Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vì chủ quyền an ninh biên giới: Trang bị kiến thức pháp luật cho người dân
Bài 1: Tây Ninh thực hiện đề án như thế nào ?
Chủ nhật: 23:17 ngày 06/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày cuối năm 2021, Bộ đội Biên phòng và Bộ Quốc phòng tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021”. Đây là một đề án lớn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ gìn an ninh biên giới, hải đảo.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tây Ninh nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng

Tây Ninh có đường biên giới dài gần 240km, tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Đến nay, đoạn biên giới tỉnh Tây Ninh đã phân giới được 220,863km/233,7km đạt 94,5%. Tây Ninh xây dựng được 102/109 cột mốc chính, 370/370 mốc phụ, 109/109 cọc dấu (hiện tại còn 7 cột mốc từ 139 đến 145 thuộc đoạn biên giới huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh chưa được phân giới và cắm mốc).

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Trên đoạn biên giới được bố trí 15 đồn biên phòng, trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ. Nhiều đường mòn, lối mở thuận lợi cho phát triển thương mại, du lịch giữa hai bên, nhưng đây cũng là địa bàn các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng hoạt động để chống phá, các loại tội phạm về ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép... diễn biến khá phức tạp.

“Trong những năm qua, tình hình về chủ quyền lãnh thổ, an ninh trên tuyến biên giới của tỉnh Tây Ninh cơ bản ổn định, mối quan hệ giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới thường xuyên được duy trì và phát triển tốt. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, kinh tế - văn hoá - xã hội đang từng bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên biên giới được nâng lên; chính quyền, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương, các lực lượng và nhân dân khu vực biên giới có mối quan hệ đoàn kết quân dân gắn bó, phối hợp chặt chẽ cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới tiếp tục duy trì, củng cố mối quan hệ, đoàn kết lâu đời, tích cực xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển”- đánh giá của UBND tỉnh.

Tuy vậy, kết cấu hạ tầng khu vực biên giới phát triển chưa đồng bộ, một bộ phận người dân trình độ dân trí còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, giá cả nông sản từng thời điểm không ổn định, thiên tai, dịch bệnh. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài cả ở nội biên và ngoại biên gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân và hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các địa phương, đơn vị. Các loại tội phạm, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để, trong đó, tội phạm về ma tuý những năm gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tình hình khiếu kiện về đất đai của nhân dân ở khu vực biên giới tuy đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn chưa dứt điểm.

Để khắc phục tình hình nêu trên, đồng thời ổn định an ninh biên giới, trong 5 năm (2017-2021) Tây Ninh tích cực thực hiện đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng biên giới.

Đánh giá của cơ quan có thẩm quyền cho thấy, các đồn biên phòng làm tốt chức năng tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, các xã biên giới khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện đề án, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản đầy đủ, khoa học, sát với thực tế ở từng địa bàn. Tháng 6.2017, toàn tỉnh có 5/5 huyện, thị xã và 20/20 xã biên giới thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Căn cứ kế hoạch của Ban Chỉ đạo các cấp, các đồn biên phòng chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các xã biên giới tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn các nội dung trong kế hoạch hằng năm bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương và đơn vị.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh phối hợp chặt chẽ các sở, ngành tỉnh triển khai thực hiện đề án theo đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả tốt. Quá trình triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương, đơn vị thường xuyên quan tâm, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời bổ sung, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

5 năm qua, Tây Ninh biên soạn, in ấn, cấp phát hơn 90.000 tờ rơi, 5.000 poster, 1.224 đĩa CD tuyên truyền pháp luật, cấp phát cho 15 đồn biên phòng và 20 xã biên giới phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới. Từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo đề án tỉnh in ấn 14.000 tờ rơi, 1.500 poster tuyên truyền các quy định trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép để cấp phát cho nhân dân khu vực biên giới, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo đề án tỉnh chủ động phối hợp với các ngành biên soạn, luân chuyển tài liệu tuyên truyền, sách pháp luật với nhiều phương pháp, hình thức, nội dung phù hợp với đặc điểm của từng địa phương nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật trên địa bàn. Trên cơ sở các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý của các xã biên giới, các đồn biên phòng chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố kiện toàn, hình thành các câu lạc bộ tư vấn pháp luật kiêm tuyên truyền pháp luật. Thành viên các câu lạc bộ gồm cán bộ đồn biên phòng, cán bộ tư pháp, văn hoá xã. Có 20 câu lạc bộ đang hoạt động tích cực, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, giải đáp những vấn đề về pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn cả về chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đề ra.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp là lực lượng nòng cốt đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống của cán bộ, người dân khu vực biên giới với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương như tuyên truyền tập trung, tuyên truyền nhỏ lẻ, thông qua hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật, sân khấu hoá... qua đó nâng cao nhận thức và việc chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân trên địa bàn. Ban Chỉ đạo đề án các cấp thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được 24 lớp/2.678 lượt người tham gia.

Ban Chỉ đạo đề án các cấp tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 72 buổi/4.426 lượt người tham gia rút kinh nghiệm tình hình vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới. Qua đó đánh giá chính xác thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, thường xuyên phổ biến những văn bản pháp luật mới, những kiến thức cần thiết cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nắm để vận dụng vào thực tế trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Thông qua các buổi họp dân, "Ngày pháp luật", các địa phương, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền 3.437 buổi/87.895 lượt người dự. Báo cáo viên, tuyên truyền viên đã lựa chọn các văn bản pháp luật gần gũi với thực tế cuộc sống của quần chúng nhân dân, những vấn đề nổi lên trong từng thời gian, địa bàn để tuyên truyền. Các tuyên truyền viên sáng tạo trong việc lựa chọn thời điểm, thời gian và điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham dự.

Đội công tác địa bàn của các đồn biên phòng thường xuyên phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng đứng chân trên địa bàn xã biên giới áp dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, như tuyên truyền tập trung, tuyên truyền nhỏ lẻ, cấp phát tài liệu, tờ rơi, băng, đĩa... nhằm tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng, các hiệp định, hiệp ước, quy chế về biên giới, các văn bản pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, chống xuất, nhập cảnh trái phép...

Trạm kiểm soát, tổ tuần tra các đồn biên phòng tuyên truyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới. Các xã biên giới, các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn các huyện biên giới xây dựng 42 tủ sách, 76 ngăn sách pháp luật, duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn. Thông qua hoạt động hằng ngày, các cuộc họp của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương; qua đối thoại trực tiếp với quần chúng nhân dân để nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật thường xuyên của Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh duy trì thường xuyên chuyên trang, chuyên mục trên Báo Tây Ninh, Đài PT-TH tỉnh để phản ánh, tuyên truyền các hoạt động của địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chuyên ngành, trong đó có lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật. Các huyện, xã, đơn vị vũ trang, trên cơ sở nội dung hướng dẫn tuyên truyền biên soạn thành đề cương, tài liệu hỏi - đáp pháp luật phát trên hệ thống loa truyền thanh. Nhiều cán bộ ở các cơ quan, đơn vị tích cực viết bài đăng trên các báo, đài Trung ương và địa phương. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Cục Kiểm lâm phối hợp các huyện, xã biên giới lắp đặt nhiều hệ thống biển, bảng tuyên truyền trực quan về hình ảnh, về nội dung trên địa bàn biên giới, tại các điểm dễ quan sát, qua đó giúp người dân có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành pháp luật. Các huyện, xã biên giới thường xuyên cập nhật nội dung tuyên truyền pháp luật trên hệ thống pa-nô cố định và các băng-rôn, áp-phích cơ động để tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Các sở, ngành, địa phương tham gia thực hiện đề án tích cực hưởng ứng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các cấp phát động như: Hiến pháp năm 2013; pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Đất đai... qua đó tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia tìm hiểu, nắm chắc hơn kiến thức pháp luật. Hằng năm, Đội tuyên truyền văn hoá của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Đội thông tin lưu động của Trung tâm Văn hoá tỉnh dàn dựng, biểu diễn từ 8 đến 10 buổi văn nghệ kết hợp tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các xã biên giới.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục