BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển du lịch Tây Ninh- Tạo điểm nhấn, gia tăng sức hấp dẫn

Bài 1: Thêm nhiều loại hình du lịch thu hút du khách 

Cập nhật ngày: 14/10/2022 - 02:30

BTN - Các sản phẩm du lịch đa dạng này còn giúp kéo dài thời gian lưu trú và kích thích khả năng chi tiêu của du khách, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.

Du khách tham quan công đoạn nướng bánh tráng nướng tại La’s Farmstay.

Sản phẩm du lịch đêm, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn... góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến, tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các sản phẩm du lịch đa dạng này còn giúp kéo dài thời gian lưu trú và kích thích khả năng chi tiêu của du khách, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.

Camping: Thu hút du khách

Thành phố Tây Ninh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá của tỉnh. Hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối đến các huyện, thị xã trong tỉnh.

Theo UBND Thành phố, các loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn tương đối đa dạng: chương trình biểu diễn nghệ thuật (nhạc sống) không bán vé được tổ chức thường xuyên tại trung tâm thương mại; mua sắm (siêu thị, khu thương mại, hệ thống cửa hàng...); dịch vụ làm đẹp (thể dục, thể hình, thẩm mỹ, spa...); quán bar, karaoke; dịch vụ ẩm thực (nhà hàng, quán cà phê, đồ ăn nhanh...); các môn thể thao, giải trí; rạp chiếu phim hiện đại... đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.

Về tài nguyên văn hoá, có 13 di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn (trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh), hằng năm duy trì và phát huy các lễ hội văn hoá, dân tộc ở địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch của Thành phố gắn kết với Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Địa bàn Thành phố giáp với thị xã Hoà Thành có Toà thánh Tây Ninh- địa điểm tổ chức lễ Hội yến Diêu Trì cung, đây là lợi thế của tỉnh Tây Ninh nói chung và của TP. Tây Ninh nói riêng.

Thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đầu tư Khu du lịch núi Bà Đen, khách sạn 5 sao và Trung tâm thương mại shophouse Vincom. Qua đó, tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng tại Thành phố. Ngoài ra, có khu vực ẩm thực đêm tại phường 2, nhiều hộ kinh doanh ẩm thực, vui chơi, giải trí trên đường Nguyễn Văn Rốp, phường IV phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi về đêm của người dân.

UBND thành phố Tây Ninh đánh giá, địa phương có tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch, chủ yếu là các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh tham quan vào các dịp lễ tết, cuối tuần như: hệ sinh thái tại núi Bà Đen; cảnh quan rạch Tây Ninh; hệ sinh thái nông nghiệp, vườn cây ăn trái gắn liền với nông thôn và nông nghiệp như mãng cầu Bà Đen trồng tại chân núi, đã được cấp chứng nhận địa lý và một số nông sản được công nhận sản phẩm OCOP...

Lữ Quán- địa điểm du lịch nằm ở đường vòng dưới chân núi Bà Đen, thành phố Tây Ninh. Đây là mô hình du lịch có sự kết hợp nhiều dịch vụ như cắm trại (camping), cà phê và phục vụ ẩm thực, được nhiều du khách đánh giá là có không gian mát mẽ như một góc nhỏ của Đà Lạt.

Anh Nguyễn Duy Khánh (huyện Tân Biên) cùng gia đình 7 người (cả người lớn và trẻ em) vừa có chuyến du lịch trải nghiệm tại điểm du lịch này. Anh Khánh chia sẻ: “Ở đây không khí về đêm mát mẻ, có chút se lạnh, dùng tiệc BBQ (tiệc nướng - PV) ngoài trời thì không gì thích thú hơn. Đây là lần thứ hai mình cùng gia đình đến và nghỉ lại”.

Chị Nguyễn Hoàng Nhung- chủ Lữ Quán cho biết, quán có quy mô phục vụ khoảng 50 khách và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo một số hạng mục để phục vụ nhiều du khách hơn. Khách đến Lữ Quán đông vào các dịp cuối tuần, ngày lễ với số lượng 40-50 khách và thường đặt trước vài ngày để cơ sở có sự chuẩn bị chu đáo chỗ ăn, ở.

Trải nghiệm du lịch nông thôn

Với mong muốn phát triển du lịch xanh, La’s Farmstay (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng)- một trang trại với tổng diện tích gần 7 ha, nằm giữa cánh đồng lúa, vườn cây trái đã được hình thành. Đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, La's Farmstay khiến du khách thích thú với loại hình du lịch trải nghiệm farmstay (mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với nông trại còn được biết đến với tên gọi bình dân là du lịch trang trại - PV). Đa số khách đến đây thường đi theo đoàn (từ 30-50 khách), hoặc đi từng nhóm riêng. Du khách thích thú những hoạt động như câu cá, tát cá, lái mô tô địa hình, chèo Sup (chèo ván đứng), chèo ghe, bắn cung, làm bánh tráng Trảng Bàng, hái rau, thưởng thức các món tiệc nướng vào buổi tối.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền, nhà ở TP. Tây Ninh, cùng bạn bè trải nghiệm tại La’s Farm. Chị chia sẻ: “Ban đêm tại La’s Farm có không khí mát mẻ, yên tĩnh, thích hợp cho những bạn trẻ, gia đình có nhu cầu nghỉ dưỡng. Ẩm thực dân dã cũng phù hợp khẩu vị của nhiều du khách”.

Theo UBND thị xã Trảng Bàng, du lịch hiện tại chưa phải là ngành kinh tế thế mạnh của địa phương. Chủ trương của Thị xã là đẩy mạnh về phát triển du lịch gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn các giá trị cảnh quan. Chiến lược phát triển du lịch của Thị xã gắn liền với tài nguyên du lịch sinh thái, nông nghiệp, di tích lịch sử, tâm linh kết hợp các làng nghề truyền thống, tiêu biểu là nghề làm bánh tráng phơi sương, muối ớt, bánh canh Trảng Bàng… Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.

Năm 2019, huyện Trảng Bàng (nay là thị xã) có phương án đầu tư xây dựng “Chợ đêm Trảng Bàng” nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm của người dân và kích cầu du lịch, tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương án này tạm đình lại, hiện nay, du lịch đêm trên địa bàn thị xã Trảng Bàng chưa tổ chức thực hiện.

Thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền thanh Thị xã, phối hợp với Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Vĩnh Long. Đồng thời, giới thiệu đặc sản bánh tráng, bánh canh và làng nghề truyền thống của Thị xã đến với mọi người.

Từ năm 2016 đến nay, định kỳ 2 năm một lần, Thị xã tổ chức “Lễ hội văn hoá, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng”, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể quốc gia nghề làm bánh tráng phơi sương, thu hút lượng khách đến tham quan ngày càng nhiều hơn.

Trảng Bàng đã hoàn thiện Đề án phát triển du lịch thị xã Trảng Bàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo xu hướng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và xây dựng chương trình bảo vệ làng nghề truyền thống... Hệ thống cơ sở lưu trú được quan tâm, hình thành và đi vào hoạt động, đến nay, trên địa bàn Thị xã có 5 khách sạn, 1 homestay và trên 100 nhà nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú cho khách du lịch và người dân địa phương. Ngoài ra, còn có điểm du lịch La's farmstay được chọn để quy hoạch phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp thu hút khách thập phương đến tham quan.

Các đặc sản bánh canh Trảng Bàng được kết nối, đưa vào thực đơn tại khách sạn 5 sao Grand Sài Gòn để giới thiệu với người dân và du khách quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; các sản phẩm: rau rừng, muối tôm được đưa vào bán tại hệ thống siêu thị của Satra và Big C...

UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, đến Trảng Bàng người dân, du khách có thể tìm hiểu, tham khảo thông tin về địa phương nhanh chóng, đầy đủ trên mạng Internet như hình ảnh về thành tựu của thị xã; các sản phẩm du lịch Trảng Bàng trên website, Facebook, Fanpage, YouTube...

Nhà truyền thống Thị xã tiếp tục phục vụ khách đến tham quan, xem ảnh trưng bày các hiện vật, góp phần giáo dục, tuyên truyền truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Trong 9 tháng năm 2022, nhà truyền thống và các di tích lịch sử trên địa bàn Thị xã đã tiếp đón 6.000 lượt khách tham quan.

Hiện nay, có 8/10 xã, phường đạt chuẩn nông thôn mới, hệ thống giao thông được làm mới, nâng cấp và sửa chữa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương.

Nhi Trần - Trúc Ly