Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂY NINH- TẠO ĐIỂM NHẤN, GIA TĂNG SỨC HẤP DẪN
Bài 2: Các loại hình du lịch chưa thật sự nổi bật
Thứ bảy: 18:43 ngày 15/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Du lịch được xác định là một trong những đột phá nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị (khoá XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tây Ninh đã mời gọi được các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch đang được cải thiện về số lượng và chất lượng, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều... Tuy nhiên, việc phát triển một số loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Du khách trải nghiệm hái rau rừng tại La’s Farmstay

Chưa được đầu tư đúng mức

Chị Nguyễn Thanh Tuyền (thành phố Tây Ninh)- một du khách nhận xét: “Mình có cơ hội trải nghiệm du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo mình, các tiện ích, hạ tầng và dịch vụ du lịch tại các cơ sở còn hạn chế; các cơ sở cần đầu tư thêm sản phẩm du lịch, trò chơi giải trí sinh thái... để du khách trẻ, gia đình trải nghiệm”.

Theo UBND thành phố Tây Ninh, du lịch của Thành phố chủ yếu khai thác từ Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; các sản phẩm du lịch như ẩm thực, trải nghiệm, sinh thái, về nguồn... còn phát triển theo mô hình tự phát, chưa thật sự thu hút, giữ chân khách du lịch lưu trú tại địa phương. Vì thế, giá trị thu được từ dịch vụ du lịch đêm và du lịch cộng đồng không cao.

Cụ thể hơn, sản phẩm du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí của Thành phố còn hạn chế, quy mô nhỏ, chỉ tập trung vào các hoạt động ẩm thực, cà phê, karaoke, hoạt động các câu lạc bộ đờn ca tài tử, thể thao và chăm sóc sức khoẻ nhưng hoạt động không quá 23 giờ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Thành phố đôi lúc còn hạn chế.

Công tác định hướng quy hoạch các khu kinh tế đêm, điểm du lịch về đêm trên toàn tỉnh chưa có, nên ít nhiều gặp khó khăn trong xác định các địa điểm, khu vực ranh giới du lịch về đêm để thực hiện. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch chung, quy hoạch các phân khu của Thành phố đang được điều chỉnh, cập nhật để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển một số loại hình du lịch thu hút khách: homestay, du lịch sinh thái, kinh tế đêm, du lịch đêm… Ngoài ra, thành phố còn thiếu các điểm tham quan mang tính nổi trội, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, các điểm biểu diễn nghệ thuật, các sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm nên chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa thực sự tạo ấn tượng đối với du khách.

Ông La Quốc Phong- chủ La’s Farmstay (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) cho biết: “Tây Ninh có tiềm năng làm du lịch nông thôn nhưng thực hiện vất vả hơn những nơi khác vì không nằm trong ưu tiên cung đường du lịch khách nội địa. Thường du khách không nghĩ đến loại hình du lịch trải nghiệm mà chủ yếu nghĩ đến núi, chùa, hồ; việc thu hút khách lưu trú qua đêm còn hạn chế”.

Theo ông Phong, Tây Ninh muốn làm du lịch cộng đồng theo mô hình nông trại để trải nghiệm thực tế không khó nhưng không phải ai làm cũng được. “Nếu làm theo kiểu tự phát dễ bị đánh giá xấu và khách sẽ không quay lại lần hai. Trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư không còn quỹ đất để làm hoặc chưa hiểu đúng mô hình du lịch nông thôn farmstay. Lấy ví dụ, du lịch nông thôn farmstay nhưng đến nơi không thấy farm, cũng không thấy trải nghiệm ở đâu. Vấn đề quan trọng nhất của làm du lịch là phải có kiến thức, sự tử tế và có nguồn vốn đầu tư trường kỳ thì tương lai sẽ thành công, còn ngược lại chỉ làm theo thị hiếu và chạy theo lợi nhuận ban đầu, cuối cùng chỉ là một... nồi lẩu thập cẩm. Một hạn chế khác là khách du lịch rất ít người hiểu được du lịch trải nghiệm là gì, nhất là khách địa phương”- ông Phong nói.

La’s Farmstay đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng của dịch Covid-19 và có quỹ đất đủ để phát triển theo mô hình farmstay. Trong đó, vẫn hướng đến hoạt động trải nghiệm cuộc sống nhà nông, những giá trị về thiên nhiên đồng quê. Ông Phong chia sẻ: “Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà tre, nhà gỗ để khai thác hết tiềm năng đang có và cũng rất mong nhận được sự quan tâm, thấu cảm từ phía chính quyền địa phương đến cấp tỉnh. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tự làm, tự chịu và cũng gặp nhiều khó khăn như không có xe thu gom rác thải, đường điện không đủ công suất...”.

Theo UBND thị xã Trảng Bàng, địa phương có những thuận lợi trong phát triển du lịch như nguồn tài nguyên, sản phẩm truyền thống đặc trưng, nhân lực dồi dào nhưng có một số khó khăn là chưa xây dựng điểm tham quan làng nghề làm bánh tráng phơi sương để phục vụ du khách; việc hướng dẫn khách trải nghiệm nghề truyền thống chỉ tại nhà riêng người làm nghề này. Phần lớn nghệ nhân đã lớn tuổi, chỉ còn 9 nghệ nhân, tập trung chủ yếu ở khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng. Sản phẩm du lịch nông trại có La’s Farmstay tại xã Hưng Thuận phục vụ du khách trải nghiệm làm vườn, tuy nhiên, quy mô còn nhỏ và đơn vị vẫn đang từng bước hoàn thiện. Một số nguyên nhân dẫn đến các khó khăn trên là các chủ đầu tư còn gặp vướng mắc trong thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đai, hay vốn đầu tư của doanh nghiệp còn hạn chế.

Du khách trải nghiệm nướng bánh tráng ở La’s Farmstay

Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực

Giai đoạn 2016-2020, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH. Sự phát triển của ngành du lịch đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị.   

Tỉnh xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển KT-XH, do đó, tập trung nhiều giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chọn Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, tạo động lực lan toả cho du lịch của tỉnh. Tỉnh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup, Sungroup... đầu tư một số dự án lớn như: khu hỗn hợp trung tâm thương mại, shophouse, khách sạn 5 sao Vincom Plaza; hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ... Các sản phẩm, dịch vụ du lịch được cải thiện về số lượng và chất lượng; khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều, doanh thu du lịch đạt 4.320 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, du lịch Tây Ninh phải đối mặt với sự cạnh tranh thị trường khách du lịch với các tỉnh lân cận và thời gian di chuyển giữa Tây Ninh với trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước là TP. Hồ Chí Minh còn dài, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư cho các dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh thiếu những điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan, vui chơi và lưu trú; không có những loại hình vui chơi giải trí về đêm; hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, hệ thống các dịch vụ bổ trợ, các cơ sở vui chơi giải trí còn thiếu. Những cơ sở hiện có chưa đạt chuẩn và còn ở quy mô nhỏ, khả năng phục vụ đáp ứng nhu cầu du khách số lượng lớn trong các dịp lễ hội, sự kiện còn hạn chế.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ Campuchia mặc dù có lợi thế về đường biên giới và khách du lịch qua lại các cửa khẩu quốc tế của Tây Ninh. Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành số lượng còn ít, quy mô nhỏ, giai đoạn này chưa hình thành được doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch của tỉnh còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm nổi trội để có sức hấp dẫn khách du lịch, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu khách quốc tế.

UBND tỉnh đánh giá, xuất phát điểm du lịch Tây Ninh thấp; theo truyền thống, khách du lịch đến Tây Ninh chủ yếu để du lịch về tâm linh, lễ hội. Bên cạnh đó, năng lực về vốn của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, dẫn đến đầu tư nhỏ, manh mún, ít hiệu quả; chưa có truyền thống làm du lịch; doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong đầu tư hoạt động farmstay do vướng mắc về thủ tục; chưa phát triển được du lịch đường sông… Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; làm cho mọi người nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, xã hội hoá cao; góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá, phong tục tập quán và phát huy truyền thống cách mạng.

 NHI TRẦN - TRÚC LY

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục