Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thành phố Tây Ninh-10 năm xây dựng và phát triển
Bài 1: Nỗ lực đưa Thành phố phát triển bền vững
Thứ bảy: 00:18 ngày 17/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những thành tựu đạt được trong 10 năm qua là nền tảng, tiền đề quan trọng và vững chắc để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Tây Ninh tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương...

Ngày 29.12.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135/NQ-CP về việc thành lập các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh thuộc thị xã Tây Ninh và thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh. Đây là sự kiện lớn có tính bước ngoặt, thúc đẩy các cấp chính quyền và nhân dân thành phố hăng hái thi đua lao động sản xuất, nỗ lực xây dựng thành phố xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh.

Trung tâm thành phố Tây Ninh.

Từng bước ổn định

Theo UBND thành phố Tây Ninh, sau 10 năm thành lập, kinh tế - xã hội Thành phố có bước phát triển khá ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng thương mại - dịch vụ gia tăng. Quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2012 tăng 120,71% (11.430,61 tỷ đồng/9.447 tỷ đồng).

Thu ngân sách tạo được bước phát triển ổn định qua từng năm, năm 2020 tăng 355,42% so với năm 2012 (751,921 tỷ đồng/211,557 tỷ đồng); là địa phương có số thu nội địa đạt mức 500 tỷ đồng/năm, qua đó đáp ứng chi thường xuyên và từng bước tăng chi đầu tư phát triển.

Đáng chú ý, hệ thống thương mại phát triển mạnh, hình thành nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Thành phố. Cơ sở khách sạn, nhà nghỉ phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch đến với Thành phố.

Hợp tác, kêu gọi đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, như Tập đoàn Vingroup với dự án Vincom shophouse Tây Ninh; Tập đoàn Sun Group với dự án hệ thống cáp treo và các công trình phụ trợ tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và một số nhà đầu tư lớn đang trong giai đoạn đề xuất dự án nghiên cứu đầu tư.

Song song đó, thành phố Tây Ninh chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị thành phố Tây Ninh được tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện, đồng bộ kết nối; các đường chính nội thành, hẻm nội thành được nhựa hoá, bê tông hoá đạt hơn 90%, đường giao thông nông thôn được nhựa hoá, bê tông hoá, cứng hoá đạt 97,09%; hệ thống chiếu sáng công cộng đạt 87%; các công viên được chỉnh trang, nâng cấp, xây mới… góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt, mỹ quan đô thị và nhu cầu của đời sống xã hội. Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại các xã.

Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân ngày càng được nâng lên. Thực hiện các chính sách về tôn giáo, dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đạt nhiều kết quả. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; tội phạm kéo giảm theo từng năm.

Ngày càng nhiều dịch vụ ngân hàng, kinh doanh, thương mại, lưu trú phát triển trên đường 30.4 thành phố Tây Ninh.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Đối với lĩnh vực du lịch, thực hiện theo Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 13.12.2017 của UBND tỉnh Tây Ninh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND Thành phố ban hành nhiều kế hoạch triển khai phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương.

Sau khi được Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh (thuộc Tập đoàn Sun Group) đầu tư với nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã thu hút lượng lớn khách tham quan. Theo thống kê, năm 2022 ước có 4.300.000 lượt khách du lịch; quý I năm 2023 đạt 2.314.660 lượt khách. Về khách lưu trú trên địa bàn, theo thống kê năm 2022 và quý I năm 2023 đạt 257.773 lượt khách. Tổng doanh thu về vé tham quan và khách lưu trú ước đạt 55 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm; giáo dục - đào tạo, y tế được cải thiện rõ nét về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng, trình độ, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội với kinh phí hàng năm trên 65 tỷ đồng.

Thành phố đạt được nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo. Hiện nay, Thành phố còn 1 hộ nghèo, 64 hộ cận nghèo chuẩn Trung ương, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,16% dân số, trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Những năm qua, thành phố Tây Ninh đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nội thị.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế Thành phố và các trạm y tế thường xuyên được quan tâm đầu tư, nâng cấp; trình độ chuyên môn, tay nghề và thái độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ được cải thiện; quy trình thủ tục khám bệnh được rút ngắn.

Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân. Công tác xã hội hoá lĩnh vực y tế có bước phát triển; hiện có 254 cơ sở y tế tư nhân; số bác sĩ/vạn dân đạt 25 bác sĩ; số giường bệnh/vạn dân đạt 91 giường.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,25%. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2020-2021, UBND Thành phố đã nỗ lực, tập trung huy động mọi nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vaccine phục vụ nhân dân. Công tác phòng, chống dịch tại Thành phố đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát dịch bệnh, đưa địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Khó khăn còn nhiều, tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong 10 năm qua là nền tảng, tiền đề quan trọng và vững chắc để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Tây Ninh tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khắc phục hạn chế, nắm bắt thời cơ, xây dựng Thành phố phát triển bền vững.

Tấn Hưng

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin liên quan