Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kiên cố hoá và câu chuyện “trường ra trường, lớp ra lớp”
Bài 1: “Mái trường xưa” lùi dần vào quá khứ
Thứ tư: 09:07 ngày 27/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thông tin đáng chú ý, đến nay, trong cả nước, bậc học mầm non chỉ mới có hơn 47% phòng học được kiên cố hoá- thấp nhất trong các cấp, bậc học. Nhưng tại Tây Ninh, tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá ở bậc học mầm non lại rất cao.

Tháng 10.2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổng kết chương trình kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, giai đoạn 2013-2023. Thông tin đáng chú ý, đến nay, trong cả nước, bậc học mầm non chỉ mới có hơn 47% phòng học được kiên cố hoá- thấp nhất trong các cấp, bậc học. Nhưng tại Tây Ninh, tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá ở bậc học mầm non lại rất cao. Chúng ta hãy cùng nhìn lại một chặng đường dài của chương trình kiên cố hoá trường lớp ở Tây Ninh.

Trong giờ học tại Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn.

“Mái trường xưa” trong bài này không nhằm thể hiện tình cảm của bao thế hệ giáo viên, học trò với ngôi trường xưa từng học hành, công tác, mà chính là những ngôi trường cấp 4 lợp tôn nóng nực về mùa khô và ồn ào, thấm dột khi mùa mưa đến. Sau thời gian dài thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp, phần lớn phòng học của các cấp học, bậc học hiện nay đều khang trang, hiện đại.

Nhóm phóng viên đến Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn, huyện Bến Cầu vào một sáng thứ 7. Cơ ngơi của nhà trường chưa thật hoàn mỹ và vẫn đang cần đầu tư xây thêm phòng học. Nhưng, hầu hết giáo viên khi được hỏi đều nhìn nhận rằng, điều kiện dạy và học hiện đã tốt hơn trước rất nhiều.

Đã qua rồi nắng nóng mưa dột

Là người có thâm niên 35 năm công tác, thầy giáo Cao Quang Hải kể, năm 1990, tại xã Long Thuận có ngôi trường mang tên Trường tiểu học & trung học cơ sở Long Thuận. Năm 1993, hai cấp học tách riêng và cấp THCS mang tên mới như hiện nay: Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn.

“Lúc tôi về công tác, trường vô cùng khó khăn. Nhà ở Trảng Bàng, tôi lên đây đi dạy, ở khu tập thể- có 7 phòng bằng nhà tranh, vách đất, mỗi phòng có diện tích rất hẹp, 2-3 người ở chung 1 phòng. Trường chỉ có 2 dãy phòng, tôn bị nứt, cửa sổ, bàn ghế cũ nát.

Học sinh 4 em ngồi một bàn mà bàn bị gãy tới gãy lui phải kẹp tầm vông. Những năm 2000, trời mưa là phòng học dột, giáo viên và học sinh đều phải dồn lại một chỗ. Khi ấy, chúng tôi phải sang học nhờ cơ sở Trường THCS Long Giang đúng một năm. Giai đoạn đó đúng là rất khó khăn, chật vật, đến năm 2007, nhờ có sự đầu tư của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành chức năng, nhà trường được xây dựng lại, cơ sở vật chất được hoàn thiện hơn.

Cũng cần nói thêm, năm 1990, thiết bị thiếu thốn, muốn có đồ dùng dạy học giáo viên phải tự làm. Nhưng được các cấp quan tâm, hiện tại trường đã sạch đẹp hơn, đầy đủ hơn xưa rất nhiều”- thầy giáo nhớ lại “mái trường xưa” gian khó một thời.

Học sinh trong giờ học tại Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn Huỳnh Bích Vân cho biết, khi mới ra trường, cô công tác tại Trường THCS Tiên Thuận. “Năm 2004, tôi được chuyển sang công tác tại Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn. Lúc đó, trường nằm trên trục lộ 786, ngôi trường nằm trũng sâu dưới đám ruộng. Bấy giờ, trường xuống cấp rất nghiêm trọng, không bảo đảm số phòng cho học sinh học, Ban Giám hiệu mượn cơ sở của Trường THCS Long Giang và mượn phòng của UBND xã làm phòng học. 

Tôi nhớ không nhầm thì phòng rất chật hẹp, nằm giữa đồng ruộng. Bản thân tôi tham gia giảng dạy tại phòng đó; thời điểm mưa lớn, phòng bị ngập, chúng tôi phải xắn quần lội ruộng. Vì lương tâm, trách nhiệm và yêu nghề, chúng tôi luôn cố gắng. Đến năm 2007, trường được xây dựng lại, chuyển cơ sở về vị trí hiện nay với cơ sở vật chất khang trang, bàn học hoàn thiện, việc học của học sinh cũng tốt hơn” - cô giáo Vân nhớ lại.

Vẫn cần đầu tư thêm

Cô Nguyễn Thị Thu Diệu- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn nhìn nhận, trường lớp hiện nay tốt hơn so với trước đây rất nhiều. Tất cả phòng học được trang bị tivi, phục vụ tốt cho giáo viên trong ứng dụng công nghệ thông tin.

“Nhà trường đã nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số phòng bộ môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ. Đặc biệt, trường đang thiếu phòng học để đáp ứng cho số lượng học sinh ở năm học 2025-2026, dự kiến sẽ chuyển sang học 2 ca. Đơn vị đã làm tờ trình xin bổ sung xây dựng cơ sở vật chất, hiện tại, đang được cấp trên xây dựng cho nhà thi đấu đa năng.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn trong một tiết dạy.

Theo lộ trình, từ năm học 2025-2030, nhà trường tính toán học sinh sẽ thiếu 6 phòng học. Đối với diện tích đất của đơn vị- khoảng 1,2 ha, đủ để xây thêm phòng học, phòng chức năng như nhà nghỉ giáo viên và các phòng khác. “Năm 2023-2024, nhà trường, Liên đội, Hội Chữ thập đỏ trường đều được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đơn vị đang được đề xuất nhận cờ thi đua của Chính phủ” - cô Hiệu trưởng “báo cáo thành tích”.

“Em cảm thấy trường có điều kiện học tốt, mỗi phòng học có tivi, có nhiều hình ảnh đặc sắc giúp học sinh tiếp thu bài thuận tiện. Tivi trong phòng học treo có giá đỡ, có thể di chuyển giúp học sinh nhìn vào màn hình dễ dàng hơn”- em Trần Thị Ngọc Ánh, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn bày tỏ cảm xúc khi được học trong phòng học khang trang, tiện nghi. 

Thông tin thêm, việc treo tivi trên giá đỡ (không treo cố định) có thể dễ dàng di chuyển để tạo điều kiện thuận tiện cho học sinh theo dõi bài học là sáng kiến của một cô giáo dạy Toán trong nhà trường. Nhận thấy việc treo tivi cố định một chỗ (thường treo khá cao) khiến nhiều học sinh mỏi cổ do phải ngước lên nhìn trong thời gian diễn ra tiết học, cô giáo dạy Toán đề nghị hạ độ thấp của tivi. Sau đó, cô trò đề xuất làm một cái khung bằng kim loại để gắn tivi vào.

“Sáng kiến kinh nghiệm” này cho phép di chuyển tivi từ đầu bảng đến cuối bảng một cách dễ dàng. Kết thúc tiết học, tivi được di chuyển đến gần bàn giáo viên, trong góc phòng, tránh va đập và không che khuất bảng dạy học. Sáng kiến này đã đoạt giải Ba Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh của ngành Giáo dục Tây Ninh.

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng cho sự thay đổi điều kiện dạy học ở huyện Bến Cầu. Vậy, tại huyện Châu Thành, một trong những địa phương có dân số đông, trường học nhiều, chương trình kiên cố hoá trường lớp được thực hiện như thế nào?

Việt Đông - Hoàng Yến

(còn tiếp)

“Chúng ta vẫn thường nói tới truyền thống trọng học, hiếu học, truyền thống văn hiến. Những giá trị truyền thống này là có thực và rất đáng tự hào. Nó thể hiện ở nhiều yếu tố như: số người đi học, tinh thần học tập, việc tôn sư trọng đạo...

Nhưng một đất nước trọng học và hiếu học, cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành. Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học.

Chúng ta sao có thể an lòng sinh hoạt trong ngôi nhà chắc chắn và ấm áp của mình, trong khi còn hàng nghìn trẻ em các tỉnh vùng núi phía Bắc băng hàng chục ki-lô-mét đường rừng núi chỉ để tới được những ngôi trường và được ngồi học trong những căn phòng học tạm, gió lạnh thổi qua. Chúng ta sao thể an lòng làm việc trong những văn phòng tiện nghi chắc chắn, thậm chí là lộng lẫy, khi mà cả nước còn hàng chục nghìn phòng học, nhà công vụ vẫn trong tình trạng tạm bợ, có cũng như không có, không có nhưng vẫn phải có”. 

(Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn)

Tin cùng chuyên mục