Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không phải đến khi trở thành Chủ tịch nước, lúc còn trẻ, hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc nói chung, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong từng quốc gia nói riêng.
Ông Chàm Min
Đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng, di sản vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc có nguồn gốc từ nhiều yếu tố, được hình thành trên cơ sở kế thừa, phát triển chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại.
Không phải đến khi trở thành Chủ tịch nước, lúc còn trẻ, hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc nói chung, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong từng quốc gia nói riêng. Tư tưởng ấy của Người, trước đây và hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đã và đang thực hiện bằng những việc làm cụ thể.
“Tôi sinh năm 1963, người dân tộc Chăm. Mười ba năm trước, tôi được tín nhiệm bầu làm Phó Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh. Tôi luôn làm theo lời Bác dạy: không phân biệt tôn giáo, dân tộc; đoàn kết là trên hết, điều này quan trọng lắm”- ông Chàm Min mở đầu câu chuyện.
Từ thời thanh niên sôi nổi đến đại diện cộng đồng hồi giáo
Trong ngôi nhà sàn, người đàn ông Chàm Min tiếp chúng tôi bằng giọng nói chậm rãi, từ tốn, điềm đạm. Ông cho biết, thập niên 90 của thế kỷ XX, khi còn trẻ, ông có thời gian dài tham gia công tác ở địa phương, làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Hưng. Thời gian này, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, bản thân ông- một thanh niên người dân tộc thiểu số, đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất của đời người cho xã hội.
“Thời gian làm công tác thanh niên, tôi từng được Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen. Tôi còn nhớ người ký tặng bằng khen cho tôi lúc đó là bà Trương Thị Mai, hiện nay giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng”- ông Chàm Min nhớ như in về “thời thanh niên sôi nổi”.
Năm 2010, ông Chàm Min được bầu làm Phó Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh. Ở cương vị đại diện này, ông nắm rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. “Tôi nói với cộng đồng người Chăm rằng, chúng ta nắm chặt tay nhau, cùng nhau dựng xây cuộc sống mới bằng cách chăm chỉ lao động, học hành, cùng nhau phấn đấu làm giàu cho gia đình và xã hội”.
Nhìn lại những chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, điều gì làm ông vui nhất? “Trước tiên phải kể đến sự ra đời của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh. Ngôi trường này tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm chúng tôi nói riêng, được học hành đến nơi đến chốn. Tiếp theo, chính quyền đã tạo điều kiện, cho phép chúng tôi mở trường bồi dưỡng giáo lý Hồi giáo Islam tại xã Tân Hưng, dự kiến khánh thành vào tháng 6.2023”.
Là người đại diện cho cộng đồng Hồi giáo và trước đó, một thời gian dài tham gia công tác thanh niên, ông nghĩ gì về tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Ông Chàm Min cho biết, dù không học cao nhưng ông luôn nhớ những câu nói sâu sắc của Bác Hồ về đại đoàn kết, không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc.
Ông luôn dùng câu nói “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tuyên truyền cho đồng bào mình, “những gì cộng đồng chúng tôi có ngày hôm nay, cũng chính nhờ đề cao tinh thần đoàn kết ấy”.
“Tôi lấy ví dụ, hiện nay, cộng đồng Hồi giáo Islam làm được ba công trình có ý nghĩa, gồm: xây dựng trường bồi dưỡng giáo lý Islam tại ấp Tân Châu, xã Tân Hưng, tổng giá trị công trình hơn 10 tỷ đồng; khởi công xây dựng thánh đường Hồi giáo Islam ở ấp Tân Trung B, giá trị công trình hơn 4 tỷ đồng. Sau cùng, khởi công xây dựng thánh đường ở ấp Tân Trung A, cũng gần 5 tỷ đồng”- ông Chàm Min liệt kê.
Ông giải thích tiếp, ba công trình lớn, giàu ý nghĩa nói trên đã và đang hoàn thiện, là nhờ sự đóng góp của nhiều người, trong đó, cộng đồng người Hồi giáo chung tay đóng góp công sức lớn nhất. “Không phải ai cũng khá giả, có hộ còn nghèo nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, chúng tôi đã làm được. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, đoàn kết thì thành công”- ông Chàm Min nói. Hiện nay, dù khó khăn chưa phải đã hết nhưng điều ông vui nhất, đó là dân trí được nâng cao.
“Nhiều con em đồng bào chúng tôi hiện nay là bác sĩ, kỹ sư, có cả người học sau đại học, có người làm cán bộ Nhà nước. Tôi không hề có ý khoe khoang, chỉ lấy ví dụ thôi, như cô con gái lớn của tôi chẳng hạn. Tốt nghiệp đại học, nó đi dạy ở TP. Hồ Chí Minh một thời gian, sau đó chuyển qua tỉnh Bình Dương. Hiện nay, con gái tôi đang làm hiệu trưởng một trường phổ thông ngoài công lập tại tỉnh này”.
Được biết, ông từng được Thủ tướng Chính phủ mời họp mặt các chức sắc tôn giáo, ông nhớ kỷ niệm nào nhất? “Tôi nhớ cuộc gặp mặt đó ở Đà Nẵng, hình như năm 2016. Cuộc gặp hôm đó, Thủ tướng tặng chúng tôi mỗi người một bộ tách uống trà, đẹp lắm.
Đất nước mình nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, chúng ta phải thật đoàn kết để xây dựng đất nước giàu mạnh, như lời Bác Hồ dạy. Tôi đã nhiều lần nghe đồng bào Chăm nói rằng, chúng ta thật may mắn khi nước nhà thống nhất, sống trong hoà bình, không còn cảnh bom rơi đạn nổ”.
Cô giáo A My Ná trong dịp ra Hà Nội.
Cô giáo Đạo Hồi
“Từ khi ra trường đến nay, tôi công tác ở hai ngôi trường, cả hai trường này đều có đông con em đồng bào đạo Hồi. Hôm nay tôi đứng giữa mái trường này, ngày xưa, khi còn học sinh, tôi đã từng học ở đây”- cô giáo người dân tộc Chăm- A My Ná, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo viên Trường tiểu học Tân Hưng A giới thiệu bản thân.
Cô cho biết, khi còn là học sinh tiểu học, cô mong ước sau này trở thành cô giáo để dạy cho học sinh nói chung, học sinh con em đồng dân tộc Chăm nói riêng. “Sau nhiều năm miệt mài đèn sách, cuối cùng tôi cũng toại nguyện ước mơ của mình”- cô giáo nói. Trước khi chuyển về Trường tiểu học Tân Hưng A, A My Ná từng có thời gian khá dài dạy tại Trường tiểu học Suối Dây (huyện Tân Châu), nơi rất đông học sinh người dân tộc Chăm.
Năm 2020, A My Ná là một trong số giáo viên người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng Bộ GD&ĐT mời tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tại Hà Nội.
Là giáo viên người dân tộc thiểu số, cô nghĩ gì về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh? “Tôi được biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc thiểu số, từ anh bộ đội cho đến cháu thiếu nhi. Là một giáo viên, tôi hiểu và luôn cố gắng thực hiện đúng theo lời chỉ dẫn của Bác Hồ về tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Trên lớp, ngoài nội dung bài dạy theo chương trình, sách giáo khoa, tôi thường xuyên trò chuyện, nhắc nhở học sinh người dân tộc thiểu số nói chung, con em người dân tộc Chăm nói riêng, phải thật sự đoàn kết, hoà đồng với nhau”- cô giáo A My Ná nói về “đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” trên lớp học.
Cô giáo dân tộc Chăm còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, như vận động thanh thiếu niên tham gia hoạt động tập thể, gắn kết cộng đồng. “Tôi nói với thanh niên trong làng rằng, chúng ta cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương, xóm làng, không có bất kỳ sự phân biệt nào giữa người dân tộc này với dân tộc khác, tôn giáo này với tôn giáo khác. Tôi có thể lấy ví dụ ngay nơi mình đang công tác, mỗi khi gặp khó khăn nào đó, tôi luôn được đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường quan tâm giúp đỡ”.
Được biết, cô đã có ba lần ra Hà Nội viếng lăng Bác, kỷ niệm mỗi chuyến đi là gì? “Tôi ra Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1994, lúc đang học tiểu học. Chuyến đi kéo dài gần nửa tháng. Lần thứ hai, năm 2004, tốt nghiệp sư phạm, tôi đi cùng lãnh đạo Nhà văn hoá Tây Ninh ra Hà Nội tham gia biểu diễn văn hoá đồng bào Chăm.
Lần thứ ba, năm 2020, như vừa nêu. Ba lần ra Hà Nội, ba lần vào lăng viếng Bác, đặc biệt khi được xem đoạn phim quay cảnh giây phút cuối cùng của cuộc đời của một vĩ nhân, tôi xúc động lắm”- A My Ná nhớ lại.
Trước khi nhóm phóng viên ra về, cô giáo đạo Hồi bày tỏ, qua báo chí, cô muốn nói rằng, vài ba chục năm trước, cả ấp nơi cô sinh sống chỉ có vài người đi học. Nay, mọi trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.
Việt Đông - Hoàng Yến
(còn tiếp)