Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đấu tranh với tội phạm “ẩn mình” trên không gian mạng
Bài 1: Muôn kiểu lừa đảo trên không gian mạng
Thứ bảy: 14:52 ngày 15/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi “kịch bản”, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức; số vụ việc, bị hại ngày càng tăng, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, đã xảy ra 56 vụ lừa đảo qua không gian mạng, gây thiệt hại hơn 65 tỷ đồng.

1.001 kiểu lừa đảo

Thượng tá Phạm Bảo Thịnh- Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, trình độ cao, ẩn danh, địa bàn hoạt động không phụ thuộc vào biên giới. Bên cạnh đó, chúng lợi dụng vào những người thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết về công nghệ, kiến thức để thực hiện hành vi phạm tội.

Tang vật các đối tượng sử dụng để lừa đảo trên không gian mạng.

Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Giả danh lực lượng chức năng (Công an, Toà án, Viện Kiểm sát…) để gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tiền; đăng bài tuyển dụng việc làm, tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội; lôi kéo tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch giả mạo (chứng khoán, ngoại hối, tiền điện tử...); giả mạo tài khoản mạng xã hội để vay, mượn tiền người thân, bạn bè; dụ dỗ tham gia du lịch giá rẻ, sự kiện ảo; giao dịch hàng hoá qua mạng; lừa tình, tặng quà…

Gần đây, các đối tượng còn lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các hình ảnh, video “nhạy cảm” giả mạo nhằm đe doạ, uy hiếp cán bộ, công chức, viên chức, người có uy tín để yêu cầu chuyển tiền hoặc sẽ phát tán thông tin ảnh hưởng uy tín, danh dự; tạo tài khoản ngân hàng ảo; giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí. Thậm chí, chúng còn tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu…

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã điều tra, bắt giữ nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Điển hình, ngày 20.1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh phối hợp với Công an thành phố Tây Ninh và Công an tỉnh Thanh Hoá bắt giữ đối tượng Nguyễn Bá Biên (ngụ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, vào khoảng tháng 11.2023, do không có tiền tiêu xài, Biên nảy sinh ý định dùng mạng xã hội lừa đảo người khác để lấy tiền. Biên tạo facebook tên “Hàng nội địa Nhật” và tài khoản Zalo tên “Công ty TNHH Cơ giới Nhật Bãi” và tìm hình ảnh máy phát điện, máy nổ, máy công nghiệp… trên mạng, rồi chụp hình lại, cắt, sửa đăng thông tin bán trên các trang, hội nhóm kèm theo hình ảnh, giá cả và số điện thoại. Khi người mua có nhu cầu thì liên hệ với Biên qua Zalo.

Sau đó, Biên gửi hình ảnh máy móc qua tin nhắn rồi báo giá, nếu người mua đồng ý, Biên sẽ yêu cầu họ đặt cọc số tiền từ 10% - 20% giá trị máy (tương đương số tiền từ 500.000 đồng - 3 triệu đồng).

Khi người mua chuyển tiền vào tài khoản cho Biên, ngay lập tức đối tượng chặn tài khoản Zalo của họ rồi chiếm đoạt số tiền đặt cọc. Với thủ đoạn trên, Biên đã thu lợi bất chính số tiền từ 120 - 130 triệu đồng. Hiện Công an thành phố Tây Ninh đang điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định pháp luật.

Tràn lan quảng cáo “bẩn”

Hiện nay, không ít người dân bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Đối tượng chạy quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube cho các bài viết, video có nội dung xấu độc, tin giả, sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước để nâng thứ hạng tìm kiếm, tiếp cận người đọc. Lợi dụng các sự kiện về văn hoá, giáo dục, chính sách kinh tế, dự thảo văn bản luật để kích động, lôi kéo biểu tình, phản đối, gây phẫn nộ trong nhân dân.

Nhiều đối tượng tuy không có mục đích chống chính quyền nhưng vẫn đăng tải các video clip có nội dung xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc và “giật tít” mang tính chất “đấu đá nội bộ”, “thâm cung bí sử”, “bí mật đời tư”, “bằng chứng” tham nhũng lên Facebook, YouTube nhằm thu hút lượng người truy cập, kiếm tiền quảng cáo.

Thậm chí, đối tượng còn đăng tải video có nội dung cổ xuý bạo lực, côn đồ, kích động nhằm thu hút người xem, kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo của mạng xã hội.

Các dịch vụ nhận làm giấy tờ giả các loại xuất hiện tràn lan trên facebook.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán trái phép thông tin cá nhân, mua bán thiết bị, phần mềm có chức năng thu thập thông tin cá nhân diễn ra trên không gian mạng dưới hình thức tạo lập các tài khoản ảo trên mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo để quảng cáo, rao bán, thông tin cá nhân.

Khi người truy cập có nhu cầu mua dữ liệu sẽ liên hệ trực tiếp với các đối tượng thông qua số điện thoại, tài khoản chat OTT (một giải pháp được dùng để cung cấp các nội dung như gọi điện, nhắn tin cho người dùng dựa trên nền tảng không gian rộng lớn của mạng internet) được đặt trực tiếp ở các trang web trên.

Ngoài ra, chúng còn tạo các trang web bán phần mềm có chức năng thu thập thông tin từ điện thoại, giám sát điện thoại di động; bán, lắp các thiết bị có chức năng giám sát phương tiện, ghi âm, ghi hình được giấu kín để giám sát hoạt động của người khác.

Anh V.V.P (ngụ xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) đã không ít lần nhận được các loại tin nhắn “quảng cáo” tuyển dụng việc làm, tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội hay nhận làm các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả, từ nhiều số điện thoại lạ gửi đến.

“Mỗi tháng, tôi nhận được khoảng 4 - 5 tin nhắn rác có nội dung quảng cáo. Tôi không hiểu sao các đối tượng này lại có thông tin cá nhân, số điện thoại của mình. Mong rằng cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý những tin nhắn rác có nội dung như trên” - anh P nói.

Hoạt động mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng; ma tuý, chất độc, chất cấm trên không gian mạng diễn ra phức tạp.

Đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, thành lập các hội nhóm trên không gian mạng, sử dụng các trang thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán.

Đặc biệt, chúng không gặp mặt trực tiếp, chỉ liên hệ, trao đổi qua số điện thoại (sim rác), tài khoản mạng xã hội ảo, các ứng dụng nhắn tin OTP mã hoá như Zalo, Viber, iMessenger, Telegram... thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng không chính chủ, đi mượn hoặc thuê của người khác, hoặc thanh toán qua hình thức ship COD (nhận hàng, kiểm tra rồi trả tiền cho nhân viên giao hàng); vận chuyển hàng hoá thông qua người quen, dịch vụ xe khách liên tỉnh hoặc thông qua các dịch vụ vận chuyển công nghệ, không ghi địa chỉ người gửi, khai báo không đúng loại hàng hoá cần gửi.

Trong vai một người có nhu cầu làm giấy phép lái xe giả, chúng tôi liên hệ một tài khoản Facebook có tên T.H.P. Người này quảng cáo sẽ làm bằng lái xe giả có mã quét điện tử chống giả (QR Code), quét họ tên đầy đủ, không cần đặt cọc. Khách đồng ý làm chỉ cần 2-3 ngày sẽ có bằng mới. Giá bằng lái xe máy dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng, giá bằng lái ô tô từ 2 - 16 triệu đồng tuỳ theo hạng.

“Đây là dịch vụ làm bằng thật, có hồ sơ gốc, bảo đảm kiểm tra trước khi nhận bằng. Bên em làm uy tín, khách hàng không cần phải lo lắng khi ra đường bị Công an kiểm tra. Khách hàng có nhu cầu làm các loại giấy tờ này chỉ cần chụp ảnh chân dung, căn cước công dân, sau đó gửi qua Zalo. Giấy tờ sẽ được chuyển đến tận nơi, khi giao hàng mới thu tiền” - chủ tài khoản T.H.P cho hay.

An Đông - Thiên Di

(còn tiếp)

Tội phạm sử dụng công nghệ cao rất am hiểu về công nghệ thông tin, thường xuyên nắm bắt thông tin xã hội để thay đổi thủ đoạn, kịch bản lừa đảo. Công tác đấu tranh với các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng rất khó khăn, vì đây là tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ, hoạt động 24/24, che giấu nguồn, dấu vết phạm tội.

Chúng sử dụng các ứng dụng có độ bảo mật cao, mã hoá dữ liệu để liên lạc, sử dụng giấy tờ giả tạo lập tài khoản ngân hàng, thường xuyên thay đổi tài khoản thụ hưởng... nên công tác điều tra, xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn, nhất là tội phạm hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, làm mất nhiều thời gian, công sức.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục