng loại cây theo các vùng có lợi thế và có điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng phù hợp. Ðồng thời, trồng cây theo định hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung, bảo đảm điều kiện cấp mã số vùng trồng. Nông dân liên kết với nhau, với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay, người dân đang chạy theo phong trào, tức là chặt một số cây trồng khác để trồng sầu riêng, tuy nhiên, thị trường còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Hơn nữa, sầu riêng là loại cây khó tính, yêu cầu đất đai, thổ nhưỡng khá đặc biệt, không phải chỗ nào cũng trồng được và ít nhất 4 năm mới có thu hoạch; đầu tư 1 ha sầu riêng theo kiểu hiện đại hiện nay phải từ 400 triệu đồng trở lên mới có được vườn sầu riêng tốt, thu nhập cao.

Do đó, người dân trước khi quyết định chuyển đổi cây trồng sang cây sầu riêng phải cân đối được tài chính, lấy ngắn nuôi dài, không nên tập trung tất cả tiềm lực sẽ khá rủi ro. Mặt khác, thận trọng xem xét kỹ nguồn đất, nước, khả năng tài chính, khả năng quản lý.

Trước tình trạng phát triển "nóng" diện tích trồng sầu riêng, ngày 23.2.2023, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT đã ban hành công văn về chỉ đạo phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành phía Nam.

Ðể phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý; thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hoá quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Nhi Trần - Trúc Ly

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục