Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã hội hoá văn hoá, thể dục thể thao: Chưa đáp ứng yêu cầu thực tế
Bài 1: Tập trung tháo gỡ các rào cản trong kêu gọi đầu tư
Chủ nhật: 23:10 ngày 09/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở địa phương từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và rèn luyện sức khoẻ của nhân dân.

Trẻ em học bơi tại một hồ bơi trên địa bàn phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng.

Trong những năm qua, việc thực hiện xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm phát triển với nhiều loại hình phong phú, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, rèn luyện sức khoẻ của người dân.

Nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao

Tại thị xã Trảng Bàng, việc kết hợp các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao (TDTT) bước đầu đạt kết quả tốt, đặc biệt là xây dựng các công trình thể thao, lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao tại công viên, nơi công cộng phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân.

Nhiều chính sách mới về thiết chế văn hoá, thể thao, định mức sử dụng đất cho hoạt động TDTT được ban hành trong thời gian qua. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở địa phương từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và rèn luyện sức khoẻ của nhân dân.

Ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND Thị xã đánh giá, chủ trương xã hội hoá TDTT tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian qua, thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đầu tư.

Thông qua các hoạt động như xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn vận động viên, tổ chức các hoạt động TDTT... góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào từ xã, phường đến khu phố, ấp. Mô hình “phòng tập” thể thao ngoài trời đã và đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khoẻ của người dân.

Việc tập TDTT tại các công viên, nơi công cộng với những thiết bị thể thao ngoài trời được đánh giá là biện pháp cải thiện sức khoẻ lành mạnh, giúp người dân rèn luyện những thói quen tích cực, kết nối tốt hơn trong cộng đồng. Qua thống kê của địa phương, việc thu hút dự án xã hội hoá thời gian qua trong lĩnh vực TDTT khoảng 8,3 tỷ đồng; tu bổ đền chùa, di tích hơn 3,3 tỷ đồng.

Anh Trịnh Minh Nghĩa, chủ hồ bơi Hoà Lợi (phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng) cho biết, nhận thấy bơi lội là nhu cầu thiết yếu cho trẻ em và người lớn, từ cuối tháng 12.2022, gia đình anh mở hồ bơi. Sắp tới, anh dự định mở thêm khu vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có các trò chơi như nhà banh, thú nhún...

Trên địa bàn Thị xã có Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2022 với kinh phí 71 tỷ đồng, và đang kêu gọi đầu tư xây dựng xã hội hoá các hạng mục như hồ bơi, trung tâm hội nghị triển lãm, sân bóng đá mini, sân tennis, chợ đêm.

Đối với Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng (Trung tâm VHTT HTCĐ), có 5 trung tâm sử dụng chung trụ sở với UBND phường và 5 trung tâm có trụ sở riêng. Kinh phí hoạt động của các trung tâm được phân bổ theo quy định tại Nghị quyết 24/2018/NQ-HĐND ngày 12.12.2018 của HĐND tỉnh là 40 triệu đồng/năm; chi trả cho các hoạt động tổ chức, tham gia phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao; hoạt động học tập cộng đồng; tuyên truyền cổ động và các nhiệm vụ khác.

Trẻ vui chơi ở các cụm trò chơi trên địa bàn phường An Hoà.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh xã hội hoá TDTT

Theo bà Trần Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND phường An Hoà, hiện Trung tâm VHTT HTCĐ đang sử dụng chung hội trường của UBND phường, chưa được đầu tư trụ sở riêng nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động; phương tiện hỗ trợ cho hoạt động tuyên truyền và phục vụ giáo dục còn thiếu thốn, lạc hậu. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách lĩnh vực là cán bộ không chuyên trách; chế độ, chính sách, phụ cấp còn thấp so với thực tế công việc... dẫn đến tình trạng hoạt động không hiệu quả của các trung tâm.

Tại thị xã Hoà Thành, những năm qua, việc thực hiện xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển với nhiều loại hình phong phú: 7 khu văn hoá thể thao dân lập; 12 sân bóng đá 11 người, sân bóng đá mini; ngoài ra, còn có các câu lạc bộ thẩm mỹ, bơi lặn, thể hình, dưỡng sinh, võ thuật, bida, cờ tướng, cờ vua...

Trung tâm VHTT HTCĐ phường Long Thành Trung được ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2014. Cơ sở vật chất có một hội trường, sân bóng chuyền, các phòng chức năng, phòng truyền thống, thư viện. Trung tâm được phân bổ ngân sách 40 triệu đồng/năm, tuy nhiên, nguồn kinh phí không đủ để hoạt động. Do đó, để thúc đẩy và giữ vững phong trào thể dục thể thao địa phương, Trung tâm phối hợp với UBND phường vận động các mạnh thường quân thực hiện công tác xã hội hoá.

Bà Trang Lê Huynh- Phó Chủ tịch UBND phường, Giám đốc Trung tâm VHTT HTCĐ phường Long Thành Trung cho biết, để thúc đẩy Trung tâm hoạt động hiệu quả cần có những nhà đầu tư, tuy nhiên, việc cho thuê tài sản công có nhiều giai đoạn, đồng thời phải có sự phê duyệt của Sở Tài chính nên còn rào cản, dẫn đến Trung tâm không thực hiện được việc cho thuê để phát triển hoạt động của mô hình.

Địa phương kiến nghị cần có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong lĩnh vực này; bên cạnh đó, điều chỉnh tăng kinh phí hoạt động của Trung tâm và phụ cấp cho cán bộ trực tiếp quản lý để họ có thu nhập, an tâm công tác.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị xã Hoà Thành đã vận động xã hội hoá để tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp Thị xã được trên 200 triệu đồng. Hằng năm, các xã, phường vận động xã hội hoá tổ chức trên 50 giải thi đấu thể thao, liên hoan, hội thi, hội diễn với tổng chi phí từ 30-40 triệu đồng/xã, phường/năm.

Theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó, việc áp giá cho thuê tài sản công phải phù hợp với giá thị trường, bảo đảm tính đủ các chi phí khấu hao, thực hiện đấu giá... dẫn đến giá thuê quá cao, không thu hút được các nhà đầu tư tham gia.

Ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết, tính đến nay, trên địa bàn Thị xã có 7/8 Trung tâm VHTT HTCĐ, riêng phường Long Hoa sử dụng chung cơ sở vật chất với UBND phường.

Nhìn chung, các thiết chế văn hoá ở cơ sở có cơ sở vật chất, sân bãi khá đầy đủ khang trang, huy động được các nguồn lực xã hội hoá, có hội trường, phòng chức năng, bộ tăng âm, khánh tiết, nhà xe, vòng rào sạch đẹp, bảo đảm hoạt động phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nội dung sinh hoạt ở các trung tâm còn ít, các loại hình hoạt động chưa đủ mạnh, chưa mang tính bền vững; một số công trình đầu tư ở các xã, phường nhưng chưa phát huy hết công năng, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư...

“Để thu hút đầu tư, xây dựng các công trình văn hoá thể dục thể thao theo hình thức xã hội hoá, phục vụ cộng đồng, cần có chính sách ưu đãi cũng như tính chi phí hợp lý khi cho thuê tài sản công, thực hiện Nghị định 151/2017/NĐ-CP nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia, góp phần đẩy mạnh xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ và TDTT.

Mặt khác, nguồn kinh phí cấp cho các trung tâm của các xã, phường chỉ bảo đảm cho công tác tuyên truyền, không đủ duy trì các hoạt động khác theo chức năng của trung tâm, do đó, đề xuất bố trí tăng thêm để các trung tâm có kinh phí tổ chức các hoạt động, phong trào”- ông Nguyễn Đức Hảo chia sẻ.

Trúc Ly

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh