Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Đồng hành cùng bộ đội xuất ngũ
Bài 1: Mở rộng nghề nghiệp, thêm nhiều cơ hội việc làm
Thứ bảy: 08:56 ngày 24/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, các thanh niên đều mong muốn sớm tìm được việc làm phù hợp.

Tư vấn việc làm, hướng nghiệp cho bộ đội xuất ngũ là một hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, qua đó thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đây cũng là cơ hội để quân nhân xuất ngũ có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, ổn định cuộc sống, góp phần chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cho địa phương.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, các thanh niên đều mong muốn sớm tìm được việc làm phù hợp. Do đó, việc định hướng nghề nghiệp, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một trong những nhiệm vụ được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện sát với nhu cầu và tình hình thực tiễn.

Bảo đảm chế độ, hỗ trợ nghề nghiệp

Theo Bộ CHQS tỉnh, để bộ đội xuất ngũ có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, UBND tỉnh chỉ đạo cho Thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh phối hợp Tỉnh đoàn và các trung tâm giới thiệu việc làm, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và Quân khu 7 tổ chức tư vấn 8 đợt/19 đơn vị tham gia tư vấn cho 100% bộ đội xuất ngũ năm 2025 với 2.300 người tham dự.

Các doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội chuẩn bị xuất ngũ năm 2025

Thông qua công tác tư vấn, hướng nghiệp, các chiến sĩ có nhiều thông tin về công việc, ngành nghề để lựa chọn. Trong đó, số lượng tham gia học nghề: điện dân dụng, công nghệ ô tô, điện tử, viễn thông, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh… chiếm tỷ lệ khá cao. Ngoài ra, bộ đội xuất ngũ còn được hỗ trợ, tư vấn xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Lực lượng bộ đội xuất ngũ có tuổi đời trẻ, phẩm chất chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Nhiều chiến sĩ có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, là đảng viên nên dễ dàng thích ứng với nhiều vị trí công việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2025, tổng số đảng viên xuất ngũ trên địa bàn tỉnh là 88 đồng chí. Đảng viên được tuyển dụng vào cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, chính trị, xã hội là 3 đồng chí. Đảng viên có việc làm trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp 53 đồng chí; đảng viên đang học nghề có 3 đồng chí…

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là chủ trương lớn, Huyện đoàn Châu Thành tăng cường triển khai các hoạt động, chương trình tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm giúp thanh niên xuất ngũ sớm ổn định cuộc sống.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân

Anh Lê Ngọc Minh Hùng- Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết, hằng năm, Huyện đoàn chỉ đạo các cấp Đoàn phối hợp với ngành lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức ngày hội việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên, đặc biệt thanh niên sau khi xuất ngũ. Bên cạnh đó, các cấp Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ vay vốn ưu đãi để học nghề, khởi nghiệp.

Tại ngày hội, đoàn viên, thanh niên được nghe giới thiệu, tư vấn hướng nghiệp, những thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; đồng thời, được kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị cung ứng lao động, đơn vị tuyển dụng lao động, tham gia trải nghiệm nghề nghiệp với các mô hình ứng dụng chuyển đổi số… Đặc biệt, tại buổi tư vấn, nhiều gương cựu quân nhân thành công sau khi xuất ngũ cũng được chia sẻ để tiếp thêm động lực cho đoàn viên, thanh niên.

Động lực mới để phát triển

Khi xuất ngũ, bộ đội được hưởng các chế độ, chính sách như trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm, phụ cấp tàu xe, đi đường, bảo hiểm xã hội, cấp thẻ học nghề...

Là bộ đội xuất ngũ năm 2025, Nguyễn Văn Hoàng (ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) cho biết, trước đây, Hoàng chưa biết nhiều về các ngành nghề mà bản thân có thể theo học sau khi xuất ngũ. Tuy nhiên, khi tham gia buổi tư vấn hướng nghiệp do Bộ CHQS tỉnh tổ chức, Hoàng được tiếp cận với nhiều thông tin về các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; ngành nghề có thể lựa chọn cho bộ đội xuất ngũ, mức học phí… “Qua chương trình tư vấn, em có thêm nhiều kiến thức hơn về các ngành nghề có thể học, từ đó chắc chắn hơn về sự lựa chọn của mình”- Nguyễn Văn Hoàng bộc bạch.

Em Trần Văn Lương (ngụ xã Trà Vong, huyện Tân Biên) từng tham gia nghĩa vụ quân sự tại Bộ CHQS tỉnh bày tỏ: “Những thông tin về chế độ, chính sách và tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm đã giúp tôi dễ dàng lựa chọn ngành nghề đang được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, phù hợp với khả năng của mình. Sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho chúng tôi có việc làm ổn định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương”.

Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh cũng phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương tổ chức chương trình tư vấn việc làm, tạo cơ hội cho bộ đội xuất ngũ được gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp, trường nghề như: Trung tâm dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Tây Ninh; Công ty cổ phần Mặt Trời Tây Ninh - Chi nhánh Sun World Tây Ninh; Công ty TNHH ACTR; Công ty TNHH Cocreation Grass Corporation Việt Nam; Công ty TNHH Dũng Giang... để được tư vấn, giới thiệu việc làm. Qua đó giúp họ lựa chọn được nhiều ngành, nghề, việc làm phù hợp, nhanh chóng hội nhập xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống.

Cán bộ nhân sự tại một doanh nghiệp chia sẻ, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn nhân lực dồi dào, ý thức tổ chức kỷ luật, sức khoẻ và trình độ, đáp ứng được nhiều ngành nghề chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp trong nước và cung ứng lao động ra nước ngoài đều rất ưu ái cho bộ đội xuất ngũ trong quá trình tuyển dụng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bất cập, vướng mắc trong công tác tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ trong thời gian qua như: tỷ lệ được hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp; không ít bộ đội xuất ngũ dù có thẻ học nghề nhưng không sử dụng, gây lãng phí; việc quản lý, theo dõi, hỗ trợ, tạo điều kiện bố trí việc làm thanh niên sau khi xuất ngũ ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức…

Theo chia sẻ của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, ngành nghề mà bộ đội xuất ngũ tập trung chủ yếu là đào tạo lái xe ô tô hoặc các ngành, nghề sơ cấp ngắn hạn. Trong khi đó, nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường tuyển lao động kỹ thuật ở nhóm ngành nghề như hàn, lắp ráp kim loại, tiện… Điều này khiến không ít trường hợp học xong lại không tìm được nghề phù hợp, gây lãng phí thời gian, tiền bạc.

“Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cũng như phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để tìm “đầu ra”, giúp bộ đội xuất ngũ được tuyển dụng, có việc làm ổn định” - một lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh cho biết.

Có thể thấy, những chủ trương, hoạt động thiết thực, hiệu quả của các cấp, ngành trong tư vấn, định hướng nghề nghiệp, thông tin việc làm cho bộ đội xuất ngũ đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

Thiên Di - Phương Thảo

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục