Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông làm chủ đầu tư đến 31.1.2025 khoảng 827,2/938,9 tỷ đồng, đạt 89,19%. Công tác giải ngân năm 2024 chưa đạt theo kế hoạch đã cam kết với UBND tỉnh (từ 95% trở lên) do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.


Khó khăn về nguồn vật liệu
Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng ngành Giao thông, công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế - dự toán từ bước chủ trương đầu tư đến khi triển khai thi công mất nhiều thời gian; công tác lựa chọn nhà thầu trong năm 2024 cũng gặp khó khăn do Luật Đấu thầu mới có hiệu lực nên quá trình áp dụng, thi hành còn nhiều bất cập, lúng túng.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là yếu tố chính tác động đến tiến độ thực hiện các dự án. Mặc dù đã được các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và tích cực triển khai, một số dự án vẫn còn chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, số khác bàn giao từng phần, đứt quãng cũng gây ra nhiều khó khăn khi tổ chức thi công.
Một khó khăn khác là về nguồn vật liệu cát san lấp. Đối với dự án tuyến N8, do công trình có đoạn tuyến mở mới từ đầu tuyến đến ngã 3 Cây Khế (Km4+960) dài 4,96km đi qua đồng ruộng, ngập nước có địa chất yếu, cần phải xử lý nền đất yếu bằng cách đắp cát nền đường kết hợp các phương pháp (đóng cừ tràm, gia cố bằng cọc xi măng đất, cắm bấc thấm và đắp đất chờ lún) nên cần khối lượng cát san lấp đắp nền rất lớn, khoảng hơn 100.000 m3.

Qua tìm hiểu, hiện nay, các dự án trọng điểm quốc gia (đường cao tốc khu vực miền Tây, đường Vành đai 3, sân bay Long Thành...) đều cần khối lượng cát san lấp nền rất lớn, các mỏ khai thác đều ưu tiên cung cấp cho dự án trọng điểm và tại địa phương.
Mặc dù, chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát đã tích cực tìm thêm các nguồn cung cấp khác, thậm chí sử dụng nguồn cát từ Campuchia có giá thành đến công trình cao hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu tiến độ.
Về nguồn vật liệu đá các loại (đá 4x6, đá 1x2, cấp phối đá dăm), hiện nay, mỏ đá Lộc Trung trong tỉnh đã đóng cửa, nguồn vật liệu đá cung cấp cho các dự án trong tỉnh phần lớn từ các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2024 là giai đoạn nước rút, các mỏ đá cũng tập trung ưu tiên cung cấp các dự án trọng điểm quốc gia nên khối lượng cung cấp cho các dự án trong tỉnh bị thiếu hụt.
Có thời điểm (tháng 12.2024), các mỏ đá ngưng khai thác do hết sản lượng sản xuất trong năm 2024, dẫn đến nguồn cung đá các loại thiếu hụt nghiêm trọng. Dự báo trong năm 2025, khi các dự án đường cao tốc đi qua Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công thi công, nguồn cung cấp vật liệu đá các loại sẽ tiếp tục không bảo đảm dẫn đến khó khăn về tiến độ cho các dự án.

Nguồn tài chính nhà thầu chưa kịp cân đối theo tiến độ
Bên cạnh đó, Ban QLDA đầu tư xây dựng ngành Giao thông cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 chưa đạt theo kế hoạch đã cam kết với UBND tỉnh cũng có nguyên nhân là nguồn tài chính của nhà thầu chưa cân đối kịp theo tiến độ thi công, cụ thể dự án thành phần 2 - tuyến đường 787B và dự án thành phần 3 - tuyến đường 789.
Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát đối với dự án chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ, gặp khó khăn trong quá trình thông báo mời thầu không có nhà thầu tham dự, cần phải gia hạn thời gian thông báo mời thầu 20 ngày (gói tư vấn giám sát gia hạn 2 lần mới có nhà thầu tham dự; các gói thầu xây lắp gia hạn 1 lần và cũng chỉ có 1 nhà thầu tham dự thầu).
Trước tình hình trên, chủ đầu tư đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ như họp bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện thanh toán nhằm tạo dòng tiền cho nhà thầu tái sản xuất, khảo sát thêm các nguồn vật liệu; bổ sung nhà thầu phụ theo đề xuất nhà thầu chính… nhưng tiến độ các dự án vẫn chưa đạt được như kế hoạch.
Thế Nhân
(Còn tiếp)