BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu dân cư văn minh phải bắt đầu từ những cư dân văn minh

Bài 1: Những điều trông thấy 

Cập nhật ngày: 13/01/2023 - 10:06

BTN - Tình trạng xả rác bừa bãi hay buôn bán, dựng rạp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; vấn nạn chó thả rông gây mất an toàn giao thông, lây nhiễm bệnh cho người, phóng uế nơi công cộng gây bức xúc…

Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè rất phổ biến trên nhiều tuyến đường lớn của thành phố Tây Ninh. Ảnh chụp trên đường Võ Thị Sáu

Tình trạng xả rác bừa bãi hay buôn bán, dựng rạp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; vấn nạn chó thả rông gây mất an toàn giao thông, lây nhiễm bệnh cho người, phóng uế nơi công cộng gây bức xúc… Đó là những hành động chưa thực sự văn minh vẫn còn tồn tại hằng ngày ở các khu dân cư từ đô thị tới nông thôn. Thậm chí, có những hành động rất dễ gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm.

BỨC XÚC TÌNH TRẠNG CHÓ THẢ RÔNG

Không khó để nhìn thấy chó thả rông trên bất kỳ tuyến đường nào trong khu dân cư, dù ở thành thị hay nông thôn trên địa bàn thành phố Tây Ninh, gây bức xúc trong cộng đồng. Người viết có lần chứng kiến một người phụ nữ đi xe mô tô bị té ngã sóng soài, bất tỉnh vì tông trúng con chó đang băng qua đường. Không chỉ mất an toàn giao thông, chó thả rông còn gây mất mỹ quan đô thị khi chúng phóng uế bừa bãi nơi công cộng.

Nhiều người bị chó cắn dẫn đến bị lây bệnh, trong đó phổ biến nhất là nhiễm giun, sán chó, dị ứng và đe doạ trực tiếp đến tính mạng. Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, dù bệnh này có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong lên tới 100%.

Ghi nhận một trường hợp cụ thể ở thành phố Tây Ninh, từ việc tiếp xúc gần với đàn chó con ở hàng xóm, bé H.H (10 tuổi) bị nhiễm bệnh sán chó. Gia đình tốn nhiều chi phí và thời gian để xét nghiệm, điều trị kéo dài hàng tháng trời, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của trẻ.

Còn mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh ghi nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong nghi nhiễm virus dại sau khi bị chó cắn trên địa bàn tỉnh. Nạn nhân tên N.K.O, bị chó cắn lúc nào gia đình không biết, đến ngày 20.12.2022, bà có biểu hiện ngứa tại vết cắn, sợ gió, sợ nước, nôn ói. Khoảng 3 giờ sáng ngày 21.12.2022, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng để khám.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán nghi có triệu chứng về bệnh dại, hỏi bệnh nhân thì mới biết bị chó cắn khoảng 3 tháng trước đó. Bà được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán bệnh dại. Chiều ngày 21.12.2022, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà, trên đường về thì bệnh nhân tử vong.

Đây là ca tử vong thứ 2 vì bệnh dại- tính từ đầu năm 2022 đến nay tại tỉnh Tây Ninh. Ngành Y tế tỉnh khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh dại, người dân có nuôi chó, mèo cần phải tiêm vaccine ngừa dại cho vật nuôi; cần rọ mõm và không thả rông chó, mèo để đề phòng bị chó, mèo cắn. Khi bị chó, mèo cắn thì đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và tiêm vaccine ngừa dại; đồng thời theo dõi và cách ly tất cả các con vật mắc bệnh, nghi nhiễm dại.

Song song với việc tuyên truyền, vận động người dân quản lý và tiêm ngừa dại cũng như các bệnh liên quan đàn chó nuôi, Trạm Chăn nuôi và Thú ý Thành phố phối hợp các phường, xã tổ chức đợt cao điểm bắt chó thả rông. Năm 2022, Trạm đã triển khai thực hiện 8 đợt bắt chó thả rông (đạt 160% so kế hoạch) trên địa bàn các phường 1, 2, 3, IV, Ninh Sơn, Ninh Thạnh.

Thống kê từ Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Tây Ninh, trên địa bàn có tổng cộng gần 2.000 con chó, trong số này, năm 2022, mới có khoảng 700 con được tiêm ngừa bệnh dại chó do các cá nhân, hộ gia đình tiêm cho con vật nhà mình, và có khoảng 900 con được tiêm từ nguồn kinh phí ngân sách. Tuy nhiên, việc tiêm phòng cũng chưa theo định kỳ.

Ông Lê Lam Điền- Phó Chủ tịch UBND phường 3 cho biết, trong năm 2022, UBND phường phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Tây Ninh tổ chức hai đợt ra quân bắt chó thả rông trên địa bàn phường.

Kết quả, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp, mức xử phạt 200.000 đồng/trường hợp. Tuy nhiên, các trường hợp người dân có chó thả rông bị bắt phạt đều thuộc diện hộ khó khăn, không có tiền nộp phạt; cán bộ công chức của phường phải đóng góp giúp dân đóng phạt!

Cũng theo thông tin từ Phó Chủ tịch UBND phường 3, việc ra quân bắt chó thả rông và xử phạt cũng phần nào tác động đến ý thức của các chủ nuôi chó, nhiều hộ gia đình đã mua xích hoặc làm chuồng để quản lý đàn chó.

Lực lượng chức năng đến giám sát ca tử vong vì bệnh dại (Ảnh: Đình Tiến)

VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG BỊ LẤN CHIẾM

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gần như đang trở thành “điều bình thường” ở hầu khắp mọi nơi. Không chỉ dựng rạp đám tang, đám cưới mà nhiều hộ dân sống ở gần các tuyến đường chính còn dựng rạp trong các dịp đám giỗ, đám hỏi, khai trương, khuyến mãi hoặc đơn giản một buổi tiệc vui của gia đình.

Có hộ gia đình dựng rạp lấn một phần vỉa hè, có hộ dựng rạp lấn ra đến dải phân cách! Có hộ chỉ dựng rạp trong vòng một buổi rồi nhanh chóng dọn dẹp trả lại lòng đường, vỉa hè, cũng có những hộ dựng rạp đến tận 2-3 ngày mới tháo dỡ.

Các phương tiện tham gia giao thông đành đi chậm tránh nhau và lấn sang phần đường của làn đường đối diện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Không những thế, dàn loa công suất lớn ở các đám tiệc khiến người dân xung quanh mệt mỏi, khó chịu.

Tương tự, ở dọc các tuyến đường lớn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để  buôn bán diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Thành phố, như đường 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Trãi…

Công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết không vi phạm đã được thực hiện, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tịch thu các vật dụng buôn bán, xử phạt hành chính nhưng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thấy lực lượng chức năng tới, người dân nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc, biển quảng cáo vào bên trong, lực lượng chức năng đi, họ lại kéo hàng hoá bày ra ngoài vỉa hè, có những hộ kinh doanh lấn chiếm toàn bộ phần vỉa hè để buôn bán.

Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán- nhất là khu vực gần trường học hoặc dựng rạp đám cưới, đám tang gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột giữa các hộ dân đã trở thành một trong những nội dung được người dân nêu tại buổi tiếp xúc đối thoại cấp tỉnh năm 2022; và là một trong những nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực văn hoá xã hội tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá X.

Tại kỳ họp, trả lời chất vấn của đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết các hoạt động buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường một phần liên quan đến thói quen mua sắm, cả người mua và người bán đều muốn thuận tiện, lâu dần thành tập quán; một phần do quy hoạch chúng ta đi sau, nơi ở của người dân gắn với nơi buôn bán.

Thêm nữa, công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị có lúc có nơi chưa thường xuyên, chưa tuyên truyền tốt kết hợp xử lý vi phạm mang tính răn đe. UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng văn hoá mua bán, nâng cao nhận thức người tiêu dùng; thu hút đầu tư xây dựng các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại để dần cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là ở các đô thị.

Để giải quyết vấn đề dựng rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tổ chức việc tang hay đám tiệc, hiếu hỷ, tỉnh sẽ nghiên cứu lập quy hoạch, xây dựng nhà tang lễ sử dụng chung và trung tâm sinh hoạt cộng đồng đáp ứng nhu cầu của người dân ở một số đô thị lớn của tỉnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND tỉnh, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trật tự xã hội, hạn chế việc che, dựng rạp cưới lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ; hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình, khuyến khích tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới. Riêng đối với những trường hợp nhiều lần vi phạm, đã nhắc nhở thì buộc phải xử phạt vi phạm hành chính để điều chỉnh hành vi.

PHƯƠNG THUÝ - HỒNG THU

(còn tiếp)