Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Các dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp: Lợi hay hại?
Bài 1: “Làn sóng” đầu tư!
Thứ tư: 00:40 ngày 15/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc lắp đặt và sử dụng mô hình điện mặt trời áp mái trang trại nông nghiệp là lợi thế rất lớn của địa phương trong khai thác nguồn năng lượng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng năng lượng truyền thống và góp phần chống biến đổi khí hậu.

Đinh lăng được trồng ở một dự án.

Thời gian qua, tình trạng bùng phát các dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp ở một số địa phương được dư luận và cử tri quan tâm. Đến nay, nhiều dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp cho thấy có những vấn đề cần được quan tâm giải quyết, nhằm bảo đảm hiệu quả về đầu tư, sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều dự án còn “thiếu sót”

Theo UBND huyện Tân Châu, căn cứ Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói chung và huyện Tân Châu nói riêng, các dự án nông nghiệp kết hợp áp mái điện năng lượng mặt trời đã thu được nhiều kết quả tích cực, thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời có nhiều tiềm năng, góp phần bảo đảm cung ứng điện, an ninh năng lượng.

Điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Trong đó, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái cho thấy sẽ bảo đảm mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, tối đa hoá lợi nhuận trên cùng diện tích sản xuất. Kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp là mô hình sử dụng đất kết hợp có chủ đích đối với hoạt động phát điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi), nhằm giảm nhẹ xung đột sử dụng tài nguyên đất và mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn hơn so với ứng dụng đơn lẻ.

Đến tháng 10.2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 110 dự án điện mặt trời áp mái trên các dự án nông nghiệp. Trong đó, có 3 dự án điện mặt trời được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019; 107 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020.

Thực tế, 110 dự án điện mặt trời áp mái này được triển khai trên 83 dự án nông nghiệp (do các nhà đầu tư dự án nông nghiệp cho 1 hoặc nhiều đơn vị thuê mái nhà, thuê đất và tài sản trên đất hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án điện mặt trời áp mái). Phần lớn các dự án nông nghiệp là dự án trồng nấm, trồng cây đinh lăng; một số ít dự án chăn nuôi heo, gà, bò.

Thực tế cho thấy, có nhiều dự án thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và yêu cầu của chính quyền địa phương. Cụ thể như: có 7 dự án nông nghiệp “đi kèm” 7 dự án điện mặt trời áp mái xây dựng thêm các hạng mục như nhà điều hành văn phòng, nhà điều hành phục vụ sản xuất điện trên đất nông nghiệp khác.

Có nhiều dự án nông nghiệp được triển khai thực hiện không đúng theo văn bản cho ý kiến của UBND cấp huyện (dự án trồng nấm nhưng lại trồng cây đinh lăng, nuôi gà...). Đáng chú ý, có khá đông doanh nghiệp triển khai các dự án điện mặt trời áp mái chưa xin ý kiến UBND cấp huyện về thực hiện dự án!

Bên cạnh đó, có một số dự án nông nghiệp đã được triển khai các dự án điện mặt trời áp mái trên đất nhưng chưa được chuyển sang đất nông nghiệp khác (đăng ký biến động đất), chưa xin ý kiến UBND cấp huyện về thực hiện dự án.

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, đến thời điểm hiện tại, bên cạnh một số dự án vừa cung cấp điện từ năng lượng mặt trời, vừa sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có khá nhiều dự án hầu như không canh tác nông nghiệp. Cũng có những dự án có canh tác nông nghiệp nhưng khó có thể mang lại hiệu quả kinh tế. Vậy mục đích của chủ đầu tư là gì: sản xuất nông nghiệp là chính, đầu tư "thu hoạch" điện mặt trời là phụ hay ngược lại? Có thể có được hiệu quả kinh tế "toàn diện" khi kết hợp "hai trong một"...? Nhiều vấn đề được đặt ra trong thời gian qua, và chúng tôi đã cố gắng đi tìm câu trả lời trong chừng mực có thể.

Có nhiều dự án điện mặt trời áp mái đã được xây dựng hoàn thành, đã đấu nối điện “đi kèm” một số dự án nông nghiệp nhưng chưa triển khai thực hiện dự án nông nghiệp theo văn bản ý kiến của UBND cấp huyện. Có 58 dự án điện mặt trời áp mái trên các dự án nông nghiệp chưa thực hiện theo Hướng dẫn số 2807/HD-SXD của Sở Xây dựng...

Chưa đánh giá được hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Theo UBND huyện Tân Châu, trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Tân Châu nói riêng, các dự án nông nghiệp kết hợp điện năng lượng mặt trời áp mái đã thu được nhiều kết quả tích cực, thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời có nhiều tiềm năng. Hiện trên địa bàn huyện có 67 dự án nông nghiệp kết hợp điện năng lượng mặt trời áp mái, trong đó có 65 dự án trồng trọt (chủ yếu là dự án trồng đinh lăng, trồng nấm, trồng trọt hỗn hợp) và 2 dự án chăn nuôi gà.

Đến thời điểm hiện tại, các trang trại nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Châu mới triển khai trồng trọt, chưa thu hoạch nên huyện chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế của các dự án. Tuy nhiên, hiệu quả từ hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái của các dự án mang lại đã đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách.

Hệ thống pin mặt trời còn tạo bóng râm giúp giảm bức xạ mặt trời, giảm tốc độ bốc hơi nước và tiết kiệm được khoảng 14%-29% nước tưới cho cây trồng. Do đó, hệ thống pin mặt trời rất thích hợp đối với nhiều loại cây ưa ánh nắng tán xạ như (đinh lăng, nấm...).

Việc lắp đặt và sử dụng mô hình điện mặt trời áp mái trang trại nông nghiệp là lợi thế rất lớn của địa phương trong khai thác nguồn năng lượng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng năng lượng truyền thống và góp phần chống biến đổi khí hậu. Dù vậy, mô hình điện mặt trời áp mái ở trang trại nông nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Tân Châu chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện của các dự án, kịp thời báo cáo kết quả về UBND huyện để đề xuất xử lý phù hợp theo quy định.

Theo UBND xã Tân Hội (huyện Tân Châu), các dự án nông nghiệp trên địa bàn xã đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn của địa phương, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của đất đai, làm gia tăng giá trị hàng hoá. Hiện trên địa bàn xã có 21 dự án nông nghiệp.

Trong đó, có 7 dự án trồng trọt đã có văn bản cho ý kiến thực hiện dự án của UBND huyện (trồng cây đinh lăng, trồng nấm), 14 dự án chăn nuôi. Xã có 7 dự án nông nghiệp kết hợp dự án điện năng lượng mặt trời áp mái.

Các dự án trồng trọt do mới triển khai thực hiện trồng đinh lăng đang trong giai đoạn chăm sóc, thời gian thu hoạch từ  3-5 năm nên chưa đánh giá được hiệu quả sản xuất. Các dự án chăn nuôi (trang trại chăn nuôi gà theo mô hình bán chăn thả) được triển khai chưa lâu nên địa phương chưa thể đánh giá đầy đủ hiệu quả.

Bảo Tâm - Thế Nhân

Kết quả ghi nhận thực tế, tại một số dự án trên địa bàn huyện Tân Châu và Châu Thành gần đây cho thấy, đối với một số dự án án chăn nuôi (gà), chủ đầu tư triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản và cho biết đem lại hiệu quả kinh tế khá. Trong khi đó, nhiều dự án trồng đinh lăng, trồng nấm thì có vẻ “èo uột”. Có trang trại treo giá thể lủng lẳng nhưng không trồng nấm (tại thời điểm phóng viên đi thực tế). Trong khi đó, cây đinh lăng được trồng phía dưới hệ thống sản xuất điện năng lượng mặt trời ở nhiều dự án cho thấy khả năng sinh trưởng kém.

Tin cùng chuyên mục