BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh tập trung nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp

Bài 2: Cần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp 

Cập nhật ngày: 23/09/2020 - 00:30

BTN - Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch của tỉnh nhằm đưa ra khỏi quy hoạch các dự án không khả thi để người dân yên tâm định cư, sản xuất; quy hoạch lại chức năng khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất. Vị trí quy hoạch mới có tính khả thi cao hơn, dễ mời gọi đầu tư hạ tầng thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

Khu Công nghiệp Trảng Bàng nhìn từ trên cao. Ảnh: Hiểu sinh

Tỉnh Tây Ninh hiện có 7 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22.12.2014 với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.969 ha.

Thời gian qua, việc hình thành và phát triển các KCN của tỉnh Tây Ninh đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; mở rộng nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà; tạo ra hệ thống hạ tầng mới trong và ngoài KCN; tác động tích cực đến việc hình thành đô thị mới và dịch vụ tại địa phương như tài chính, ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ăn uống... tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, nâng cao dân trí.

Các KCN cũng đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá tỉnh nhà, là nhân tố quan trọng góp phần tăng mạnh giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ðể chuẩn bị, bảo đảm mọi điều kiện nhằm kịp thời thu hút hiệu quả xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời hậu dịch Covid-19, Tây Ninh đã nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ðây là sự cần thiết và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả trong quản lý và hoạt động, đúng theo chỉ đạo của Trung ương, cụ thể là của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14.7.2020, Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Nghị quyết số 115/NÐ-CP ngày 6.8.2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ðồng thời, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Do đó, mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau:

Ðưa KCN Thanh Ðiền, có diện tích 166 ha, ra khỏi quy hoạch phát triển KCN. Nguyên do trước đây khu đất này được quy hoạch là CCN, sau đó được chuyển thành quy hoạch KCN từ năm 2010. Qua hơn 15 năm quy hoạch, hiện nay, dân cư sinh sống tập trung trong khu vực này quá đông nên rất khó khăn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, tính khả thi của dự án không cao, không mời gọi được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng trong suốt một thời gian dài. Nhiều năm liền, người dân sinh sống tại khu vực này phản ánh việc “quy hoạch treo” đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

UBND tỉnh cũng đề xuất giảm diện tích đất quy hoạch KCN Chà Là từ 200 ha xuống còn 42 ha. Ðến thời điểm hiện tại, KCN Chà Là có quy hoạch được duyệt là 200 ha, đã thực hiện giai đoạn 1 là 42 ha. Phần diện tích đất còn lại 158 ha thuộc giai đoạn 2 khó triển khai thực hiện do khu vực có nhiều kênh tưới bao quanh, kết nối giao thông không thuận lợi. Mặt khác, hình dạng của khu đất dài, hẹp, rất khó đầu tư hạ tầng và xây dựng nhà xưởng có quy mô lớn dẫn đến khả năng thu hút đầu tư rất thấp.

Ðáng chú ý là việc mở rộng KCN này sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông đoạn tiếp giáp với đường 784- một trong những trục lộ chính của tỉnh kết nối đến Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen, nên UBND tỉnh đã có chủ trương thống nhất không thực hiện giai đoạn 2.

Tỉnh cũng đề xuất thay đổi vị trí quy hoạch KCN Hiệp Thạnh từ ấp Chánh sang ấp Ðá Hàng và ấp Giữa (trong cùng 1 xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu), đồng thời tăng diện tích từ 250 ha lên 574 ha (chuyển chỉ tiêu đất KCN Thanh Ðiền 166 ha và KCN Chà Là giai đoạn 2 là 158 ha nhập vào KCN Hiệp Thạnh).

Việc thay đổi vị trí quy hoạch và điều chỉnh tăng diện tích do vị trí cũ được quy hoạch cách đây hơn 10 năm, mặt trước giáp quốc lộ, mặt sau giáp sông Vàm Cỏ Ðông. Trước đây, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 2 lần cho 2 nhà đầu tư tại hai thời điểm khác nhau để đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN này, nhưng dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện vì cao độ khu đất rất thấp so với mặt đường, chi phí san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng cao, dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án thấp.

Do đó, 2 nhà đầu tư trước đây đã quyết định ngừng triển khai thực hiện dự án và UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư. Theo các cơ quan chuyên môn, hiện tại, nếu tiếp tục giữ quy hoạch vị trí này sẽ khó mời gọi chủ đầu tư xây dựng hạ tầng.

Theo các cơ quan chuyên môn, một khi thực hiện dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu này làm ảnh hưởng đến 245 hộ dân có đất. Do đó, thời gian giao đất sạch cho nhà đầu tư có thể kéo dài, đánh mất cơ hội đón tiếp các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Mặt khác, vị trí quy hoạch KCN này không thuận lợi về giao thông. Trong khi đó, vị trí quy hoạch mới có nhiều thuận lợi hơn so với vị trí trước đây để phát triển KCN, cụ thể như: đây là đất trồng cây cao su, có cao độ cao, không tốn chi phí san lấp mặt bằng, địa chất tốt, có thể giảm chi phí xây dựng công trình nên dễ thu hút các dự án đầu tư.

Việc thu hồi đất, thanh lý cây, giải phóng mặt bằng có thể được thực hiện nhanh chóng do chỉ phải thu hồi đất của một tổ chức duy nhất là Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh. Bên cạnh đó, vị trí dự kiến quy hoạch thuận lợi về giao thông hơn vị trí cũ. Ðến nay, UBND tỉnh đã có thoả thuận với Tập đoàn Cao su về vị trí mới và diện tích quy hoạch KCN.

Cổng ra vào KCN Chà Là.

UBND tỉnh khẳng định việc dịch chuyển vị trí, dồn chỉ tiêu quy hoạch đất công nghiệp ở đây sẽ có tác động nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế, quản lý tốt hơn công tác bảo vệ môi trường. Ðồng thời, việc điều chỉnh vị trí và tăng diện tích KCN Hiệp Thạnh từ 250 ha lên 574 ha không làm tăng tổng diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh Tây Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng đủ điều kiện quy định.

Theo ông Hà Văn Cung- Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Tây Ninh, mới đây, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư có văn bản cho biết đã nhận được tờ trình của UBND tỉnh Tây Ninh về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành có liên quan lấy ý kiến về các nội dung đề xuất của tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Bảo Tâm

Tin liên quan