Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoạt động cấp nước sạch nông thôn - nhiều vấn đề cần quan tâm
Bài 2: Bất cập trong chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình
Thứ sáu: 15:32 ngày 07/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc hiểu và xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, điều kiện áp dụng giữa các địa phương khác nhau. Có nơi lựa chọn đối tượng cứng nhắc, thiếu linh hoạt làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân cũng như mục tiêu của chính sách.

Hệ thống lọc nước inox, sử dụng cho hộ có bồn nước cao 3,5m trở lên.

Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 38/2017/NQ-HĐND, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 quy định về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo quyết định này, đối tượng được tham gia chính sách là hộ có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và hộ nông thôn khác. Trong quá trình thực hiện chính sách, các địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập.

Khổ vì chính sách thiếu thực tế

Theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018, mức hỗ trợ như sau: Đối với hộ có công với cách mạng, hộ nghèo, mức hỗ trợ 100% theo giá thực tế nhưng tối đa không quá 6 triệu đồng/hộ; hộ cận nghèo, mức hỗ trợ 75% theo giá thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/hộ; hộ có mức sống trung bình có mức hỗ trợ 50% theo giá thực tế nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/hộ; hộ khác có mức hỗ trợ 30% theo giá thực tế nhưng tối đa không quá 1,8 triệu đồng/hộ.

Trong đợt khảo sát công tác quản lý hoạt động cấp nước sạch nông thôn vừa qua của HĐND tỉnh, các đối tượng áp dụng chính sách này tại các xã được khảo sát phần lớn là nhóm đối tượng có công với cách mạng, hộ nghèo (chính sách hỗ trợ 100%). Các đối tượng còn lại gồm hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, đặc biệt là hộ khác (chính sách hỗ trợ 30%) tham gia rất ít, nhiều trường hợp sau khi đăng ký đã rút đơn lại. Nguyên do là ban đầu, người dân “tưởng” được hỗ trợ 100% nhưng khi có thông tin chính xác, nhiều người “rút lui”.

Bên cạnh đó, một số xã khi triển khai chính sách đến 4 nhóm đối tượng thụ hưởng, nhiều người dân đăng ký và lắp đặt hệ thống lọc nước. Thế nhưng sau đó, qua rà soát, địa phương phát hiện điều kiện và đối tượng áp dụng không đúng nên một số trường hợp phải tháo gỡ hệ thống xử lý nước sau khi được lắp đặt.

Trường hợp này xảy ra tại xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), do không đúng điều kiện là ở ngoài vùng cấp nước tập trung; tại xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) cũng tương tự do không đúng đối tượng (thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến không thuộc đối tượng áp dụng của chính sách).

Theo đánh giá của HĐND tỉnh, công tác hướng dẫn, triển khai chính sách đến cơ sở còn thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ và thống nhất. Việc hiểu và xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, điều kiện áp dụng giữa các địa phương khác nhau. Có nơi lựa chọn đối tượng cứng nhắc, thiếu linh hoạt làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân cũng như mục tiêu của chính sách. Một số hộ nghèo trong vùng cấp nước tập trung theo quy định không được hỗ trợ chính sách nhưng thực tế vị trí nhà ở xa đường ống dẫn nước chính, chi phí nối đường ống lớn, không có khả năng chi trả vẫn không tiếp cận được nguồn nước sạch.

Đồng thời, việc triển khai chính sách ở một số nơi không đồng bộ, một số hộ nghèo không có tiền mua bồn chứa nước nên chọn máy lọc nước uống, nhưng nước sinh hoạt khác vẫn sử dụng nguồn nước cũ.

Ngoài ra, trong thực tế còn có tình trạng một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch hoặc có tâm lý ỷ lại vào Nhà nước. Mặt khác, địa phương, ngành chức năng chưa tìm kiếm, giới thiệu được nhiều đơn vị cung cấp hệ thống lọc nước để hộ dân có thể lựa chọn sản phẩm, giá thành mang tính cạnh tranh hơn.

Tại xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), có 95 hộ đăng ký lắp đặt hệ thống lọc nước. Đến nay có 44 hộ (19 hộ gia đình chính sách, 25 hộ nghèo) đã được lắp đặt. Riêng số hộ cận nghèo (14 hộ) chưa được lắp đặt vì các hộ này không có khả năng bù thêm tiền. Còn lại 36 hộ nghèo thuộc các ấp Rừng Dầu, Tân Lập, Xóm Lò chưa được lắp đặt do các ấp này đã có nước sạch.

Còn UBND xã Tiên Thuận cho biết, một số hộ nghèo trong vùng có trạm cấp nước sạch nên không được hỗ trợ hệ thống lọc nước, gây khó khăn trong việc sử dụng nước sạch. Do đó, địa phương kiến nghị, các hộ nghèo trên địa bàn xã cần được hỗ trợ hệ thống xử lý nước vì các hộ này rất khó khăn, không có khả năng đăng ký sử dụng nước sạch.

Theo Sở NN&PTNT, năm 2018, kinh phí hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh là 14 tỷ đồng, cho 2.722 hộ. UBND tỉnh tạm ứng ngân sách hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn 7 tỷ đồng (huyện Châu Thành 2,1 tỷ đồng; Trảng Bàng 1,66 tỷ đồng; Tân Biên 1,27 tỷ đồng; Hoà Thành 0,93 tỷ đồng; Bến Cầu 0,45 tỷ đồng; Tân Châu 0,25 tỷ đồng; Dương Minh Châu 0,22 tỷ đồng; Gò Dầu 0,12 tỷ đồng).

Trên cơ sở đó, UBND các huyện đã triển khai rộng rãi đến nhân dân, tổ chức họp bình xét các đối tượng được hỗ trợ chính sách này. Đến giữa tháng 11.2018, các địa phương đã tổ chức lắp đặt hệ thống lọc nước cho 690 hộ tại 6 huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Hoà Thành, Tân Châu, Gò Dầu.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đây là một chính sách mới. Qua khảo sát của ngành Nông nghiệp, người dân rất đồng tình, đặc biệt là những người được thụ hưởng. Qua số liệu thống kê, đối tượng tham gia chính sách này chủ yếu là hộ chính sách (503/690 hộ), hộ nghèo (171/690 hộ), hộ cận nghèo (13/690 hộ); còn hộ có mức sống trung bình, hộ nông thôn khác tham gia rất ít, chỉ từ 1 - 2 hộ.

Do đây là chính sách mới nên khi triển khai, ngành Nông nghiệp mất nhiều thời gian trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, thời gian để lắp đặt hệ thống xử lý nước phải thực hiện theo quy trình: UBND xã họp bình xét, tổng hợp danh sách hộ gia đình nông thôn ưu tiên hỗ trợ báo cáo UBND cấp huyện; UBND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán, thông báo danh sách hộ gia đình nông thôn được hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, nghiệm thu, hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán... nên thời gian kéo dài. Mặt khác, do các hộ dân sống phân tán nên mất nhiều thời gian và công sức thực hiện các thủ tục.

Một hệ thống lọc nước sử dụng cho hộ gia đình được hỗ trợ theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Cần có giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu chính sách

Để giúp người dân có điều kiện lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, Sở NN&PTNT đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các huyện, thành phố hỗ trợ nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng theo Quyết định 1205/QĐ-TTg điều chỉnh mức vốn cho vay được quy định tại Điều 1 Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg, ngày 3.3.2014, về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Sở cũng đề nghị các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền làm thay đổi hành vi, nhận thức của dân cư nông thôn về sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch, từ đó giúp người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện chính sách, cũng như góp vốn để cùng Nhà nước đầu tư hệ thống xử lý nước hộ gia đình đạt hiệu quả.

Trên cơ sở kết quả phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh được tổ chức vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị Giám đốc Sở NN&PTNT sớm có cơ chế phối hợp quản lý đối với các trạm cấp nước tập trung giữa Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và UBND xã; quan tâm công tác vận hành, vệ sinh và bảo dưỡng, duy tu các công trình cấp nước.

Theo đó, cần rà soát, khảo sát thực tế từng công trình, đánh giá hiệu quả đầu tư; có giải pháp nâng cấp hoặc xây mới đối với các công trình bị xuống cấp, hoạt động vượt công suất; xem xét thanh lý đối với các công trình hoạt động kém hiệu quả; sớm khắc phục tình trạng thất thoát nước; nghiên cứu xây dựng trạm cấp nước theo công nghệ mới, trạm nhỏ; sớm tham mưu UBND tỉnh xem xét thực hiện cấp bù giá nước năm 2018 cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, xem xét điều chỉnh giá nước sinh hoạt nông thôn phù hợp trong thời gian tới.

Đối với chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, Sở NN&PTNT cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức người dân nông thôn về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và ý nghĩa các chính sách hỗ trợ của địa phương, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng để chính sách mang lại hiệu quả thiết thực.

Thường trực HĐND tỉnh cũng kiến nghị Sở NN&PTNT đánh giá kết quả triển khai bước đầu tại các địa phương để nắm bao quát tình hình, những khó khăn, bất cập ở cơ sở- nhất là trong việc xác định đối tượng thụ hưởng, điều kiện áp dụng và phương thức thực hiện... từ đó sớm tổ chức hướng dẫn cụ thể từng nội dung để việc triển khai chính sách thống nhất và mang lại hiệu quả. Đồng thời, Sở NN&PTNT cần có giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu chính sách: hỗ trợ vốn vay cho hộ gia đình mua sắm bồn chứa nước, thiết bị liên quan đáp ứng điều kiện lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cần hỗ trợ địa phương đa dạng việc cung cấp thiết bị lọc nước để người dân có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt nhất với giá phù hợp; quan tâm công tác kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước trước khi nghiệm thu; cần ràng buộc rõ ràng trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trong hợp đồng kinh tế và trách nhiệm của hội đồng nghiệm thu trong biên bản nghiệm thu hệ thống xử lý nước.

TRÚC LY

data:
Truy cập ngay https://europharmvn.com/lutidha/ DHA bầu từ Pháp The Global City
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục