Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ðiệp khúc “ngập” bao giờ kết thúc?
Bài 1: Muôn nẻo ngập
Thứ hai: 05:46 ngày 06/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, trong các đợt tiếp xúc với đại biểu HÐND tỉnh, huyện, thành phố, vấn đề ngập cục bộ ở nhiều tuyến đường trên địa bàn- từ các điểm ngập mới đến đến điểm ngập “thâm căn cố đế” ảnh hưởng đến dân sinh rất lớn nhưng chưa được xử lý dứt điểm, được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Hẻm 12, đường Nguyễn Văn Rốp ngập úng nghiêm trọng khiến phương tiện lưu thông khó khăn.

MƯA LÀ NGẬP

Chiều ngày 30.7, chỉ sau một trận mưa nhỏ khoảng 15 phút, con hẻm số 101, đường CMT8, khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh, nước ngập lênh láng. Nước cao đến độ không còn nhìn rõ mặt đường, các phương tiện lưu thông trong tình trạng “mò mẫm”. 

Ông Nguyễn Văn Phong, người dân ngụ ấp Hiệp Lễ bức xúc nói, khoảng 5 năm nay, sau khi các con hẻm xung quanh được nâng cấp, xây mới, bề mặt đường cao hơn, mỗi khi trời mưa, tất cả nước xung quanh chảy trực tiếp xuống đây, một khoảng thời gian khá lâu mới có thể rút hết.

Cùng tình cảnh này, cứ gần đến mùa mưa, người dân ngụ tại con hẻm 3A, đường Ðiện Biên Phủ, khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh lại lo lắng. “Mấy năm nay, mỗi lần mưa là ai cũng rầu. Con hẻm chưa được lắp đặt hệ thống cống, mưa xuống, nước không có chỗ thoát, ngập lênh láng. Những lúc xe tải chạy ngang, nước bắn tung toé, văng khắp nhà”, ông Nguyễn Văn Ðức, người dân sống lâu năm tại đây ngán ngẩm nói. 

Tương tự, tại con hẻm số 12, 15 đường Nguyễn Văn Rốp, phường IV, TP.Tây Ninh nhiều năm nay điệp khúc ngập vẫn “lặp đi lặp lại”. Chỉ một cơn mưa kéo dài 10 phút, mực nước trong hẻm đã dâng lên khá cao, nửa bánh xe chìm trong nước. Một người dân sống trong con hẻm 15 phản ánh, từ khi đường Nguyễn Văn Rốp nâng cấp, con hẻm rơi vào cảnh ngập nước nặng, cuộc sống sinh hoạt bị xáo trộn, việc lưu thông của người dân cũng gặp nhiều trở ngại.

Về sau, người dân tự đóng góp tiền nâng cao bề mặt đường hẻm để chống ngập. Ðồng thời, chính quyền địa phương cũng kịp thời xây thêm hai đường rãnh thoát nước tại khu vực ngập nặng để điều tiết, nhưng cũng không “xi nhê”. Ðến nay, ngay khu vực đầu hẻm, tình trạng ngập nước vẫn còn.

Tình trạng ngập úng cục bộ không chỉ trong những con hẻm, mà còn xảy ra ở những tuyến đường lớn. Một số người dân sống trên tuyến đường Trưng Nữ Vương, thuộc ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành phản ánh, mưa lớn ngập đã đành, đằng này không mưa nước cũng ứ đọng quanh năm, suốt tháng. Có khu vực nước đọng lâu ngày khiến đất ẩm ướt, cỏ dại mọc khắp nơi, tạo điều kiện cho ruồi muỗi sinh trưởng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh tật.

THIẾU CỐNG THÌ NGẬP

Theo một số người dân, nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng kéo dài là hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh chưa hoàn chỉnh, không theo kịp tốc độ đô thị hoá. Ðặc biệt, nhiều tuyến đường chưa được lắp đặt hệ thống thoát nước, nếu có cũng chỉ là chắp vá tạm thời, không đáp ứng được nhiệm vụ tiêu thoát nước. 

Bà Trần Thị Lan Phượng- PCT UBND phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh cho biết, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 80 tuyến đường, trong đó, 33 tuyến đường đã trải nhựa, bê tông. Ngoài các tuyến đường lớn như Cách Mạng Tháng Tám, Huỳnh Tấn Phát, Ðiện Biên Phủ… có hệ thống thoát nước, các tuyến đường nhỏ dù đã trải nhựa, bê tông nhưng vẫn chưa lắp đặt cống thoát nước. Bà Phượng cũng thừa nhận, không có cống, nước mưa ứ đọng không có nơi tiêu thoát, lâu ngày sẽ khiến đường nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Con hẻm số 75, đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Tây Ninh là một trong những “điểm đen” về ngập úng trên địa bàn. Do đất thấp, trũng, khi mưa xuống, nơi đây thường xuyên bị ứ nước nghiêm trọng. Mỗi lần ngập phải mất vài tiếng đồng hồ nước mới tiêu thoát kịp, thậm chí có khu vực quá trũng thấp, nước không rút ra được.

Ông Phan Trần Minh Hải, ngụ khu phố Hiệp Bình cho rằng, thời gian qua, chính quyền đã chỉ đạo nhiều giải pháp chống ngập, đơn vị thi công cũng nâng cấp, mở rộng hệ thống thoát nước trong hẻm 75.

Tuy nhiên, do nhiều năm liền phải đối mặt với tình trạng ngập úng, con đường bị hư hỏng nghiêm trọng, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, chỗ lồi chỗ lõm. Trong quá trình thi công hệ thống thoát nước, một số miệng cống bố trí tại khu vực đất trũng cao hơn so với mặt đường, nước không thể thoát qua cống, đọng vũng trên đường.

Ông Hải hy vọng, các cơ quan chức năng kịp thời xem xét, sửa chữa, nâng cấp con đường và hệ thống thoát nước để có thể đáp ứng được nhu cầu dân sinh.

Không chỉ ở thành phố, đường phố ở nhiều địa phương khác cũng thiếu chỗ thoát nước. Trên địa bàn huyện Châu Thành, hiện có 31 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 178km, trong đó trải nhựa 107,6km, chiếm tỷ lệ khoảng 60%.

Tuy nhiên, các tuyến đường trong phạm vi nội thị như đường Hoàng Lê Kha, Lê Thị Mới… có hệ thống thoát nước, còn những tuyến đường huyện, trừ một số đoạn đi qua phạm vi các xã, khu vực tập trung đông dân cư, còn lại không được đầu tư hệ thống thoát nước.

Các tuyến đường huyện dạng sỏi đỏ hiện có khoảng 70,4km, chưa có tuyến nào có hệ thống thoát nước. Vì các tuyến đường trên đi qua khu vực nông thôn, hai bên đường chủ yếu là đồng ruộng nên tận dụng hệ thống thoát nước tự nhiên, đơn vị thi công sẽ tạo rãnh dọc thoát nước hai bên; tuy nhiên, các mương, rạch thoát nước tự nhiên dễ bị bồi lắng, nước không thể thoát được.

Ông Phạm Văn Thơm- PCT UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết, hiện nay, nhiều tuyến đường bê tông trên địa bàn xã xây dựng không có mương thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngập cục bộ. Theo ông, khi xây dựng các tuyến đường mới, đơn vị thi công cần bố trí mương thoát nước, hệ thống cống rãnh phù hợp, bảo đảm chất lượng và độ bền con đường.

Trên thực tế, tình trạng ngập xảy ra chủ yếu ở các khu vực chưa được lắp đặt cống, mương thoát nước. Ở những nơi đã có dự án chống ngập, biện pháp phòng ngừa được thực hiện đầy đủ, tình trạng ngập úng ít khi xảy ra.

Ðơn cử như quốc lộ 22B, đoạn qua ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Trước đây, đoạn đường này từng xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, do hệ thống cống bị nghẹt, nước không tiêu thoát kịp, ảnh hưởng đến quá trình đi lại, cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương. Sau khi người dân phản ánh, các đơn vị chức năng đã nạo vét cống sạch sẽ, hiện việc ngập úng đã giảm bớt khá nhiều.  

Ông Nguyễn Văn Viên- Trưởng ấp Bình Phong cho biết thêm, khi có ngập úng, chính quyền địa phương vận động người dân đóng góp ngày công lao động, cùng chung tay nạo vét, khai thông cống rãnh, mương thoát nước.

Mới đây, trong đợt tiếp xúc cử tri, người dân địa phương kiến nghị cơ quan chức năng sửa chữa, nâng cấp một số cống bị hư trên tuyến quốc lộ 22B, phòng, chống ngập trong mùa mưa, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Hẻm 15, đường Nguyễn Văn Rốp, sau một trận mưa, mực nước trong hẻm dâng lên khá cao.

LẤN ÐƯỜNG NÊN NGẬP

“Thời gian qua, nhiều hộ dân xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm lòng, lề đường, làm mất rãnh dọc thoát nước, khiến nước bị tồn đọng trên bề mặt, giảm chất lượng hạ tầng giao thông. Ðây là một thực trạng xảy ra khá phổ biến, khiến đường bị ngập úng thường xuyên, chất lượng xuống cấp”, ông Ngô Ngọc Thành- Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành đánh giá.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Long- Phó Phòng Quản lý đô thị Thành phố cho rằng, hiện nay, ý thức của một số hộ dân chưa cao trong việc xây dựng các tuyến đường văn minh đô thị. Một số hộ xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm vỉa hè, gây cản trở hệ thống thoát nước hay hành vi xả nước thải sinh hoạt ra đường, làm hư hỏng đường sá xuất hiện phổ biến, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Thời gian qua, Phòng Quản lý đô thị thường xuyên tạo điều kiện, cấp giấy phép cho các hộ gia đình đào đường, vỉa hè lắp đặt hệ thống cống thoát nước. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số người dân tự ý đào vỉa hè lắp đặt cống, dù Phòng Quản lý đô thị thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng, và đề nghị người dân thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết trước khi xây dựng. 

Ngoài ra, hiện nay, vẫn còn tình trạng có một số hộ kinh doanh ăn uống trên địa bàn xả nước thải sinh hoạt ra mặt đường, hai bên lề, gây mất vệ sinh môi trường.

PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh