Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều F0 tự mua thuốc uống qua những toa thuốc lan truyền trên mạng xã hội. Điều này có thể gây nguy hiểm cho F0 điều trị tại nhà nếu không được nhân viên y tế hay người có chuyên môn tư vấn, hướng dẫn.
Ngoài gói thuốc điều trị Covid-19, các F0 còn được nhà thuốc tư vấn dùng thêm một số vitamin để tăng sức đề kháng.
Thời gian gần đây, người nhiễm Covid-19 ở nhiều nơi trong tỉnh than phiền vì không nhận được sự hỗ trợ từ các trạm y tế, dù họ đã gọi điện đến địa phương thông báo tình trạng bệnh của mình hay người thân. Nhiều F0 tự mua thuốc uống qua những toa thuốc lan truyền trên mạng xã hội. Điều này có thể gây nguy hiểm cho F0 điều trị tại nhà nếu không được nhân viên y tế hay người có chuyên môn tư vấn, hướng dẫn.
Dễ dàng mua thuốc điều trị Covid-19
Nhà có 4 người mắc Covid-19, nhưng gia đình ông Ngô Văn Kiên (SN 1960, ngụ thị trấn huyện Bến Cầu) chỉ nhận được 1 gói thuốc A hỗ trợ điều trị tại nhà. Ông cho biết, gia đình phải mua thêm thuốc tại các nhà thuốc tây.
Chỉ cần nói mua thuốc cho F0, người bán sẽ đưa một phần thuốc đã được cho vào bịch sẵn. “Giá mỗi liều thuốc 25 ngàn đồng, có 7 viên. Mỗi người uống một liệu trình khoảng 20 liều mới khỏi bệnh. Trong nhà tôi có bốn người F0, trong đó có một đứa cháu 6 tuổi. Từ hôm mắc bệnh tới nay, cả nhà phải mua 90 liều thuốc mới đủ sử dụng”- ông Kiên nói.
Sau 9 ngày điều trị, ba người trong gia đình ông Kiên có kết quả test nhanh âm tính, một người còn dương tính. Vì vậy, ông phải mua thêm thuốc điều trị cho người nhà, chưa kể chi phí mua các bộ kit xét nghiệm Covid-19.
“Bây giờ mình bệnh thì phải lo, không thể chờ y tế được. Từ khi bệnh, cả nhà ai cũng có tâm lý bất an, lo lắng, nên ai chỉ gì chúng tôi cũng mua và làm theo để nhanh hết bệnh. Riêng chi phí mua thuốc, lá xông... đã tốn hơn 2,5 triệu đồng. Rất may, chúng tôi đã khỏi bệnh”- ông Kiên chia sẻ.
Tại phường Hiệp Ninh (TP. Tây Ninh), tình trạng F0 tự mua thuốc điều trị tại các nhà thuốc tây cũng diễn ra phổ biến. Anh Nguyễn Thanh Lâm (34 tuổi, ngụ khu phố Hiệp Lễ) cho biết, ban đầu anh có dấu hiệu cảm sốt, đau đầu, khan giọng.
Nghi nhiễm Covid-19, anh mua que tự test nhanh tại nhà và cho kết quả âm tính nên anh mua thuốc trị cảm cúm. Qua hai ngày, anh tiếp tục test nhanh, kết quả dương tính. Lần này, anh ra nhà thuốc tây mua một liệu trình điều trị F0 với giá 550 ngàn đồng, sau đó đến Trạm Y tế phường Hiệp Ninh khai báo.
Tại đây, sau khi lấy mẫu cho kết quả dương tính, anh Lâm được nhân viên y tế hướng dẫn tự cách ly tại nhà, cam kết không đi ra ngoài trong thời gian cách ly, điều trị, đồng thời phát 2 bộ kit test Covid-19 và một hộp vitamin C. “Nhân viên ở đây dặn tôi uống vitamin C để tăng đề kháng, que test để thử mẫu. Họ không hỏi cũng không hướng dẫn tôi mua thuốc gì để điều trị”- anh Lâm nói.
Không riêng thị trấn Bến Cầu và phường Hiệp Ninh, tình trạng F0 phải tự mua thuốc điều trị khá phổ biến tại nhiều địa phương. Chị Linh (ngụ khu phố 3, phường 2, TP.Tây Ninh) cho biết, gia đình chị có 3 người là F0 (2 người lớn và 1 trẻ em), sau khi đến Trạm Y tế phường 2 khai báo, lấy mẫu xét nghiệm, chị được nhân viên y tế hướng dẫn cách ly tại nhà và kêu chị tự mua thuốc uống.
Gói thuốc người bệnh Covid-19 tự mua với giá 25.000 đồng/liều.
Thuốc có thật sự thiếu?
F0 ngày càng tăng, nhưng thuốc không được cấp đủ cho F0 đang điều trị tại nhà khiến nhiều người phàn nàn cách làm việc của các trạm y tế địa phương. Theo ông Lê Khắc Bình- Phó trưởng Trạm Y tế thị trấn Bến Cầu, từ giữa tháng 10 đến nay, địa phương phát hiện hơn 500 ca F0 trong cộng đồng, mỗi ngày đều xuất hiện ca mắc mới. Trong khi đó, Trạm Y tế thị trấn chỉ được cấp 84 túi thuốc A và 4 túi thuốc C.
Ông Bình cho biết thêm, hiện Trạm Y tế chỉ có 5 người, ngoài công tác chuyên môn, trạm còn kiêm nhiệm công tác tiêm ngừa, truy vết... nên gặp không ít khó khăn trong việc quản lý F0 tại nhà. Trước tình trạng này, ngành Y tế huyện chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tiếp tục thực hiện quy định cho F0 cách ly tại nhà, đồng thời khuyến khích, hướng dẫn người dân mua thuốc ở các hiệu thuốc tây để điều trị, khi nào thuốc được phân bổ về sẽ nhanh chóng phân phát đến người bệnh.
“Khi phát hiện bệnh, người F0 sẽ hoang mang, lo lắng, rất cần sự hỗ trợ của lực lượng y tế. Chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng làm tốt nhiệm vụ, tư vấn, hướng dẫn người dân tự điều trị tại nhà” - ông Bình chia sẻ.
Tại xã Thành Long và Thái Bình (huyện Châu Thành) cũng xảy ra tình trạng thiếu thuốc cấp phát cho F0. Theo ông Võ Minh Nhật- Chủ tịch UBND xã Thành Long, tính từ giữa tháng 10, xã phát hiện trên 385 ca F0.
Khi xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, địa phương chỉ đạo phong toả và cho F0 cách ly tại nhà. Mặc dù vậy, địa phương chỉ được cấp 70 túi thuốc A phân phát hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Bên cạnh đó, xét nghiệm PCR trả kết quả chậm ảnh hưởng tới công tác xác nhận, quản lý và điều trị cho F0.
Hiện còn 138 ca F0 chưa nhận kết quả xét nghiệm PCR. Ông Nhật nói: “Để người dân hiểu, chia sẻ và cảm thông lực lượng chống dịch, địa phương giải thích về tình hình khó khăn, hướng dẫn người dân mua thuốc điều trị tại các nhà thuốc theo toa của Trạm Y tế cung cấp. Ngoài ra, UBND xã còn lập nhóm zalo “Hỗ trợ tư vấn F0 tại nhà”, giải đáp những thắc mắc của F0 và kịp thời giúp đỡ khi ca bệnh có dấu hiệu chuyển nặng”.
Nhân viên y tế hướng dẫn người F0 tự cách ly, điều trị bệnh tại nhà.
Ông Lê Ngọc Ẩn- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, khó khăn của huyện là thiếu con người, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch và quản lý, điều trị F0 tại nhà. Huyện có 15 trạm y tế lưu động, không có bác sĩ, 1.042 tổ y tế lưu động theo tổ dân cư tự quản, mỗi tổ có 3 người làm đầu mối thông tin giữa F0 với y tế để theo dõi, giúp đỡ F0 trong quá trình điều trị bệnh.
Về thuốc điều trị Covid-19, hầu hết các F0 khi phát bệnh được cung ứng thuốc kịp thời. Toàn huyện hiện có 1.987 ca F0 đang điều trị tại nhà, nhưng huyện chỉ có 58 máy oxy tự tạo, 458 máy đo SpO2, 175 nhiệt kế... không thể đáp ứng nhu cầu điều trị F0 tại nhà.
Ông Ẩn nói: “Mặc dù huyện nhiều lần vận động, kêu gọi xã hội hoá nhưng chủ yếu được hỗ trợ khẩu trang y tế, test nhanh, găng tay, cồn, dung dịch sát khuẩn... Riêng thuốc điều trị Covid-19 không thể xã hội hoá, thuốc đều do ở trên cấp xuống”.
Tâm Giang- Ngọc Bích
(còn tiếp)
Hiện nay, nhân lực y tế trong tình trạng quá tải, đã có không ít người xin nghỉ việc vì mệt mỏi, chịu áp lực từ nhiều phía. Điều này khiến công tác theo dõi, quản lý F0, F1 cách ly tại nhà gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vật tư y tế, thuốc điều trị Covid-19 cho y tế tuyến cơ sở (trạm y tế) khan hiếm trong khi số ca F0 điều trị tại nhà tăng nhanh; việc chậm trả kết quả PCR khiến người F0 bức xúc, phản ánh...