Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử
Bài 1: Nhiều di tích cần được trùng tu, tôn tạo
Thứ ba: 21:03 ngày 08/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc sớm trùng tu tôn tạo các khu di tích lịch sử là điều rất cần thiết, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá một cách bền vững và phục vụ phát triển du lịch, kinh tế, xã hội tại địa phương.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Hằng năm, địa phương đều chi ngân sách để tôn tạo nhưng nguồn lực này chưa đủ, nhiều di tích đang có dấu hiệu xuống cấp, rất cần được xem xét đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống và tạo nên điểm đến độc đáo, thu hút khách du lịch trong, ngoài tỉnh.

Nhiều hạng mục trong các khu di tích lịch sử cách mạng ở Bến Cầu xuống cấp

Huyện Bến Cầu là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hoá, có di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hằng năm, Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu và tôn tạo, nhưng nguồn lực này chưa đáp ứng nhu cầu.

Qua nhiều năm sử dụng, Khu di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia địa đạo Lợi Thuận (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) có nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp. Ông Phạm Minh Chí- Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Thuận cho biết, khu di tích này được đưa vào hoạt động năm 2014, hằng năm thu hút lượng lớn du khách là thanh thiếu niên, thiếu thi về nguồn, từ đó phát huy được giá trị truyền thống cách mạng. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, nhiều hạng mục trong khu di tích (như nhà y tế, nhà làm việc của các vị lãnh đạo) đã hư hỏng, xuống cấp. Do kinh phí hạn hẹp, địa phương không đủ điều kiện để đầu tư, sửa chữa.

Một người dân sinh sống gần khu di tích cho biết: “Trước đây vẫn có người dân địa phương, du khách các tỉnh đến tham quan, về nguồn nhưng thời gian gần đây di tích này xuống cấp nên không thu hút được nhiều du khách đến tham quan”.

Du khách tham quan Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

UBND huyện Bến Cầu đã có văn bản gửi các ngành chức năng cấp trên xem xét có kế hoạch bố trí kinh phí sửa chữa, trùng tu những hạng mục đã xuống cấp, thực hiện công tác bảo vệ, quản lý di tích.

Thực hiện Công văn số 755/SVHTTDL-QLVH ngày 27.3.2023 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc báo cáo rà soát Đề án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Bến Cầu có báo cáo rà soát đối với Khu di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia địa đạo Lợi Thuận với các hạng mục: tu bổ, tôn tạo 3 nhà tranh vách đất; di dời và tôn tạo tượng đài; xây mới cột cờ và 2 nhà vệ sinh; 2 cổng giới hạn chiều cao; hạ tầng kỹ thuật, thay mới 9 bóng đèn cao áp, 4 nắp hầm, hệ thống dây dẫn...

Đối với di tích Căn cứ Chi bộ và Xã đội Long Khánh thời chống Mỹ, huyện đang thực hiện công tác khảo sát đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định; kinh phí trùng tu, phục dựng (theo Quyết định 480/QĐ-UBND) là 5 tỷ đồng; dự toán đền bù hơn 3,4 tỷ đồng. UBND huyện Bến Cầu kiến nghị tỉnh bổ sung kinh phí đền bù vào kinh phí trùng tu, phục dựng với tổng số tiền 8,4 tỷ đồng.

Đối với di tích Căn cứ rừng Nhum, bên cạnh việc trùng tu các hạng mục nhà tưởng niệm, nhà bảo vệ, nhà bia tưởng niệm, công trình cầu đường dẫn, nhà làm việc Bí thư, nhà hội trường 1 và 2, nhà chánh văn phòng, nhà Đội bảo vệ, nhà đoàn thể, nhà Thư ký, nhà Dân y, nhà Ban Kinh tài, UBND huyện Bến Cầu kiến nghị bổ sung thêm nhà khách, nhà nghỉ, nhà trú mưa cho khách tham quan; dự toán kinh phí trùng tu 8,6 tỷ đồng.

UBND huyện Bến Cầu đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh tham mưu UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh bổ sung kế hoạch trùng tu, phục dựng sửa chữa các di tích lịch sử của huyện vào danh mục đầu tư theo Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Việc sớm trùng tu tôn tạo các khu di tích lịch sử là điều rất cần thiết, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá một cách bền vững và phục vụ phát triển du lịch, kinh tế, xã hội tại địa phương.

Đầu tư, tôn tạo khu di tích lịch sử quốc gia

Ông Phan Thanh Nhàn- Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam tỉnh Tây Ninh cho biết, công tác chống xuống cấp tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được đơn vị thực hiện thường xuyên, như: thay lá trung quân do mục, thủng, dột; thay bạt pa-nô, nạo vét giao thông hào, sửa chữa các công trình xuống cấp…

Về công tác đầu tư, tôn tạo các khu di tích lịch sử, ông Nhàn cho biết, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chính thức có văn bản để Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cho tỉnh quản lý.

Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, quy hoạch tổng thể và đầu tư, tôn tạo lại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam theo hướng du lịch truyền thống kết hợp vui chơi, nghỉ dưỡng nhằm khai thác tiềm năng du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng du khách đến tham quan di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đạt trên 45.000 lượt. Dự kiến lượng khách du lịch trong năm 2023 sẽ đạt 70.000 - 80.000 lượt.

Theo ông Nhàn, hiện nay, dịch vụ tại các khu di tích này còn rất hạn chế, chỉ bảo đảm cơ bản về ăn uống, nghỉ ngơi và một số hoạt động ngoài trời; một số dịch vụ hội họp chỉ ở quy mô nhỏ, chưa có dịch vụ mang yếu tố phục vụ du lịch.

Được biết, kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh, khoá X đã thông qua Nghị quyết số 92/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục, công trình thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, tạo điểm đến tham quan, về nguồn của nhiều thế hệ.

Đối với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tỉnh nâng cấp cải tạo khu nhà đón tiếp gồm có khối nhà chính, khối văn phòng, nhà công vụ, khu phụ trợ; sân vườn, sử dụng cây xanh hiện tại làm cảnh quan, bố trí cây tán thấp, lát đá khu đất trống; cải tạo, sửa chữa khu nhà trưng bày, lắp đặt hệ thống trình chiếu video mapping điện tử bằng công nghệ hiện đại mang tính sinh động, tái hiện giá trị lịch sử di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, thay sa bàn trận đánh Junction City hiện hữu; cải tạo, sửa chữa vỉa hè trục đường chính từ bãi xe hiện hữu đến lối ra khu di tích, bố trí hệ thống thoát nước; tu bổ giao thông hào và 21 nhà ở, làm việc; cắm mốc phân ranh khoanh vùng di tích.

Ông Nhàn cho biết, Nghị quyết được thực hiện trong 2 năm 2024-2025. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong công tác đầu tư, tôn tạo di tích quốc gia, trước hết, đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam vào năm 2025.

UBND tỉnh đang chỉ đạo thực hiện quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu là khai thác du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng.

 Nhi Trần

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh