Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tỉnh đã ban hành nhiều biện pháp nhằm cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, nỗ lực đạt các mục tiêu đề ra, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh chính trị và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Công nhân “3 tại chỗ” lao động sản xuất tại một doanh nghiệp. Ảnh: An Khang
Dù dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỉnh đã ban hành nhiều biện pháp nhằm cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, nỗ lực đạt các mục tiêu đề ra, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh chính trị và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, chú trọng đến việc tổ chức lại hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp- nhất là ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi tắt là KCN).
Hoạt động cầm chừng
Từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra đến nay, trên địa bàn các KCN có 207 doanh nghiệp hoạt động. Số lao động đến hiện tại là 66.637 người, trong đó có 63.674 lao động của 178 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trên địa bàn ngoài KCN, luỹ kế từ khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát đến nay, có 408 doanh nghiệp hoạt động với 28.786 lao động, trong đó có 27 doanh nghiệp FDI với khoảng 12.423 lao động.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về tài chính để thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Các doanh nghiệp và người lao động đặt vấn đề: khi nào công nhân được đi làm bình thường; khi nào nới lỏng việc thực hiện “3 tại chỗ”? Cần tăng tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh…
Đại diện Công ty VMC Hoàng Gia cho biết, để bảo đảm sản xuất an toàn, cần phải tiêm phòng vaccine và thực hiện 5K. Tuy nhiên, hiện nay, công ty chỉ sản xuất cầm chừng. Đa số công nhân ở khắp các huyện trong tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mức lý tưởng. Chỉ khi nào tỷ lệ tiêm chung của tỉnh đạt mức 100%, công ty mới có thể khôi phục lại sản xuất bình thường như trước.
Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài có ý kiến, theo Quyết định số 2104 của UBND tỉnh, tốc độ khôi phục sản xuất được thực hiện theo từng giai đoạn. Doanh nghiệp đề nghị tỉnh xem xét tăng tốc, vì theo đánh giá của công ty, nếu chỉ hoạt động 30% hoặc 50% công suất, sẽ không có lợi nhuận. Ít nhất phải đạt được khoảng 80% công suất mới được xem là khả quan.
Đại diện Công ty Gain Lucky (KCN Phước Đông, huyện Gò Dầu) cho rằng, doanh nghiệp đang cố gắng thực hiện an toàn “3 tại chỗ”, nhưng sắp tới, đề nghị tỉnh phê duyệt cho công nhân được sử dụng phương tiện cá nhân để đi về hằng ngày, giảm được chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.
Khi công nhân đi làm, doanh nghiệp có biện pháp phòng, chống dịch rất nghiêm ngặt, nhưng khi họ về nhà, doanh nghiệp không kiểm soát được, tỉnh cần nghiên cứu quy định kiểm soát chặt người lao động tại địa phương.
Đại diện KCN Thành Thành Công cho biết, hiện nay hầu hết công nhân đều đã được tiêm một mũi vaccine, do đó cần xem xét lại việc cứ 7 ngày xét nghiệm 20% công nhân, mà giãn thời gian ra khoảng 2 tuần. Ngoài ra, đại diện KCN cũng đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động trong KCN.
Công nhân một doanh nghiệp FDI chuyển hàng lên container.
6 nhóm vấn đề khó khăn
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 6 nhóm vấn đề khó khăn chủ yếu đối với doanh nghiệp FDI:
Thứ nhất, nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động rất lớn, nhưng đa số doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vaccine.
Thứ hai, một số doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” do nhà xưởng không đủ diện tích dành cho khu sản xuất và khu lưu trú cho người lao động; các trang bị, phương tiện phục vụ cho mô hình này tốn chi phí khá lớn; người lao động có nhu cầu đi về hằng ngày do hoàn cảnh gia đình (có cha mẹ là người lớn tuổi cần được chăm sóc, con nhỏ không người giữ hộ).
Thứ ba, trong giai đoạn dịch bệnh, để duy trì sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Tuy nhiên, đến khi có các đơn hàng/hợp đồng, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động hoặc công nhân đang cách ly theo quy định. Các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn với vấn đề nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài (không thể sang Việt Nam làm việc).
Thứ tư, sự thiếu hụt trong nguồn vốn kinh doanh dẫn đến tình trạng khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng. Cụ thể, trong giai đoạn dịch bệnh, nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải bảo đảm các khoản chi phí cho người lao động như: trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
Do đó, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dòng tiền và khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động.
Thứ năm, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển do chuỗi cung ứng bị đứt gãy tăng cao; nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm; chi đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp.
Lưu thông hàng hoá gặp khó khăn dẫn đến các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ do các phương tiện vận chuyển phải tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch của địa phương. Mặt khác, việc bố trí phương tiện vận chuyển người lao động theo phương thức “1 cung đường, 2 địa điểm” gặp khó khăn do người lao động ở các địa phương khác nhau, khó tập trung tại một địa điểm.
Thứ sáu, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc huỷ đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Một doanh nghiệp trong KCN Thành Thành Công thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Để tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề ra giải pháp: sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9.92021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Thực tế thời gian qua, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số doanh nghiệp có điều kiện triển khai hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” nhưng hiệu quả không cao, còn lại phải tạm dừng hoạt động.
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh đã đi tìm hiểu thực tế, lắng nghe các doanh nghiệp trình bày những khó khăn nhằm kịp thời chỉ đạo các ngành có hướng tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Ngày 21.10, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ về quy định “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12.10.2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là giải pháp tháo gỡ quan trọng để các doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Tấn Hưng - Trúc Ly
(còn tiếp)