Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiến công, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ các thời kỳ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc là những "khúc quân hành" vang mãi đến hôm nay và mai sau.
Gần 80 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tây Ninh đã phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", cùng lực lượng vũ trang cả nước viết nên trang sử vàng "Trung dũng kiên cường, năng động sáng tạo, đoàn kết quyết thắng". Chiến công, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ các thời kỳ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc là những "khúc quân hành" vang mãi đến hôm nay và mai sau.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2023.
Mốc son chói lọi
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang (LLVT) Tây Ninh bắt đầu hình thành vào đầu năm 1945 từ những nhóm vũ trang nhỏ lẻ, hoạt động bí mật, trang bị vũ khí thô sơ nhưng đã làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Ngày 5.3.1946, Khu trưởng Khu 7 - Trung tướng Nguyễn Bình quyết định hợp nhất các đội vũ trang hiện có ở Tây Ninh, lấy phiên hiệu Chi đội 11 Tây Ninh do đồng chí Trịnh Khánh Vàng làm chi đội trưởng.
Chi đội 11 ra đời không những đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu tại địa phương, mà còn thúc đẩy, hỗ trợ cho lực lượng dân quân, du kích ngày càng phát triển, tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng “3 thứ quân”, đánh địch trên khắp địa bàn tỉnh. Từ đây cũng đánh dấu thời kỳ mới về sự hình thành của LLVT tỉnh, lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 3.1948, Chi đội 11 tỉnh Tây Ninh được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 311. Cuối tháng 12.1949 Khu uỷ quyết định thành lập Tỉnh đội bộ dân quân nhằm chăm lo và phát triển phong trào du kích ở địa phương.
Lực lượng vũ trang tỉnh đóng góp không nhỏ trong Chiến thắng Tua Hai - tiếng trống lệnh mở đầu phong trào "Đồng khởi vũ trang" cho cả Nam bộ (ảnh tư liệu).
Tháng 9.1950, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hợp nhất Trung đoàn 311 và Tỉnh đội Bộ Dân Quân thành Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh lấy tên là Tỉnh đội, nay là Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Tây Ninh. Từ đây, quân và dân Tây Ninh chuyển sang giai đoạn mới: giai đoạn phản công giành thắng lợi quyết định, góp sức cùng chiến trường chung của miền Nam và cả nước.
“Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", lực lượng vũ trang Tây Ninh đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển lực lượng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo, hiệu quả trên nền tảng của cuộc chiến tranh Nhân dân, lập nên những chiến công vang dội, góp sức cùng chiến trường chung của Miền và cả nước chống thực dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, hoàn thành một chặng đường dài đầy gian khổ hy sinh nhưng rất vẻ vang”- Trung tướng Đỗ Văn Bảnh- Chính uỷ Học viện Quốc phòng (nguyên Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh) nói.
Xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Từng bước xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, LLVT tỉnh luôn tỏ rõ sức mạnh, ý chí và bản lĩnh; vừa chiến đấu, vừa xây dựng, củng cố phát triển lực lượng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, LLVT tỉnh đã anh dũng bám trụ địa bàn, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội chủ lực, từng bước đẩy lùi và đánh bại các kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, giữ vững, mở rộng vùng căn cứ, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch trên địa bàn, giành lại chính quyền về tay Nhân dân.
Những trận đánh oanh liệt của LLVT tỉnh, những địa danh, tên đất, tên làng như trận đánh Pháp tại Thanh Điền vào tháng 3.1946; Chiến thắng Tua Hai - tiếng trống lệnh mở đầu phong trào "Đồng khởi vũ trang" cho cả Nam bộ vùng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước; căn cứ Bời Lời… mãi mãi được ghi vào lịch sử như những dấu ấn không bao giờ phai, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quân và dân Tây Ninh. Những thắng lợi đó đã góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, viết nên thiên anh hùng ca rực rỡ nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.
Các đơn vị lực lượng vũ trang Tây Ninh diễu hành tại lễ ra quân huấn luyện năm 2024.
Đất nước thống nhất, quân dân Tây Ninh chưa ngừng tay súng thì tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary ra sức lấn chiếm, gây chiến ở biên giới Tây Nam trong đó có Tây Ninh. Một lần nữa, LLVT tỉnh tiếp tục nắm chắc tay súng, sát cánh với Nhân dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế, cùng các đơn vị bạn cứu đất nước Campuchia anh em thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Ba năm làm nhiệm vụ chiến đấu giữ vững biên cương Tổ quốc và 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, LLVT Tây Ninh đã khẳng định vai trò của mình trong bối cảnh đầy thử thách cam go, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội và Nhân dân giao phó.
Đại tá Nguyễn Thanh Phong- Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh cho biết, hiện nay bên cạnh những thuận lợi cơ bản và thời cơ mới, chúng ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, ly khai, khủng bố, tranh chấp biên giới lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp và sức mạnh của LLVT tỉnh được thể hiện cụ thể ở việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn của cách mạng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, LLVT tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm xử lý kịp thời, hiệu quả với các tình huống xảy ra.
Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường “thế trận lòng dân”; chủ động giúp Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xoá đói giảm nghèo”, “chung sức xây dựng nông thôn mới”… qua đó làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng toả sáng trong lòng Nhân dân.
Vũ Nguyệt – Phạm Hà
(Còn tiếp)