Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bản sắc Tây Ninh dưới lăng kính của các nhà nghiên cứu văn hoá
Bài 2: Chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh
Thứ ba: 22:40 ngày 03/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, cần phải xây dựng gấp một chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh phù hợp trên nền tảng một tầm nhìn hệ thống - tổng thể cho phép giải quyết hai nghịch lý cơ bản nêu trên. Các quy hoạch, đề án phát triển du lịch Tây Ninh hiện có đều chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

NÂNG TẦM VÓC ĐỊA CHỈ DU LỊCH LỊCH SỬ

“Chúng tôi cho rằng chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh trên nền tảng một tầm nhìn hệ thống - tổng thể cho phép giải quyết hai nghịch lý cơ bản nêu trên chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở một triết lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Tây Ninh. Triết lý đó không gì khác hơn là từ nhận diện bản sắc đến tích hợp nguồn lực đa dạng để tăng tốc phát triển du lịch. Triết lý này gồm ba phần, cũng là ba bước”- GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nêu.

Bước một, nhận diện bản sắc, là sự đa dạng phong phú về nguồn lực, tới mức có thể xem Tây Ninh là một Nam bộ thu nhỏ (đã phân tích ở bài một).

Bước hai, tích hợp nguồn lực đa dạng, đây là bước trung tâm, quan trọng nhất. Để tránh phân tán, nguồn lực đa dạng này cần được phân loại, chọn lọc để giữ lại những giá trị đặc thù mang tính đại diện cao không chỉ cho Tây Ninh mà còn cho Nam bộ, thậm chí là cả nước. Tính đại diện cao này làm nên giá trị gia tăng, làm tăng sức hút, sức quyến rũ cho các sản phẩm du lịch. Những giá trị ít đặc thù hơn không bị loại bỏ mà sẽ được tích hợp theo nhiều cách để đưa vào những giá trị đại diện hoặc sẽ được phát huy như những giá trị vòng ngoài. Những giá trị mang tính đại diện này là cơ sở để hình thành các dự án xây dựng chuỗi giá trị đặc thù.

Bước ba, tăng tốc phát triển du lịch: Tây Ninh đang ở vào thời điểm vàng, khi hệ thống cáp treo và những công trình trên đỉnh núi Bà Đen đang đưa Tây Ninh vào tâm điểm sự chú ý của cả nước. Khu du lịch núi Bà Đen cũng cần có dự án hoàn thiện để khắc phục nghịch lý 1 đã nói ở trên. Dự án hoàn thiện khu du lịch núi Bà cùng các dự án xây dựng chuỗi giá trị đặc thù nêu trên hỗ trợ cho nhau, liên kết với nhau tạo thành một chuỗi sản phẩm trong một tour du lịch 2 ngày sẽ buộc du khách phải cân nhắc về quyết định lưu trú, khiến Tây Ninh trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà với cả du khách quốc tế, không chỉ với du khách bình dân mà với cả du khách mọi đẳng cấp, giúp khắc phục nghịch lý 2 (bài một).

Về giải pháp tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đề xuất xây dựng Khu du lịch “Thủ đô Cách mạng miền Nam”. Đây là một di tích lịch sử - văn hoá đáp ứng tiêu chí mang tính đại diện cao, không chỉ cho Tây Ninh, Nam bộ, mà cho cả nước. Tuy nhiên, số lượt du khách đến thăm tất cả các di tích lịch sử cách mạng miền Nam trong các năm 2013-2018 chỉ chiếm có 2% là không tương xứng.

“Việc đầu tiên cần làm đối với một điểm đến du lịch là xây dựng thương hiệu. Thương hiệu điểm đến du lịch là nét khác biệt đặc thù mang tính cạnh tranh cao, cho phép nhận diện điểm đến và lưu dấu ấn trong cảm nhận của du khách. Tên gọi “Căn cứ Trung ương Cục miền Nam” là tên gọi chính xác, nhưng không đáp ứng được những yêu cầu của một thương hiệu điểm đến du lịch. Tên gọi “Thủ đô Cách mạng miền Nam” mà chúng tôi đề xuất ở đây là một tên gọi trong khi vừa phản ánh thực tế một cách rất đầy đủ thì lại cho phép đáp ứng tốt hơn yêu cầu này” - GS.TSKH Trần Ngọcc Thêm nêu ý tưởng.

Việc thứ hai cần làm là xây dựng quy hoạch điểm đến du lịch. Hiện trạng của khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam hết sức đơn điệu, không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của một khu du lịch lịch sử - văn hoá cũng như những nhu cầu tối thiểu của du khách. Quy hoạch của khu du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam, theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nên có ít nhất là bốn phân khu.

Phân khu một, là phân khu di tích nơi ở và làm việc của các nhà lãnh đạo cách mạng, hiện đã có nhưng cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện. Phân khu hai, xây dựng Bảo tàng Thủ đô Cách mạng. Phòng trưng bày của khu du lịch Căn cứ Trung ương Cục miền Nam hiện nay rất đơn điệu, nghèo nàn. Bảo tàng Thủ đô Cách mạng miền Nam phải có quy mô lớn.

Đặc điểm chung của thủ đô cách mạng là yêu cầu bí mật, đòi hỏi tính lưu động, hạn chế gắn chặt lâu với một địa điểm cụ thể, bảo tàng cần chỉ ra được những ưu thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc biệt của vùng Bắc Tây Ninh khiến nơi đây trở thành địa điểm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (1960); Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam (1968), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (1969), là nơi đóng đại bản doanh lâu nhất của Trung ương Cục miền Nam.

Nội dung của Bảo tàng Thủ đô Cách mạng phải bao quát được toàn bộ lịch sử của cách mạng miền Nam nói riêng và Việt Nam hiện đại nói chung; được trình bày một cách khoa học, hiện đại, thông minh, đầy sức thuyết phục với chiều sâu văn hoá. Như một phụ lục so sánh, bảo tàng còn phải nghiên cứu giới thiệu về thủ đô cách mạng của các nước bạn.

Bảo tàng Thủ đô Cách mạng có thể có một bảo tàng con là Bảo tàng địa đạo, quy tụ giới thiệu lịch sử của tất cả các địa đạo Việt Nam, như địa đạo An Thới - Trảng Bàng (Tây Ninh; địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh); địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát (Bình Dương); địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) và các địa đạo khác trên thế giới.

Song song với phân khu di tích và phân khu bảo tàng, khu du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam cần có phân khu vui chơi - giải trí và phân khu ẩm thực - mua sắm với những hình thức thông minh, phù hợp nội dung, hàng hoá đa dạng, phong phú (các kỷ vật chiến tranh của cả hai phía như quân trang, quân dụng Mỹ; dép cao su, mũ tai bèo, các kỷ vật làm từ nhôm xác máy bay, vỏ đạn…; các tài liệu sách vở bằng hai hoặc nhiều thứ tiếng về chiến tranh Việt Nam, văn hoá Việt Nam.

Cần mở rộng gấp đôi đoạn đường qua rừng vào Căn cứ Trung ương Cục để hai xe có thể tránh nhau; phát quang bớt cây rừng, tránh cây đổ gây cản trở giao thông vào mùa mưa.

Thực hiện được dự án với hệ thống bốn phân khu này, Tây Ninh có thể giữ chân du khách trong thời gian từ một buổi đến một ngày. Đến Tây Ninh trong thời gian từ một buổi đến một ngày, du khách quốc tế và các thế hệ người Việt Nam có thể thu hoạch được một khối lượng tri thức khổng lồ về bức tranh cách mạng thế giới trong thời gian và không gian, tìm được lời đáp cho tất cả các câu hỏi liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, vì sao Mỹ và các nước đồng minh đã thua cuộc - lời đáp này nằm trong tầng sâu của văn hoá Việt Nam.

Khu du lịch “Thủ đô Cách mạng miền Nam” sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu của du khách trong việc nghỉ ngơi - giải trí - tiêu tiền và mang theo trong hành trang trở về quê hương những kỷ vật, đồ lưu niệm độc đáo. Với dự án này, Tây Ninh sẽ có đóng góp quan trọng cho đất nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản lịch sử - văn hoá vô giá, giúp làm sống mãi ký ức về một cuộc chiến tranh huyền thoại.

DU LỊCH TÍN NGƯỠNG

Tiếp theo, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đề nghị xây dựng phức hệ du lịch Toà thánh Cao Đài - Bảo tàng tôn giáo Nam bộ.

GS Trần Ngọc Thêm chỉ ra, một điểm đến rất nổi tiếng khác của Tây Ninh là Toà thánh Cao Đài với hai ngày lễ lớn trong năm (vía Đức Chí Tôn 8.1 âm lịch và Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung 15.8 âm lịch). Đến đây, ngoài các tín đồ, có một lượng khá lớn người Việt Nam và người nước ngoài quan tâm đến tôn giáo này. Tuy nhiên, lượng du khách trong các năm 2013-2018 cũng chỉ đạt 1,3%. Những gì họ thu được ở đây (ngoài việc tham dự và quan sát) là rất ít ỏi và hầu như không có việc gì để họ tiêu tiền.

Để thay đổi tình trạng này, cần có một cái nhìn mang tính cách mạng về văn hoá du lịch- đó là xuất phát từ nhận thức mới về bản sắc văn hoá Tây Ninh mà đặt Toà thánh Cao Đài trong bối cảnh của bức tranh tôn giáo Nam bộ. Chúng ta đều biết đất Nam bộ là nơi khai sinh rất nhiều tôn giáo nội sinh như đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Dừa, đạo Ông Trần.

Trong đó, đạo Cao Đài với tính dung hợp cao (dung hợp ngũ chi đại đạo) có thể xem là đại diện khá tiêu biểu cho bức tranh tôn giáo Nam bộ. Hiện nay, ngoài Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, du khách chỉ có thể tìm đến làng Hoà Hảo ở An Giang để tìm hiểu đạo Hoà Hảo, đến cồn Phụng ở Bến Tre để tìm hiểu về đạo Dừa, đến Vũng Tàu để tìm hiểu đạo Ông Trần.

Nếu như bây giờ các du khách đến Toà thánh Cao Đài có thể đồng thời tìm hiểu về tất cả các tôn giáo nội sinh của Nam bộ qua một Bảo tàng tôn giáo Nam bộ được thiết kế hiện đại, trình bày sinh động hấp dẫn, nội dung phong phú, xây dựng ở gần đó tạo thành một phức hệ du lịch Toà thánh Cao Đài - Bảo tàng tôn giáo Nam bộ thì giá trị của điểm đến này nói riêng và du lịch Tây Ninh nói chung sẽ được nâng cao thêm rất nhiều.

“Khu du lịch núi Bà Đen luôn là tâm điểm của du lịch Tây Ninh. Trong các năm 2013-2018, lượng du khách đến núi Bà Đen đã luôn đạt gần 91%. Gần đây, việc đưa hệ thống cáp treo và tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn (do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng) đi vào hoạt động, Khu du lịch núi Bà Đen đang là một điểm đến rất thành công về mặt du lịch”.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

Việt Đông - Đức An

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục