Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đầu tư hệ thống kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất
Bài 1: Nhiều tuyến kênh xuống cấp
Thứ hai: 14:54 ngày 15/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay có nhiều tuyến kênh đã lâu năm nên xuống cấp, một số vùng sản xuất có nhu cầu tưới nhưng chưa có kênh thuỷ lợi.

Một đoạn kênh qua ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

Hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh được đánh giá cơ bản đáp ứng nhu cầu cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tuyến kênh đã lâu năm nên xuống cấp, một số vùng sản xuất có nhu cầu tưới nhưng chưa có kênh thuỷ lợi.

Triển khai dự án kênh tiêu xã Tân Lập: Còn khó khăn

Huyện Tân Biên có tổng số 267,85km kênh tưới đi qua, từ kênh chính đến kênh cấp 1, 2, 3, 4, 5 và trên 1.600 công trình thuỷ lợi lớn, nhỏ các loại; do các đơn vị Xí nghiệp thuỷ lợi Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành trực thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh quản lý, khai thác và sử dụng. Hệ thống kênh tưới hằng năm phục vụ cho khoảng 23.600 ha (3 vụ/năm), tương đương 80% - 85% diện tích thiết kế của công trình. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 60,3km kênh tiêu các loại do Xí nghiệp thuỷ lợi Tân Biên quản lý.

Dự án kênh tiêu xã Tân Lập (huyện Tân Biên) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1741/QĐ-UBND ngày 12.8.2020 để tiêu thoát nước, giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ khu dân cư các ấp Tân Tiến, Tân Hoà, Tân Đông 1, Tân Đông 2 (xã Tân Lập).

Tổng diện tích ngập cục bộ khoảng 200 ha, thời gian ngập hằng năm bắt đầu vào đầu mùa mưa, có khoảng 600 hộ bị ảnh hưởng. Riêng khu vực dự kiến thực hiện dự án kênh tiêu xã Tân Lập đi qua khoảng 1km (trong khu dân cư) có 51 hộ gia đình và 2 tổ chức bị ảnh hưởng.

Thời gian qua, việc triển khai dự án còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Duy Trường- Trưởng ấp Tân Tiến, xã Tân Lập cho biết, mùa mưa, trên địa bàn xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, đất trồng hoa màu cũng bị ngập; người dân sinh hoạt, sản xuất rất khó khăn nên mong muốn có kênh tiêu để thoát nước.

Thời gian qua, địa phương nhận được một số ý kiến thắc mắc của người dân về việc dự án chưa được triển khai. Do đó, rất mong chính quyền các cấp nhanh chóng triển khai dự án kênh tiêu, giải quyết tình trạng ngập úng, tạo thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Nhơn (ngụ ấp Tân Hoà, xã Tân Lập) cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi chuẩn bị xây nhà thì được xã thông báo đất nằm trong khu vực dự án kênh tiêu xã Tân Lập đi qua nên không xây được. Cho đến nay, miếng đất vẫn để trống, còn tôi đang ở nhà thuê. Rất mong chính quyền các cấp có hướng giải quyết phù hợp để tôi có thể xây nhà, ổn định nơi ở”.

Theo bà Nguyễn Thị Như Anh- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Biên cho biết, khó khăn trong triển khai thực hiện dự án là phần lớn các hộ dân không đồng ý theo phương án Nhà nước đầu tư xây dựng công trình, nhân dân hiến đất (không đền bù).

Đây là dự án nhóm C, thời gian thực hiện từ năm 2021-2022, đến nay, thời gian thực hiện đã hết. Hiện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT tỉnh đang trình UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để tiếp tục triển khai thực hiện.

Thời gian thực hiện dự án đề nghị điều chỉnh như sau: chuẩn bị đầu tư năm 2023, thực hiện năm 2024- 2026. Sau khi được UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư (điều chỉnh thời gian), Phòng NN&PTNT sẽ tham mưu UBND huyện Tân Biên phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Đất của ông Nguyễn Văn Nhơn (ấp Tân Hoà, xã Tân Lập) nằm trong khu vực dự án kênh tiêu Tân Lập nên không thể xây dựng nhà ở.

Tháo gỡ khó khăn cho người dân về nước tưới

Địa bàn huyện Dương Minh Châu có tổng số 258 tuyến kênh tưới, tiêu, trong đó, có 203 tuyến kênh tưới, 55 tuyến kênh tiêu và 427 cống lấy nước, được phân cấp như sau: kênh vượt cấp có 4 tuyến kênh lấy nước từ kênh chính Đông và kênh chính Tây, 1 trạm bơm xã Phan; kênh cấp 1 có 13 tuyến với tổng chiều dài 60.725m; kênh cấp 2 có 77 tuyến, tổng chiều dài 89.225m; kênh cấp 3 có 109 tuyến với tổng chiều dài 54.735m.

Tỷ lệ các tuyến kênh được bê tông hoá khoảng 35%. Bên cạnh đó, kênh nội đồng có 427 cống lấy nước chưa có kênh dẫn nước ra ruộng; kênh tiêu có 55 tuyến với chiều dài 80.280m, chưa được bê tông hoá.

Từ đầu mùa khô đến nay, các tuyến kênh trên địa bàn bảo đảm phục vụ nước tưới, tiêu cho diện tích gần 31.000 ha trên địa bàn huyện (đối với các xã nằm trong vùng tưới). Tuy nhiên, còn 7 tuyến kênh cần được nâng cấp, sửa chữa gồm: kênh TN0-8 tại xã Phước Minh; kênh tiêu Suối Tre tại xã Phan; kênh tiêu Suối Cùng - Suối Lán, kênh tiêu Suối Lùn tại xã Chà Là; kênh tiêu Cầu Khởi tại xã Cầu Khởi; kênh tiêu Bàu Đế, kênh tiêu Vườn Điều tại xã Bàu Năng.

Anh Phạm Văn Bi, ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá cho biết, đất của anh không thuộc vùng tưới nên thiếu nước sản xuất. Anh đang trồng mì với tổng diện tích 8 ha, nguồn nước tưới từ giếng khoan. Đầu tháng 5 vừa qua, do nắng nóng nên bơm nước tưới gặp nhiều khó khăn, người dân mong muốn trên địa bàn có kênh thuỷ lợi để thuận lợi cho việc sản xuất.

Anh Nguyễn Thành Quý- quản lý vườn sầu riêng, vú sữa với diện tích 13 ha ở ấp Phước Long 2, xã Phan (huyện Dương Minh Châu) chia sẻ: “Năm rồi, khu vực này còn đủ nước tưới, năm nay nắng nóng gay gắt nên thiếu nước trầm trọng, không thể bơm tưới trực tiếp.

Tại vườn có đào 2 hố trữ nước, phía dưới và xung quanh lót bạt. Giải pháp này được nông dân thực hiện từ vài năm nay. Nếu có mưa, nước từ 2 hố đủ phục vụ tưới cho diện tích vườn, nắng nóng như năm nay thì nước tưới là vấn đề khó khăn”.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn- Bí thư, trưởng ấp Phước Long 2, thời gian qua, hoạt động sản xuất của nông dân trong thời tiết khô hạn, nắng nóng bị ảnh hưởng rất nhiều, lượng nước tưới cho cây trồng rất hạn chế, tốn kém nhiều chi phí, năng suất cây trồng bị ảnh hưởng. Người dân trên địa bàn đều mong muốn có một trạm bơm hoặc kênh tưới để phục vụ cho sản xuất.

Được biết, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có 2 khu vực cần nhưng chưa có kênh thuỷ lợi là ở xã Phan và Suối Đá, với trên 6.700 ha đất nông nghiệp cần nước tưới vào mùa khô. Người dân khu vực này sử dụng giếng khoan để tưới cho cây trồng nên nước tưới trong mùa khô không bảo đảm.

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, huyện đã đề xuất tỉnh xem xét, bố trí trạm bơm phục vụ nước tưới cho 2 khu vực trên. Tỉnh có chủ trương sẽ đầu tư trạm bơm ở Tân Hưng, phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 900 ha ở xã Suối Đá và Phan.

Mặt khác, UBND huyện phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh khảo sát và đề xuất bố trí vốn để bê tông hoá các tuyến kênh, phấn đấu đến năm 2025, bê tông hoá khoảng 50%, tiếp tục kiến nghị cho giai đoạn 2026 - 2030 bê tông hoá các tuyến kênh còn lại.

Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT kiến nghị tỉnh xem xét cho chủ trương nạo vét các tuyến kênh tiêu để phục vụ tốt hơn cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chống ngập úng cho sản xuất nông nghiệp; kiến nghị đầu tư kênh vượt cấp, trạm bơm để phục vụ nước tưới tại xã Phan, Suối Đá.

Trúc Ly

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục