BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp: Lợi hay hại?

Bài 2: Buộc phải thực hiện dự án nông nghiệp! 

Cập nhật ngày: 17/12/2021 - 11:00

BTN - Sau thời hạn quy định, nếu các nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện dự án nông nghiệp, UBND cấp huyện sẽ xử lý vi phạm và buộc các nhà đầu tư phải di dời các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của công trình vì không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Một trang trại gà phía dưới hệ thống điện năng lượng mặt trời ở xã Thành Long, huyện Châu Thành.

Vừa qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành chức năng tổ chức “tổng kiểm tra” rà soát quá trình đầu tư, thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường đối với các dự án điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp.

Quá trình kiểm tra cho thấy có những hạn chế, sai sót tại nhiều dự án. Trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành có liên quan và đề xuất phương án xử lý đối với các dự án điện mặt trời áp mái trên dự án nông nghiệp của UBND các huyện Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và UBND thị xã Trảng Bàng, cơ quan tham mưu đã dự thảo đề xuất một số nội dung có liên quan.

Theo đó, đối với các dự án nông nghiệp có đầy đủ các thủ tục nhưng chưa thực hiện theo Hướng dẫn số 2807/HD-SXD ngày 3.9.2020 của Sở Xây dựng, đề nghị các chủ đầu tư dự án điện mặt trời áp mái trên dự án nông nghiệp thuê đơn vị tư vấn có năng lực tổ chức kiểm định chất lượng công trình, bảo đảm điều kiện an toàn chịu lực kết cấu công trình.

Chủ đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện hoàn chỉnh việc kiểm định chất lượng công trình theo quy định, đúng thời hạn do cơ quan có thẩm quyền ấn định; tự tháo dỡ hệ thống điện mặt trời áp mái và bộ phận công trình, công trình xây dựng sai hồ sơ thiết kế được duyệt…

Sau thời hạn quy định, các chủ dự án không hoàn thành việc kiểm định chất lượng công trình như cam kết thì phải tự tháo dỡ hệ thống điện mặt trời áp mái và bộ phận công trình, công trình xây dựng sai hồ sơ thiết kế được duyệt.

Đối với các dự án nông nghiệp triển khai chưa đúng theo văn bản của UBND cấp huyện (dự án trồng nấm nhưng thực tế chủ đầu tư trồng cây đinh lăng, nuôi gà...), đề nghị nhà đầu tư cam kết trong vòng 3 tháng phải thực hiện đúng theo văn bản ý kiến của UBND cấp huyện; nhà đầu tư có nhu cầu điều chỉnh chủ trương đầu tư phải lập thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Các dự án mà UBND cấp huyện có ý kiến về dự án trồng nấm nhưng nhà đầu tư trồng cây đinh lăng, đề nghị nhà đầu tư phải có văn bản đề xuất điều chỉnh, bổ sung loại cây trồng trong dự án cho phù hợp để đánh giá đúng hiệu quả đầu tư trên diện tích canh tác...

Về dự án xây dựng thêm các hạng mục, đề nghị nhà đầu tư đăng ký với UBND cấp huyện để cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Các dự án nông nghiệp chưa chuyển sang đất nông nghiệp khác (đăng ký biến động đất), các nhà đầu tư phải lập thủ tục xin ý kiến UBND cấp huyện về thực hiện dự án. Khi có ý kiến chấp thuận của UBND cấp huyện, nhà đầu tư lập thủ tục đăng ký biến động đất sang đất nông nghiệp khác theo quy định.

Sau thời hạn quy định, nếu các nhà đầu tư chưa lập thủ tục xin ý kiến UBND cấp huyện về thực hiện dự án và không được chấp thuận đăng ký biến động đất sang đất nông nghiệp khác, giao UBND cấp huyện xử lý vi phạm và buộc các nhà đầu tư phải di dời các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của công trình vì không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Các dự án nông nghiệp xây dựng hoàn thành và lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đưa vào sử dụng (đã đấu nối điện) nhưng chưa triển khai thực hiện dự án nông nghiệp theo văn bản ý kiến của UBND cấp huyện, đề nghị các nhà đầu tư có cam kết thực hiện dự án nông nghiệp đúng theo văn bản ý kiến của UBND cấp huyện. Sau thời hạn quy định, nếu các nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện dự án nông nghiệp, UBND cấp huyện sẽ xử lý vi phạm và buộc các nhà đầu tư phải di dời các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của công trình vì không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Các đơn vị triển khai thực hiện dự án nông nghiệp chưa đầy đủ (khoảng 1/4 - 1/2 diện tích đất dự án), đề nghị các nhà đầu tư có cam kết thực hiện dự án nông nghiệp đầy đủ theo văn bản ý kiến của UBND cấp huyện. Sau thời gian quy định, các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án nông nghiệp không đầy đủ sẽ bị UBND cấp huyện xử lý vi phạm và buộc các nhà đầu tư phải di dời các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của công trình vì không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn...

Đến nay, các nội dung đề xuất trên vẫn còn được trao đổi, thảo luận, cân nhắc trong quá trình tham mưu UBND tỉnh cho ý kiến kết luận. Tuy nhiên, những nội dung đề xuất trên cho thấy chính quyền địa phương cấp huyện và các cơ quan chức năng thể hiện rõ quan điểm: việc đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà trên dự án nông nghiệp phải được triển khai thực hiện đúng quy định. Chủ đầu tư các dự án còn sai sót, thiếu sót buộc phải hoàn chỉnh các yêu cầu đã được chỉ ra. Trường hợp không thực hiện theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm.

Bảo Tâm - Thế Nhân

Theo một văn bản của Sở Công Thương, chủ trương phát triển dự án điện mặt trời kết hợp trang trại nông nghiệp là: khuyến khích phát triển nhưng phải thực hiện đúng theo quy định của Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22.9.2020 của Bộ Công Thương. Về đất đai, dự án phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương. Về công suất, dự án phải phù hợp với khả năng tiếp nhận của hệ thống trạm biến áp, đường dây điện khu vực đầu tư.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều dự án điện mặt trời mái nhà đã được triển khai trên đất nông nghiệp. Đây là dự án điện mặt trời kết hợp trang trại nông nghiệp, theo quy định phải triển khai kết hợp với trang trại nông nghiệp hiện có. Tuy nhiên, nhiều nơi đã đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà hoàn chỉnh, đưa vào vận hành trước khi triển khai dự án nông nghiệp.