Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch
Bài 2: Chú trọng công tác trùng tu, bảo tồn các di tích
Thứ tư: 09:03 ngày 28/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại Tây Ninh, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp quan tâm thực hiện. Các di tích lịch sử - văn hoá, danh thắng không những góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn trở thành những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.

Còn đó những khó khăn

Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tây Ninh là địa phương nằm trong vùng khí hậu nóng, các di tích rất dễ xuống cấp. Di tích xuống cấp đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực để tu bổ, tôn tạo- nhất là với di tích xuống cấp nghiêm trọng, nhưng nguồn kinh phí từ ngân sách còn nhiều khó khăn. Mặt khác, việc thực hiện chủ trương xã hội hoá trong tu bổ, tôn tạo di tích không phải lúc nào cũng dễ dàng nên việc chọn lựa thứ tự ưu tiên tu bổ, tuyên truyền, vận động xã hội hoá là hết sức cần thiết.

Di tích lịch sử - văn hoá đình Thái Bình đang trong giai đoạn khảo sát, làm quy trình trùng tu, tôn tạo.

Hiện nay, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn còn chậm do nhiều nguyên nhân: từ khi Đề án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 được ban hành, UBND huyện, thị, thành phố chưa chủ động phân khai nguồn kinh phí hằng năm để thực hiện; do trượt giá thị trường nên khó khăn trong triển khai thực hiện các hạng mục; một số nội dung chưa được quy định rõ ràng trong Luật Di sản và các văn bản, thông tư dưới luật.

Chẳng hạn, đối với di tích được duyệt theo Quyết định số 480 phê duyệt Đề án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 thuộc sở hữu của tư nhân nhà nước quản lý, hiện nay chưa có cơ chế phân khai nguồn kinh phí theo tỷ lệ cụ thể giữa Nhà nước và tư nhân khi triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo.

Sửa chữa phần mái che nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên với nguồn vốn xã hội hoá.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá đã tạo được bước chuyển đáng kể và mang lại nhiều kết quả tích cực, song, do đây là nhiệm vụ vừa khó khăn, phức tạp vừa cần nguồn lực lớn cả về kinh phí và nhân lực nên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi có những hạn chế, bất cập phát sinh.

Trên địa bàn thành phố Tây Ninh hiện có 13 di tích lịch sử - văn hoá được xác lập hồ sơ và xếp hạng, gồm 2 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh hầu hết các di tích đã được quan tâm, trùng tu kịp thời, hiện vẫn còn một vài di tích bị xuống cấp, cần được sửa chữa như: di tích lịch sử - văn hoá đình Thái Bình (phường 1, thành phố Tây Ninh), di tích lịch sử - văn hoá đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (phường 3, thành phố Tây Ninh)…

Được biết, các di tích kể trên đang trong giai đoạn khảo sát, làm quy trình, chuẩn bị sửa chữa.

Nhiều di tích được “khoác áo mới”

Ông Nguyễn Anh Kiệt- cháu đời thứ năm của chủ nhân nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên chia sẻ, vừa qua, di tích nhà cổ Đốc phủ sứ được trùng tu, sửa chữa các hạng mục như gia cố hệ tường, móng, khoan phun thuốc chống mối và thay lại toàn bộ mái hiên trước nhà với chi phí từ nguồn xã hội hoá. Gia đình rất vui mừng vì được sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, hiện nay, gian nhà chính của di tích đang có hiện tượng xuống cấp, dù gia đình rất cố gắng giữ gìn bảo quản, xử lý mối mọt nhưng không chống lại được sự bào mòn của thời gian. Thời gian tới, ông Kiệt rất mong các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo các địa điểm di tích lịch sử thuộc sở hữu tư nhân.

Trên địa bàn huyện Tân Biên có 4 di tích được UBND huyện quản lý, trong đó có 1 di tích quốc gia là tháp cổ Chót Mạt (xã Tân Phong); 3 di tích cấp tỉnh là lăng mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản (xã Trà Vong); đền thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản (xã Mỏ Công); khu chứng tích tội ác quân Khmer đỏ (Pol Pot - Ieng Sary, thuộc xã Tân Lập). Các di tích trên đều được quan tâm, trùng tu.

Lễ giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 được tổ chức trang trọng tại Di tích lịch sử - văn hoá đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (phường 3, thành phố Tây Ninh).

 Di tích tháp cổ Chót Mạt vừa được tu bổ, tôn tạo vào tháng 5.2023, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch). Bà Nguyễn Kim Anh- người trông coi di tích tháp cổ Chót Mạt vui mừng cho hay: “Vừa qua, Di tích tháp cổ Chót Mạt được tu bổ, tôn tạo một số hạng mục như nhà che, nhà vệ sinh, mương thoát nước, cổng - hàng rào… Đường vào di tích cũng được nâng cấp, tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân và du khách đến viếng”.

Tương tự, di tích lăng mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản được trùng tu, tôn tạo, che chắn bởi căn nhà mái tôn, cột sắt vững chắc. Trước mộ có sân lát gạch bông rộng rãi, sạch sẽ. Bên ngôi mộ vẫn còn cây trâm cổ thụ, ước tính đã hàng trăm năm tuổi, cổng rào được sơn sửa kiên cố.

Một người trông coi di tích chia sẻ: “Mỗi ngày di tích đón tiếp khoảng 30-40 du khách, chủ yếu là người dân địa phương đến cúng kiếng, thắp nhang. Nơi đây là một trong những địa điểm du lịch tâm linh được nhiều người quan tâm, do đó, việc trùng tu, tôn tạo di tích là rất cần thiết. Chúng tôi cảm thấy rất vui khi di tích luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp, ngành”.

Hoàng Yến- Nhi Trần

(còn tiếp)

Trải qua hàng trăm năm xây dựng và tồn tại, nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật trên khắp cả nước nói chung và tại Tây Ninh nói riêng bị xuống cấp, hư hỏng nặng, cần được tu bổ, sửa chữa. Việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục