Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Bài 1: Ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động
Chủ nhật: 23:34 ngày 27/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ khu vực KTTT, HTX thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện bổ sung nguồn vốn cho các dự án đầu tư công có chuyển đổi số đối với khu vực KTTT, HTX.

Các thành viên trong HTX xoài Thạnh Bắc trao đổi kỹ thuật trồng xoài.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cần thiết đối với khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) hiện nay nhằm xây dựng nền tảng số cho khu vực KTTT, HTX; phục vụ kết nối, quản lý, điều hành thông suốt hệ thống hành chính của liên minh các HTX; cung cấp và chia sẻ thông tin kịp thời về thị trường, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các thành viên của khu vực KTTT, HTX.

Cần giải pháp mang tính đột phá

Trước tình hình dịch bệnh, khu vực KTTT đang tìm cách ứng phó và thay đổi cho phù hợp, trong đó tăng cường ứng dụng chuyển đổi số được cho là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng công nghệ số trong các HTX còn tồn tại nhiều khó khăn, rất cần những giải pháp mang tính đột phá.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực” và để định hướng phát triển KTTT, HTX trong 10 năm tới.

Để góp phần vào thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX, tỉnh quan tâm ban hành chính sách về khoa học, kỹ thuật và công nghệ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có thành phần KTTT đầu tư nghiên cứu, ứng dụng; khuyến khích đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hoá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong giai đoạn tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục trình UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; xây dựng và trình HĐND tỉnh nghị quyết về chính sách “hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025” nhằm hỗ trợ, ưu đãi các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký xác lập và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề mang địa danh của tỉnh và của các địa phương trong tỉnh.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, mặc dù cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã cơ bản hình thành, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chính sách đặc thù đối với HTX, các HTX được thụ hưởng chung giống như các thành phần kinh tế khác nên số lượng HTX được hưởng chính sách này còn ít.

Nguồn ngân sách hỗ trợ HTX trong lĩnh vực này còn hạn chế, bên cạnh không ít khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, kiến thức cơ bản, nhân lực... khiến nhiều HTX lúng túng trong chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng lực nghiên cứu khoa học của các HTX còn hạn chế. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chưa có thương hiệu trên thị trường trong nước, trong khi cạnh tranh về thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, sự liên kết trong hoạt động khoa học, công nghệ giữa các địa phương trong tỉnh còn rời rạc, chưa có sự hợp tác, liên kết giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học với cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan chuyển giao kết quả và tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án.

Mặc dù nhận thức và cách tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại của các HTX đã được cải thiện hơn nhưng chưa đi vào hệ thống bài bản, các HTX hiện đa phần ứng dụng công nghệ đơn giản như tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc... Một số HTX sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, còn việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm… Đặc biệt, hệ thống kết nối dữ liệu lớn về sản xuất, giới thiệu sản phẩm giữa chính các HTX trên địa bàn tỉnh hay mở rộng quy mô toàn quốc chưa được hình thành. 

Hiện nay, do năng lực, trình độ về số hoá hoặc công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn hạn chế. Độ tuổi của hội đồng quản trị HTX chủ yếu là 55-60 tuổi nên khả năng khai thác thông tin còn chậm hoặc không tiếp cận được.

Một số ít các HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX còn lạc hậu, nhiều HTX nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng internet và xa lạ với các phần mềm kế toán, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng... Nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu do các HTX không có tài sản thế chấp, khả năng huy động hoặc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng không cao. Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX còn gặp nhiều khó khăn.

HTX xoài Thạnh Bắc (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) dần áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất.

Chuyển đổi số khu vực KTTT là xu hướng tất yếu

Theo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cần thiết đối với khu vực KTTT, HTX hiện nay nhằm xây dựng nền tảng số cho khu vực KTTT, HTX; phục vụ kết nối, quản lý, điều hành thông suốt hệ thống hành chính của liên minh các hợp tác xã và các HTX; cung cấp và chia sẻ thông tin kịp thời về pháp luật, thị trường, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các thành viên của khu vực KTTT, HTX; xây dựng môi trường chia sẻ và tổng hợp dữ liệu, kết nối cung - cầu dựa trên các công nghệ số.

Theo Liên minh HTX tỉnh, mặc dù nhận thức và cách tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại của các HTX đã cải thiện hơn nhưng chưa đi vào hệ thống bài bản. Các HTX hiện đang ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc.

Một số HTX sử dụng máy tính, điện thoại để quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm… Đặc biệt, hệ thống kết nối dữ liệu lớn (Big Data) về sản xuất, giới thiệu sản phẩm giữa chính các HTX trên địa bàn hay mở rộng quy mô toàn quốc chưa được hình thành. 

Ông Lưu Văn Xu- Giám đốc HTX xoài Thạnh Bắc (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) cho biết, HTX thường xuyên cập nhật tin tức liên quan đến khởi nghiệp, vùng nguyên liệu, sản xuất, quảng bá sản phẩm nhằm tăng uy tín cho HTX.

Ông Xu cho biết thêm, HTX áp dụng tem truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua website giới thiệu sản phẩm. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ số góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ bền vững trước biến động của thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, HTX mạnh dạn đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại bảo đảm tiêu chuẩn tạo ra sản phẩm xoài chất lượng, an toàn. HTX còn đặc biệt quan tâm tới công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, giúp duy trì, tiêu thụ tốt trên thị trường.

Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ, để hỗ trợ khu vực KTTT, HTX có thể chuyển đổi số theo lộ trình cần có một số giải pháp như: tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của KTTT, HTX trong phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần phát triển kinh tế của tỉnh; tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích tầng lớp thanh niên tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình HTX.

Phát triển, nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên trong việc ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế của sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân, giúp nâng cao thu nhập của các thành viên và của HTX.

Tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ khu vực KTTT, HTX thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện bổ sung nguồn vốn cho các dự án đầu tư công có chuyển đổi số đối với khu vực KTTT, HTX.

Bên cạnh đó, khu vực KTTT, HTX cần chủ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ thông qua chuyển đổi số để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Có thể thấy thực hiện chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX thành công là tạo nền tảng, đòn bẩy để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Khu vực KTTT, HTX luôn nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động.

NHI TRẦN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục