Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng chợ văn minh - còn lắm gian nan
Bài 1: Tháo gỡ các khó khăn, hướng đến chợ văn minh - hiện đại
Thứ hai: 14:25 ngày 22/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cần phải đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật công trình; phòng cháy chữa cháy, điện, nước, xả thải theo quy định, có nhà vệ sinh sạch sẽ; bố trí sắp xếp chợ kinh doanh, hàng hoá kinh doanh...

Chợ Hoà Bình, xã Thành Long (huyện Châu Thành) được đầu tư xây dựng từ năm 2021.

Ngày 7.12.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2484/QĐ-UBND về tiêu chuẩn chấm điểm để công nhận chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại đạt tiêu chí văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Quyết định 2484). Theo đó, cần phải đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật công trình; phòng cháy chữa cháy, điện, nước, xả thải theo quy định, có nhà vệ sinh sạch sẽ; bố trí sắp xếp chợ kinh doanh, hàng hoá kinh doanh; thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế và tham gia hưởng ứng tích cực công tác xã hội địa phương; niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết; an toàn vệ sinh thực phẩm; an ninh trật tự tại chợ...

Qua khảo sát một số chợ trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện các tiêu chí văn minh thương mại còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Chợ Hoà Bình, xã Thành Long: Cần khắc phục các vấn đề về vệ sinh môi trường

Trên địa bàn huyện Châu Thành có 19 chợ, gồm 1 chợ hạng 2 và 18 chợ hạng 3. Trong số 19 chợ, có 11 chợ thuộc các xã phải xây dựng đạt tiêu chí số 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện có 8 chợ/11 xã đạt tiêu chí số 7 (có 3 xã không có chợ).

Đối với tiêu chí chợ văn minh, theo Quyết định 2484/QĐ-UBND của UBND tỉnh, qua rà soát của ngành chức năng, trên địa bàn huyện có thể đạt 9/19 chợ; còn lại cần đầu tư hoàn thiện mới đạt, chủ yếu thiếu về kỹ thuật công trình: nhà lồng chợ, thiết kế quầy sạp, nhà vệ sinh theo TCVN 9211:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về công bố tiêu chuẩn quốc gia xây dựng chợ, thanh toán không dùng tiền mặt... so với tiêu chí theo Quyết định 2484.

Huyện Châu Thành có 6 xã biên giới, trong đó, xã Hoà Hội không có chợ, còn lại 5 xã có chợ; riêng xã Hoà Thạnh có 2 chợ. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, các chợ trên địa bàn xã biên giới cơ bản ổn định, hầu hết đều đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Theo kế hoạch, từ năm 2023, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư, sửa chữa 2 chợ ở hai xã vùng biên là Ninh Điền và Biên Giới.

Riêng chợ Hoà Bình (xã Thành Long) là chợ hạng 2, được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá. Chợ được xây dựng từ năm 2021, chi phí khoảng 30 tỷ đồng, là chợ tương đối có quy mô trên địa bàn huyện. Ông Lê Văn Tòng (ngụ xã Thành Long) cho biết: “Chợ khang trang, người mua bán trật tự, an ninh nên nhân dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, có một số quầy bán hàng rong xung quanh mặt chợ thì không ổn, buôn bán cần có nề nếp, trật tự để không mất mỹ quan”.

Qua khảo sát, chợ được xây dựng khang trang hơn so với trước, tuy nhiên, còn chưa đồng bộ, một số vấn đề như chỗ thoát nước, rác thải khiến các tiểu thương rất bức xúc. Bên cạnh đó, chợ không có ban quản lý, khi có vấn đề phát sinh, tiểu thương không có nơi để phản ánh. Chị Trang Thị Tuyết, tiểu thương chợ Hoà Bình cho biết, trong khu vực nhà lồng chợ có chỗ không thoát nước được nên ứ đọng; chợ không có nhà vệ sinh, rác để phía sau chợ bốc mùi hôi thối, rất ảnh hưởng đến người mua bán.

Tiểu thương Ngô Thị Cẩm Nhung cho biết: “Chợ không có nhà vệ sinh nên người ta đi bừa bãi, dơ lắm, ngoài ra còn có các đống rác hôi thối, mưa xuống rất mất vệ sinh. Trước đây hệ thống điện nằm chung đường nước, ống bị bể nên rất mất an toàn, người dân tự bỏ tiền ra làm lại đưa đường điện lên trên. Các tiểu thương rất mong chợ có nhà vệ sinh, rác được dọn dẹp sạch sẽ”.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Điệp- Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành cho biết, Phòng đã nắm được tình hình và báo cáo UBND huyện, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo xã tăng cường công tác quản lý, giám sát. Mặt khác, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã làm việc với UBND xã để có cán bộ trực tiếp theo dõi, nắm thông tin kịp thời. Về ban quản lý chợ, theo quy định phải là đơn vị độc lập, có con dấu, tài khoản riêng.

Đến nay, trên địa bàn huyện hầu như không có đơn vị nào thành lập được mô hình này. Hơn nữa, chợ Hoà Bình do nhà đầu tư thực hiện nên việc này do nhà đầu tư quản lý, đơn vị chỉ thực hiện công tác quản lý về mặt nhà nước. Qua ý kiến phản ánh của tiểu thương, Phòng Kinh tế - Hạ tầng sẽ khảo sát và có giải pháp xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng đến môi trường, người dân.

Bà Điệp cho biết thêm, đối với việc thực hiện quy hoạch chợ trên địa bàn huyện, đây là một trong những vấn đề nan giải, bởi thói quen của người dân đến chợ truyền thống, hình thành tự phát trước đây. Cần thận trọng khi quy hoạch xây dựng chợ.

Trước đây, quá trình xã hội hoá, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh chợ gặp khó khăn, do hiệu quả vốn đầu tư mang lại không cao. Nếu thực hiện ưu đãi đầu tư cần phải có quỹ đất sạch, khi có quỹ đất sạch lại phải đấu thầu, đấu giá kêu gọi nhà đầu tư. Hiện nay đã có Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26.3.2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư từng bước tháo gỡ. Bên cạnh đó, phí dịch vụ chợ theo Quyết định số 64/2016/QĐ-UBND ngày 20.6.2016 của UBND tỉnh về quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đã lâu, dẫn đến việc thực hiện mô hình hợp tác xã quản lý chợ cũng gặp khó khăn.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục rà soát các tiêu chí chưa đạt, tập trung nguồn lực cải tạo sửa chữa đạt theo các tiêu chí của Quyết định 2484; tập trung thực hiện đạt tiêu chí số 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới và tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Năm 2023: Tổ chức đánh giá chợ đạt tiêu chí “văn minh thương mại”

Trên địa bàn thành phố Tây Ninh có 10 chợ đang hoạt động, gồm: chợ Thành phố, chợ phường 3, chợ phường IV, chợ Hiệp Ninh, chợ Ninh Sơn, chợ Ninh Thạnh, chợ Bình Minh, chợ Tân Bình, chợ Thạnh Tân, chợ Thạnh Đông (xã Thạnh Tân); trong đó: có 2 chợ hạng 2 là chợ Thành phố, chợ phường 3, còn lại 8 chợ hạng 3. Các chợ trên địa bàn Thành phố đã được đưa vào quy hoạch. Tuy nhiên, hầu hết là quy hoạch theo hiện trạng, không mở rộng, dù có chợ diện tích rất nhỏ như chợ Hiệp Ninh, chợ Ninh Thạnh... Lý do là dân cư ổn định xung quanh các chợ, ở địa bàn trung tâm, chi phí đền bù khi mở rộng cao.

Ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện không có chợ tự phát, riêng khu phố Ninh Hoà, phường Ninh Thạnh có nhóm tụ tập buôn bán vào buổi chiều trên 10 người. UBND Thành phố chỉ đạo UBND phường Ninh Thạnh phối hợp Đội trật tự đô thị Thành phố có kế hoạch thực hiện tuyên truyền, vận động, cam kết, kiểm tra và xử lý các trường hợp lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng, lề đường để tụ tập buôn bán.

Thành phố đã có kế hoạch xây dựng mới chợ Thành phố. Dự án xây mới chợ Thành phố được HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 18.12.2020 và sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 51/NQ- HĐND ngày 10.11.2021. Quy mô sau khi sửa đổi, bổ sung như sau: chợ hạng 1 với 490 điểm kinh doanh, tổng mức đầu tư trên 79 tỷ đồng, diện tích xây dựng 14.667m2. Dự án đang trong thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn, khảo sát thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy trình thủ tục; dự kiến tổ chức khởi công vào đầu tháng 10.2023.

Theo ông Lương Bá Can, việc xây mới chợ Thành phố là cấp thiết và quan trọng trong việc phát triển kinh tế khu vực, đáp ứng nhu cầu buôn bán của các tiểu thương, bảo đảm vệ sinh môi trường và yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, nâng cấp thành phố Tây Ninh lên đô thị loại 2 vào năm 2023. Mặt khác, dự án góp phần bảo đảm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong khu vực, tạo điểm thu hút kinh doanh và khách tham quan du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh, tạo vẻ mỹ quan cho thành phố Tây Ninh nói riêng và cho cả tỉnh nói chung trong quá trình đổi mới và phát triển.

“UBND Thành phố đã chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung theo Quyết định số 2484 của UBND tỉnh về tiêu chuẩn chấm điểm để công nhận chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại đạt tiêu chí văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh đến Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị Thành phố; UBND các xã, phường. Trong đó, giao Phòng Kinh tế Thành phố phối hợp với UBND cấp xã, ban quản lý các chợ thực hiện các nội dung theo quyết định trên, trong năm 2023 tổ chức đánh giá mức độ đạt chuẩn”- Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lương Bá Can nói.

Giang Hà

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục