Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đề phòng nguy cơ hoả hoạn, bảo vệ an toàn cho người dân
Bài 1: Nâng cao ý thức mỗi người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Thứ hai: 15:35 ngày 08/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ. Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), đề phòng nguy cơ hoả hoạn, bảo vệ an toàn cho người dân được ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm.

 
Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Tân Biên hướng dẫn người dân dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas. Ảnh: Duy Phú

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên cả nước diễn biến phức tạp, trong đó, nhiều vụ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Tại Tây Ninh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, các vụ cháy không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 50 triệu đồng.

Nguyên nhân vụ cháy được cho là sự cố chạm chập điện và do sơ suất bất cẩn. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ. Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), đề phòng nguy cơ hoả hoạn, bảo vệ an toàn cho người dân được ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm.

Chị Võ Hà Thuý Diễm- tiểu thương bán tạp hoá tại chợ thành phố Tây Ninh cho biết, mấy ngày nay thời tiết nóng bức, chị khá lo lắng về nguy cơ xảy ra chập, cháy. Hầu hết hàng hoá của chị đều để ở sạp hàng, do đó, chị rất kỹ lưỡng trong sử dụng điện, tuân thủ các quy định về PCCC.

Chị Lê Trần Hương Lài- tiểu thương bán quần áo tại chợ thành phố Tây Ninh cho biết, tại quầy hàng của chị, các dây điện đều được bao bọc cẩn thận. Để bảo đảm về PCCC, chị không nấu nướng ở gần khu vực để hàng hoá, quần áo; sử dụng điện cẩn thận; trước khi ra về ngắt hết nguồn điện. Ban Quản lý (BQL) chợ cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương và tuyên truyền về công tác PCCC.

Theo ông Ngô Anh Quyền- Phó BQL chợ thành phố Tây Ninh, đơn vị luôn nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống cháy, tuần tra, kiểm tra hằng ngày; yêu cầu khắc phục đối với hộ kinh doanh không bảo đảm an toàn, nếu không khắc phục, BQL chợ lập biên bản cho ngưng hoạt động nhằm bảo đảm công tác PCCC.

Vào mùng 2, 16 âm lịch hằng tháng, BQL chợ tổ chức tập dượt PCCC, kiểm tra dụng cụ phương tiện chữa cháy tại chỗ. Song song đó, hướng dẫn người dân trong mùa nắng nóng phải tự kiểm tra khu vực buôn bán của mình, kiểm tra việc sử dụng điện, đốt nhang thờ cúng. Vào ban đêm, chợ Thành phố thuê thêm lực lượng bảo vệ, phối hợp với BQL chợ nhằm bảo đảm tài sản và PCCC, cơ động kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra.

 “Chợ Thành phố rất được ngành chức năng quan tâm về công tác PCCC, lực lượng cơ sở cũng sâu sát, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền đến các hộ tiểu thương. Qua kiểm tra, các cơ sở, tiểu thương đều chấp hành tốt, những sơ suất nhỏ chúng tôi nhắc nhở được hộ kinh doanh khắc phục ngay”- ông Quyền nói.

Theo UBND thành phố Tây Ninh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 1 vụ cháy tại khu vực chợ Hiệp Ninh. Vụ cháy không thiệt hại về người, chỉ thiệt hại về tài sản khoảng 50 triệu đồng, nguyên nhân cháy do chập điện.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, chợ Hiệp Ninh nằm trong khu dân cư, đường nhỏ hẹp cũng như đã hình thành từ lâu đời. Về cơ bản, có một số nội dung về PCCC không bảo đảm. Tuy nhiên, nguyên nhân cháy không phải do hệ thống PCCC mà một số tiểu thương sử dụng thiết bị điện không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, những thiết bị điện cá nhân được sử dụng rất nhiều như: pin dự phòng, sạc không dây, sạc có dây và những thiết bị không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; dẫn đến tình trạng chập điện hoặc xảy ra những vụ cháy nhỏ từ những cơ sở, gia đình, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, khu dân cư, chợ.

BQL chợ Thành phố tuyên truyền PCCC cho hộ kinh doanh.

Lãnh đạo UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cháy, nổ xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản, trong đó, có PCCC tại các khu dân cư, chợ có nguy cơ cháy, nổ cao.

Đối với khu vực dân cư, ngoài công tác tuyên truyền, Thành phố còn thành lập 31 mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” tại tất cả khu dân cư trên địa bàn Thành phố, nhất là đối với những khu dân cư có nguy cơ cháy cao.

Từ 5-15 hộ dân gần nhau vào 1 tổ, những nhà liền kề trang bị một số phương tiện PCCC, có chuông báo cháy chung, nếu xảy ra sự cố cháy, khu vực xung quanh sẽ tham gia hỗ trợ chữa cháy kịp thời. Ngoài ra, có 54 Đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng thực hiện công tác PCCC khu dân cư ở 54 khu phố, ấp trên địa bàn.

Đối với các chợ trên địa bàn Thành phố, trước đây, các chợ do Nhà nước quản lý, nay chuyển sang mô hình tự chủ về mặt tài chính nên kinh phí có phần hạn chế, các thiết bị PCCC phải trang bị thêm mới bảo đảm theo quy định, như hệ thống chữa cháy vách tường, báo cháy tự động... Ở góc độ của địa phương, đối với những dự án mới, Thành phố quyết liệt chỉ đạo phải bảo đảm đủ các phương tiện và tiêu chuẩn theo hệ thống PCCC mới, chẳng hạn như chợ Thành phố sắp được xây dựng.

Đối với những chợ đã hình thành từ trước, Thành phố trang bị một phần phương tiện PCCC từ ngân sách Nhà nước, còn lại vận động người dân, tiểu thương tham gia cùng các tổ liên gia, tự động trang bị những thiết bị cần thiết để khi xảy ra chập điện, cháy nổ có thể chủ động, phối hợp tự tham gia PCCC, nếu vụ cháy xảy ra ở mức độ nhỏ, có thể xử lý dứt điểm ngay.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: “Mỗi người dân, tiểu thương phải có ý thức tự bảo vệ bản thân cũng như tài sản của mình. Dù chúng ta thành lập bao nhiêu đội chữa cháy, tổ liên gia thì ý thức của người dân vẫn là quan trọng nhất.

Tiếp đó là kiến thức, trang thiết bị; từ đó, hiệu quả công tác PCCC sẽ được nâng cao hơn. Vẫn còn tình trạng một số cá nhân, tiểu thương tự ý cơi nới mái che, bổ sung thêm đường dây điện chiếu sáng, đường dây điện cung cấp cho các thiết bị trong sạp, khu vực tự phát. Thành phố sẽ chỉ đạo địa phương, lực lượng chức năng có liên quan nhắc nhở, xử lý nếu những trường hợp này không chấp hành theo đúng quy định PCCC”.

Đối với các công trình do Nhà nước đầu tư, nếu xây dựng mới cũng phải đáp ứng yêu cầu, quy định về  PCCC. Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, trong năm 2023, Thành phố dành trên 20 tỷ đồng để đầu tư hệ thống PCCC cho các trường học trên địa bàn, trong đó: dành 7,6 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, thay mới những thiết bị PCCC tại 15 trường học; 14,2 tỷ đồng để đầu tư mới hệ thống PCCC đối với 7 trường học.

Các thiết bị PCCC tại chợ thành phố Tây Ninh.

Trong thời gian tới, thành phố Tây Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân nắm kiến thức, kỹ năng về PCCC; vận động mỗi gia đình tự trang bị bình chữa cháy và các dụng cụ cần thiết phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu vực khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao để kịp thời xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong PCCC tại các khu dân cư, chợ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; kho hàng, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, cơ quan, xí nghiệp... có nguy cơ cháy nổ cao.

Củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở tại các khu dân cư, chợ, cơ quan, doanh nghiệp. Trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức diễn tập phương án phòng cháỵ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bố trí lực lượng thường xuyên ứng trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý khi có cháy nổ xảy ra. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí phục vụ công tác PCCC, trong đó có PCCC khu dân cư và chợ trên địa bàn.

Trúc Ly

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh