BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðể trẻ em có sân chơi hè an toàn, lành mạnh

Bài 1 Nỗ lực phòng, chống đuối nước cho trẻ 

Cập nhật ngày: 10/06/2024 - 08:48

BTN - Nghỉ hè là thời gian các em thanh, thiếu nhi thư giãn, vui chơi sau một năm học. Nhưng đối với phụ huynh, đây lại là khoảng thời gian có nhiều nỗi lo khi không thể dành thời gian quản lý con em trong suốt kỳ nghỉ.

Các em học bơi trong dịp hè.

Tình trạng đuối nước ở trẻ xảy ra vào những dịp hè là hồi chuông cảnh báo cho các ngành chức năng, địa phương và toàn xã hội về công tác bảo đảm an toàn cho trẻ. Từ đó, việc đẩy mạnh xây dựng, thực hiện các sân chơi dành cho thanh thiếu nhi được các đơn vị, địa phương đặc biệt chú trọng, góp phần tạo nên sân chơi đa dạng để các em có thêm nơi vui chơi, trải nghiệm an toàn trong kỳ nghỉ hè.

Còn nhiều việc phải làm

Những năm qua, các ngành chức năng, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã chung tay triển khai nhiều mô hình, cách làm hay giúp phòng, chống tai nạn đuối nước. Ðến nay, các giải pháp đã mang lại hiệu quả tích cực, xây dựng được ý thức của cả học sinh và phụ huynh.

Chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội cho biết, ngoài các hoạt động tạo sân chơi, Hội đồng Ðội tỉnh và các cấp còn thực hiện nhiều mô hình phòng, chống tai nạn đuối nước cho các em thiếu nhi. Nổi bật là Hội đồng Ðội huyện Tân Biên với mô hình “Ðiểm cảnh báo phòng, chống tai nạn đuối nước”.

Mô hình được triển khai từ năm 2021, đến nay, đã nhân rộng trên địa bàn huyện với 7 điểm cảnh báo. Trong năm học 2023-2024, Hội đồng Ðội huyện Tân Biên vận động trang bị 7 mô hình “Ngôi nhà an toàn” chứa phao cứu sinh và áo phao tại các địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước nhằm kịp thời cứu hộ, cứu nạn cho các nạn nhân. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh.

Tỉnh đoàn đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ xuyên suốt trong năm học. Tuy nhiên, đuối nước ở trẻ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu- ngay cả ở những hồ bơi. Ðây là điều mà các ngành chức năng và phụ huynh rất trăn trở. Vì vậy, Tỉnh đoàn mong muốn gia đình, cộng đồng, xã hội hãy chung tay cùng các ngành chức năng trong việc phòng, chống đuối nước cho các em.

Thực hiện chủ trương phổ cập bơi lội và công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trong hệ thống học đường, trong năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác này trong các cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết, Sở đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục yêu cầu có kế hoạch dạy bơi cho các em học sinh, bên cạnh học lý thuyết còn phải bảo đảm các em được thực hành. Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay toàn tỉnh chỉ có 77 cơ sở kinh doanh hoạt động bơi lặn, trong đó có 34 bể bơi được lắp ghép trong trường học, hầu hết các hồ bơi chất lượng nằm ngoài cơ sở giáo dục, vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu học bơi cho các em.

Các trường muốn dạy bơi lội cho các em phải thực hiện tập trung trong dịp hè- nhất là đối với các em học sinh tiểu học vì đây là lứa tuổi tiếp thu rất nhanh, và có thể phối hợp cùng các cơ sở bơi lặn. Ðây là giải pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ.

Nhà trường cũng cần tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng bơi lội cho học sinh, để phụ huynh chủ động cho các em tham gia học. Trong đó, nhà trường cần lưu ý đến các em có hoàn cảnh khó khăn. Ðây là đối tượng rất cần được tạo điều kiện để học kỹ năng phòng, chống đuối nước, hoà vào nhịp sống của xã hội.

Các em thiếu nhi vui chơi tại công viên nước mini trên địa bàn huyện Gò Dầu.

Ða dạng, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu

Trong những năm qua, Tỉnh đoàn, Hội đồng Ðội tỉnh đã nỗ lực phối hợp các đơn vị đồng hành, chính quyền địa phương xây dựng các sân chơi lưu động, cụm trò chơi cho các em thanh thiếu nhi, ưu tiên ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội cho biết, trong 3 năm qua, Tỉnh đoàn đã xây dựng được hơn 50 sân chơi ngoài trời tại các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng, các điểm sinh hoạt vui chơi tập trung của địa phương, trường học.

Bên cạnh đó, Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh- một trong những đơn vị trực thuộc của Tỉnh đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động trong hè tạo nên sự đa dạng các sân chơi dành cho thiếu nhi như: Học kỳ trong quân đội, lớp bán trú năng khiếu hè theo nhu cầu, các sân chơi lưu động ở vùng sâu vùng xa...

Các cấp bộ Ðoàn, Ðội còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho thiếu nhi, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn như: Ngày cao điểm vì đàn em thân yêu; các hoạt động giáo dục trải nghiệm thực tế (Em yêu nghề truyền thống, hoạt động về nguồn, Một ngày em làm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, giao lưu cùng nhân chứng lịch sử...).

Tuy nhiên, cũng theo chị Trịnh Thị Như Trang, vẫn còn nhiều cách biệt giữa các sân chơi thiếu nhi khu vực trung tâm tỉnh và khu vực vùng sâu, biên giới. Các khu vực biên giới còn thiếu sân chơi cộng đồng, hoặc có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của các em thiếu nhi. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục vận động nguồn lực xây dựng nhiều hơn sân chơi ngoài trời, cụm trò chơi, tăng cường tổ chức sinh hoạt hè cho các em.

Các đơn vị Ðoàn, Ðội tổ chức sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi, đội viên.

Tại huyện Gò Dầu, trong những năm gần đây, các sân chơi dành cho thanh thiếu nhi được các ngành và địa phương chú trọng xây dựng; nhiều sân chơi được xã hội hoá, phát triển mạnh mẽ- nhất là các sân chơi thể dục, thể thao.

Theo ông Lê Văn Hiệp- Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Gò Dầu, thời gian qua, huyện đã vận động xã hội hoá được 10 khu vui chơi thiếu nhi, 15 sân cầu lông, 18 sân bóng đá mini, 10 hồ bơi và 1 công viên nước mini. Tuy nhiên, theo đánh giá của địa phương, các sân chơi này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Hy vọng với sự nỗ lực của địa phương và sự đồng hành của phụ huynh, trong tương lai sẽ có thêm nhiều sân chơi hơn nữa cho các em.

Ngọc Bích

(còn tiếp)