Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách đất đai
Bài 1: Nhiều giải pháp kéo giảm tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn
Chủ nhật: 23:54 ngày 04/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, cử tri phản ánh nhiều hồ sơ lĩnh vực đất đai giải quyết rất chậm, người dân bị hẹn đi lại nhiều lần, có người 2 năm vẫn chưa được giải quyết xong thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người dân đến làm thủ tục đất đai tại Trung tâm hành chính công Tây Ninh.

Ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, hiện nay, thủ tục hành chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân thực hiện gồm 33 thủ tục hành chính, trong đó thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Tây Ninh thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (cấp mới).

Qua rà soát, các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Tây Ninh trong thời gian qua đã tiếp nhận và giải quyết trả kết quả cho công dân bảo đảm thời hạn theo quy định, không có hồ sơ trễ hẹn.

Ông Ngô Thanh Bình- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành cho biết, hồ sơ lĩnh vực đất đai giải quyết trên địa bàn huyện vẫn còn chậm, chủ yếu hồ sơ cấp mới và hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân chính như nguồn gốc pháp lý đất, một số quy định pháp luật chưa cụ thể, hồ sơ tranh chấp khiếu nại kéo dài, diện tích phát sinh nhiều hơn thực tế…

Bên cạnh đó, hồ sơ giải quyết trễ hẹn một phần do nguyên nhân chủ quan từ cán bộ chuyên môn thiết lập hồ sơ ban đầu còn nhiều sai sót. Mặt khác, thời gian qua, tình hình đất đai biến động nhiều, lượng hồ sơ tăng đột biến, gây quá tải, trong khi công chức, viên chức ít, không xử lý kịp hồ sơ theo thời gian quy định.

UBND huyện Châu Thành tổ chức các cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai nhằm nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân về quyền, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Định kỳ hằng tháng, UBND huyện phối hợp các ngành chuyên môn rà soát, đánh giá, xử lý hồ sơ tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Qua đó xử lý, chấn chỉnh những hồ sơ trễ hẹn, vướng mắc trong phối hợp… để hạn chế hồ sơ trễ hẹn, người dân đi lại nhiều lần.

Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh.

Đồng thời chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh- chi nhánh huyện Châu Thành, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, UBND cấp xã chấn chỉnh việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ lĩnh vực đất đai chậm, trễ hẹn; giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước của chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý đất đai, giải quyết hồ sơ lĩnh vực đất đai nói riêng; giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ lĩnh vực đất đai để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm công chức, cán bộ có hành vi cố ý vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính; lập kế hoạch tăng cường làm thêm giờ để xử lý những thời điểm hồ sơ tăng đột biến.

Ông Trần Quang Khải- Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết từ những tháng cuối năm 2021 đến nay, nhu cầu thực hiện hồ sơ lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Trong 11 tháng năm 2021, đơn vị tiếp nhận 223.121 hồ sơ; 11 tháng năm 2022 tiếp nhận 385.382 hồ sơ, khối lượng hồ sơ tăng 73% nên có tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn so với quy định.

Ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn như: tăng cường nguồn lực tối đa cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, cụ thể: bổ sung thêm nhân lực; thành lập các đội phản ứng nhanh thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh (bộ phận Một cửa, kiểm tra hồ sơ, đo đạc) để chi viện cho các chi nhánh có hồ sơ trễ; vận động viên chức của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh làm thêm giờ, ngoài giờ.

Kết quả, tổng số viên chức, người lao động toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh hiện nay là 379 người, so với năm 2021 tăng 69 người. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cử cán bộ ở Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh hỗ trợ cho các chi nhánh thực hiện các nội dung như tiếp nhận hồ sơ Một cửa, kiểm tra hồ sơ, đo đạc đối với chi nhánh có hồ sơ trễ hạn; đã trang bị thêm cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh 30 bộ máy vi tính; nhiều tháng nay, hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tăng giờ làm vào các ngày bình thường, làm ngoài giờ vào thứ bảy, chủ nhật.

Từ các giải pháp nêu trên, năng suất làm việc của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tăng 41% so cùng kỳ, năm 2021 giải quyết trung bình 720 hồ sơ/người/năm; năm 2022 giải quyết trung bình 1.018 hồ sơ/người/năm, 11 tháng năm 2022 xử lý khối lượng hồ sơ rất lớn là 385.382 hồ sơ, từng bước cải thiện, hạn chế thấp nhất hồ sơ trễ hạn; đã kéo giảm hồ sơ trễ hạn từ 3,21% năm 2021 xuống còn 2,89% của năm 2022, tương ứng với 4.632 hồ sơ trễ hạn.

Đối với việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), ông Khải cho biết, UBND tỉnh quy định thời hạn giải quyết hồ sơ cấp đổi GCN (thủ tục 22 của bộ thủ tục hành chính ngành Tài nguyên và Môi trường) là 7 ngày với trường hợp GCN bị ố, nhoè, rách, hư hỏng; đổi từ GCN mẫu cũ sang mẫu GCN mới; GCN đã cấp chỉ ghi tên vợ hoặc chồng nay có yêu cầu đổi GCN ghi tên cả vợ và chồng; dồn điền, đổi thửa; thời hạn 50 ngày đối với trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ; thời hạn 14 ngày đối với trường hợp thực hiện thủ tục cấp đổi với thủ tục khác trên cơ sở hồ sơ hợp lệ.

Cấp đổi GCN theo quy định của pháp luật: theo Điều 97 và Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013. Việc cấp đổi GCN theo Điều 97 Luật Đất đai năm 2013 nói nôm na là “nguyên đai, nguyên kiện” nên thực hiện rất nhanh. Còn việc cấp đổi GCN theo Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013- diện tích, đối tượng địa lý trên GCN có thay đổi, để có bộ hồ sơ hợp lệ theo quy định mất rất nhiều thời gian, chia ra nhiều dạng như: GCN đó ranh thửa đất không thay đổi so với thời điểm cấp GCN: xử lý rất nhanh; GCN có ranh thay đổi so với thời điểm cấp GCN: phải xem xét, bổ sung pháp lý đối với phần diện tích tăng thêm, mất rất nhiều thời gian (thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc bổ sung pháp lý của người sử dụng đất).

GCN có thay đổi về đối tượng địa lý, như: GCN cũ không giáp đường giao thông, GCN mới giáp đường giao thông; GCN cũ giáp đường giao thông, GCN mới không giáp đường giao thông… phải mất nhiều thời gian để UBND cấp huyện, cấp xã và chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp xác minh sự thay đổi đối tượng địa lý này, mất rất nhiều thời gian, thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc phối hợp giữa các cơ quan.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công TP. Tây Ninh.

Ông Khải cho biết thêm, các hồ sơ cấp đổi chủ yếu tập trung ở địa bàn huyện Tân Biên. Hiện nay, huyện Tân Biên đang thực hiện việc đo đạc lại lập bản đồ địa chính và xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đang trong giai đoạn đăng ký, xét duyệt hồ sơ đăng ký, đẩy nhanh tiến độ đo đạc để nghiệm thu dự án làm cơ sở để cấp đổi giấy đồng loạt trên địa bàn.

Ngành đã phối hợp với UBND huyện Tân Biên thống nhất cách thực hiện dự án và cấp đổi giấy cho người dân, đặc biệt là các trường hợp trùng thửa, lộn thửa, sai vị trí thửa đất thì tiếp tục xử lý theo Phương án số 1650/PA-VPĐKĐĐ ngày 3.10.2017 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh