Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Làm gì để mía không còn “đắng”?
Bài 1: Nhiều người trồng mía đang “nghèo đi”
Thứ năm: 10:13 ngày 31/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khoảng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu, bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, bước sang vụ thu hoạch 2018-2019, nỗ lực “cứu mía” đã không mang lại kết quả khả quan mà có vẻ như ngược lại. Nguyên nhân do đâu?

Ông Đặng Văn Thành trả lời phỏng vấn của báo chí trong một hội thảo.

Thời gian gần đây, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công thường xuyên lặp lại câu nói: “Trách nhiệm của chúng ta là làm giàu cho nông dân”. Thế nhưng, trong vụ chế biến mía đường 2018-2019, nhiều nông dân, trong đó người trồng ít nhất là vài ha, người trồng nhiều nhất trên 100 ha mía đều khẳng định: Với giá mua mía hiện nay cùng các chính sách bất lợi cho nông dân, các doanh nghiệp chế biến mía đường không thể làm giàu cho nông dân mà ngược lại, khiến rất nhiều nông dân nghèo đi!

Doanh nghiệp chế biến “xa” nông dân

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh, năm 2011, Tây Ninh có 23.869 ha mía; đến năm 2015, diện tích đất trồng mía chỉ còn 14.245 ha. Năm 2011, năng suất mía bình quân 71,6 tấn/ha; năm 2015, năng suất mía “nhích nhẹ” lên 73,4 tấn/ha. Do diện tích mía giảm mạnh, năng suất tăng không đáng kể nên sản lượng mía nguyên liệu và sản lượng đường cũng giảm nhiều so với trước.

Trong vụ chế biến 2017-2018, tổng diện tích mía trồng trên địa bàn Tây Ninh hơn 15.600 ha, năng suất bình quân trên 77,3 tấn/ha, sản lượng mía cây đạt hơn 1,2 triệu tấn. Đến vụ thu hoạch 2018-2019, dù chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng theo nhiều nông dân, diện tích mía đang thu hẹp "còn nhiều hơn trước".

Có nguyên nhân chính khiến diện tích mía ngày càng bị thu hẹp. Một trong những nguyên nhân hàng đầu là giá thành sản xuất mía hiện nay khá cao, do kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu chưa được đầu tư đúng mức, tỷ lệ cơ giới hoá thấp, chưa áp dụng đầy đủ các kỹ thuật canh tác, chưa có bộ giống mía cho năng suất và chữ đường thích hợp. Giá thành chế biến đường cao còn do công nghệ, thiết bị của nhà máy chế biến còn lạc hậu, chưa sử dụng hữu hiệu phụ phẩm.

Theo Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, trong thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến mía đường đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng chuỗi giá trị và liên kết với nông dân nhưng kết quả không được như mong đợi. Hơn nữa, do quá trình mở cửa của Việt Nam nên khả năng cạnh tranh của cây mía với các nước khác là thấp. Giá thành để sản xuất mía ở Tây Ninh cao hơn các nước khác nên giá đường không thể cạnh tranh lại. Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp mía đường không còn quan tâm nhiều đến việc phát triển vùng nguyên liệu mía, và nông dân cũng không muốn trồng cây này do lợi nhuận thấp, triển vọng không cao. Vì vậy, cây mía chỉ có thể được trồng tập trung trên diện tích đất mà các loại cây trồng khác không “xâm lấn”, cạnh tranh.

Dự báo, đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng mía trên địa bàn tỉnh khoảng 20.000 ha, đến năm 2030 còn khoảng 10.000 - 15.000 ha; đồng thời giảm dần các nhà máy đường không hiệu quả để bảo đảm đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến.

Nguyên nhân thứ hai là lợi thế cạnh tranh giữa mía và các cây trồng khác đang mất dần. Dù rằng cây mía được các nhà máy đầu tư, bao tiêu và giá thu mua tương đối ổn định hơn các cây trồng khác nhưng nếu tính lợi nhuận nông dân thu được từng năm trên cùng diện tích đất, thì thu nhập bình quân từ cây mía thấp hơn cây mì, lúa, rau màu.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là mối quan hệ giữa doanh nghiệp chế biến đường với người trồng mía không được “nồng ấm”, nảy sinh không ít bất đồng về quyền lợi. “Chúng tôi luôn có cảm giác phía doanh nghiệp chế biến mía đường cần chúng tôi chỉ vì họ cần nguyên liệu để sản xuất chứ không hề nhận thấy được sự đồng hành của họ cùng nông dân phát triển”- một thành viên Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh nói.

Mía được đưa về chế biến ở một nhà máy.

Chưa thực hiện hiệu quả các giải pháp “cứu” cây mía

Phát biểu tại một hội nghị, bàn về giải pháp phát triển bền vững ngành mía đường Tây Ninh, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT phân tích: “Tuy đã có chính sách tạo thêm thu nhập cho người trồng mới cây mía nhưng chưa đủ để khuyến khích nông dân chọn trồng mía, do hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều loại cây trồng khác. Trong khi đó, người trồng mía lại phải chịu nhiều rủi ro hơn như sâu bệnh phá hại mía, nguy cơ mía bị cháy rất cao, công lao động vừa đắt đỏ vừa khan hiếm, chi phí thu hoạch vận chuyển ngày càng cao...”. Việc giữ vững diện tích mía đang có đã là một vấn đề gần như nan giải chứ chưa nói đến phát triển thêm diện tích trồng mía mới.

Từ thực tế đó, ngành Nông nghiệp đã đề xuất một số giải pháp để ngành mía đường phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi của các bên, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Trong đó có việc Tây Ninh xây dựng cánh đồng mía lớn theo chủ trương của Chính phủ trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tỉnh cũng đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía theo định hướng tập trung phát triển cánh đồng mía lớn, hình thành vùng trồng mía tập trung tại các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu và Bến Cầu. Các vùng nguyên liệu này sẽ được tập trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến; trồng các giống mía cho năng suất và chữ đường cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá trong các khâu sản xuất và thu hoạch. Từ đó, nâng cao năng suất, sản lượng mía cung ứng cho các nhà máy chế biến.

Theo Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, diện tích đất trồng mía trong tỉnh khoảng 15.600 ha, chiếm 5,8% tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Có hơn 2.000 lao động có việc làm từ cây mía. Cây mía cũng tạo ra giá trị gia tăng là hơn 200 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân là 7 triệu đồng/ha mía; giá trị gia tăng là 14 triệu đồng/ha - thấp nhất trong các cây trồng truyền thống mà nông dân Tây Ninh đang canh tác.

Đề án này cũng đề xuất việc giảm diện tích trồng mía không hiệu quả, mía được canh tác tại các vùng đất không phù hợp và có kết cấu hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có cây ăn trái và cây mì.

Ngoài ra, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mía đường và nông dân trong việc đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện sản xuất cũng như dành quỹ đất thích hợp để nghiên cứu, ứng dụng về giống, về kỹ thuật trong trồng mía để phát triển cây mía ở các vùng trồng tập trung đã được hình thành.

Để có thêm nguyên liệu chế biến, các nhà máy đường trong tỉnh đã mở rộng đầu tư vùng trồng mía ở tỉnh khác và nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi giá thành cây mía sẽ ở mức cao, dẫn tới giá đường cao, không thể cạnh tranh với đường ngoại nhập nên không thể phát triển bền vững.

Thời gian gần đây, các nhà máy đường đã có kế hoạch phát triển ổn định diện tích cây mía như hỗ trợ chi phí để nông dân hình thành cánh đồng lớn; đẩy mạnh cơ giới hoá, trong đó có cơ giới hạng nặng trong quá trình trồng và thu hoạch mía; xây dựng cơ cấu bộ giống và vụ trồng; đầu tư thêm hệ thống thuỷ lợi, tưới - tiêu tại các vùng nguyên liệu; thực hiện chính sách bảo hiểm lợi nhuận hợp lý để khuyến khích nông dân...


Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch 2018-2019, mối quan hệ giữa người trồng mía và nhà máy chế biến có vẻ như chưa được cải thiện tốt. Người trồng mía và Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh đang phản ứng gay gắt trước giá thu mua của doanh nghiệp có hướng “chèn ép” nông dân cùng với các chính sách khác đầy bất lợi cho người trồng.

Đáng chú ý là đại diện Hội Người trồng mía cho biết sẽ khởi kiện doanh nghiệp thu mua mía về việc vi phạm hợp đồng - cụ thể là về giá thu mua.Ngành Nông nghiệp tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến mía đường sớm xây dựng chính sách đầu tư cũng như giá mua mía cây rõ ràng, hợp lý, bảo đảm người trồng có lợi. Các nhà máy cần phải minh bạch trong việc đo chữ đường, phải cho người trồng mía thấy kết quả đo chữ đường là chính xác. Một vấn đề cốt lõi khác mà Ngành nông nghiệp đã lưu ý các doanh nghiệp chế biến mía đường là “cần phải tích cực cải thiện mối quan hệ với người trồng mía”.

BẢO TÂM

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục