Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
NGHỊCH LÝ KHOÁNG SẢN
Bài 2: Cần quy hoạch mỏ khoáng sản
Thứ tư: 00:42 ngày 31/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, có thời điểm giá xăng dầu tăng, mỏ đá vẫn cố gắng duy trì việc cung cấp đá xây dựng cho các nhà thầu, thậm chí còn hỗ trợ chi phí vận chuyển cho đối tác để chia sẻ khó khăn.

Mỏ đá Lộc Trung (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) hiện nay mỗi ngày cung cấp sản lượng khoảng 1.000m3 đá xây dựng cho thị trường nhưng nhu cầu thực tế lại cao hơn.

Trong tỉnh hiện nay chỉ còn duy nhất một mỏ đá xây dựng là mỏ Lộc Trung, huyện Dương Minh Châu. Theo đại diện mỏ đá Lộc Trung, mỗi tháng, mỏ đá này cung cấp ra thị trường khoảng 30 ngàn mét khối đá xây dựng các loại, đến năm 2024, giấy phép hết hạn. Thời gian qua, có thời điểm giá xăng dầu tăng, mỏ đá vẫn cố gắng duy trì việc cung cấp đá xây dựng cho các nhà thầu, thậm chí còn hỗ trợ chi phí vận chuyển cho đối tác để chia sẻ khó khăn.

Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư ngành giao thông tỉnh, tính ra mỗi ngày, mỏ đá Lộc Trung cung cấp ra thị trường khoảng 1.000m3 đá, không đáp ứng được nhu cầu về đá xây dựng phục vụ cho các công trình xây dựng cơ bản trong tỉnh. Chỉ tính riêng công trình đường 787, đến giai đoạn thảm đá, mỗi ngày cần đến 500m3.

Một chủ hầm đất ở huyện Bến Cầu cho biết, diện tích khai thác không nhiều, sản lượng ít. Do đó, doanh nghiệp ít bán ra thị trường, khối lượng đất chủ yếu phục vụ cho các công trình giao thông nông thôn.

Tương tự, phần lớn các chủ mỏ khai thác đất tại huyện Châu Thành đều có chức năng thi công các công trình và tham gia dự thầu nhiều công trình giao thông, trụ sở… nên sản lượng khai thác dành phục vụ cho những công trình do doanh nghiệp được chọn thầu. Còn doanh nghiệp khác chỉ bán một phần đất san lấp mặt bằng công trình dân dụng, còn lại là đất sét phục vụ cho việc sản xuất gạch nung của doanh nghiệp.

Theo tính toán của một nhà thầu, nếu công trình ở thị xã Trảng Bàng hay huyện Dương Minh Châu, cự ly vận chuyển trung bình từ mỏ đất đến công trình khoảng 50km. Với giá dầu hiện nay, mỗi mét khối sỏi phún tăng lên khoảng 2.000 đồng/km, chi phí vận chuyển tăng cao, khiến nhà thầu hụt hơi. Còn đá và sỏi phún, nếu mua ở tỉnh lân cận (đúng loại đá đạt tiêu chuẩn phục vụ thi công công trình) về đến công trình giá cũng không hề thấp.

Chủ đầu tư, chính quyền địa phương luôn nỗ lực cùng với nhà thầu tìm nguồn vật liệu để thuận tiện cho công trình nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào. Trước những bất cập trên, mới đây, trong Thông báo số 6167/TB-VP ngày 23.8 của Văn phòng UBND tỉnh thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tại hội nghị giao ban xây dựng cơ bản tháng 7.2022.

Để chủ động nguồn đá, nhiều nhà thầu đã mua đá đạt tiêu chuẩn từ một số tỉnh lân cận đưa về Tây Ninh bằng đường thủy để phục vụ thi công công trình. Ảnh minh họa

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì mời các ngành: Sở Xây dựng, Sở Công Thương, các chủ đầu tư của các dự án có nhu cầu sử dụng khoáng sản thành lập đoàn kiểm tra về việc khai thác các mỏ khoáng sản (đất, cát, đá, sỏi…) phục vụ cho các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh (về số lượng mỏ khai được cấp phép, số lượng mỏ đóng cửa; việc khai thác từ đầu năm đến nay; hiện trạng khai thác, làm rõ sản lượng khai thác, vấn đề giá cả).

Về cơ chế quản lý, khai thác khoáng sản để phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh chuẩn bị triển khai trong thời gian tới: giao Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng đề án cung cấp cân đối cung cầu vật liệu xây dựng cung ứng cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; chậm nhất trong tháng 9.2022 báo cáo UBND tỉnh.

T.P

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục