BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Tây Ninh: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Bài 2: Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu 

Cập nhật ngày: 04/09/2024 - 22:59

BTNO - Sau khi tìm hiểu thực tế về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế hiện nay ở một số xã, phường của huyện Tân Châu, TP. Tây Ninh và Sở Y tế, đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn hiện nay.

ThS. BS CKII. Đỗ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế trình bày tham luận tại hội thảo.

Chủ trương lớn

Tại hội thảo, ThS.BS CKII Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế trình bày tham luận “Thực trạng chuyển đổi số về y tế của Tây Ninh”. Phó Giám đốc Sở Y tế xác định, đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng, hiệu quả, công bằng cho cả người bệnh và nhân viên y tế, cùng với cả nước những năm qua, ngành Y tế Tây Ninh đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng lộ trình triển khai đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bác sĩ Đỗ Hồng Sơn cũng cho biết, quá trình thực hiện công tác gặp nhiều khó khăn, thách thức. Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hiện nay, các máy tính trang bị tại các đơn vị cấu hình khá cũ, tốc độ xử lý tương đối chậm, việc sửa chữa khi hư hỏng cũng gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng tốt cho việc ứng dụng công nghệ thông tin; nhất là các hệ thống, ứng dụng, sử dụng các công nghệ phần mềm mới đòi hỏi các thiết bị máy tính phải có hiệu năng cao mới hoạt động ổn định, thông suốt và mang lại hiệu quả cao.

Các bệnh viện và trung tâm y tế cũng không được trang bị phòng máy chủ và các thiết bị máy chủ chuyên dụng, các hệ thống phần mềm (như phần mềm Quản lý khám chữa bệnh, Quản lý xét nghiệm…) được cài đặt, lưu trữ trên hạ tầng tập trung hoặc hạ tầng cloud của đơn vị cung cấp phần mềm.

Chuyển đổi số lĩnh vực y tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân (ảnh minh hoạ)

Hầu hết các cơ sở y tế đều chưa được trang bị thiết bị tường lửa hoặc có trang bị nhưng không đáp ứng được công suất vận hành của đơn vị. Hệ thống lấy số xếp hàng tại các bệnh viện và trung tâm y tế chỉ cho phép lấy số thứ tự tự động, chưa đáp ứng tối thiểu việc liên thông tích hợp vào phần mềm quản lý bệnh viện (HIS).

Bảng thông báo điện tử được trang bị đầy đủ, nhưng nội dung thông báo chưa được cập nhật định kỳ một cách tự động hoặc cho phép cập nhật từ phần mềm quản trị của đơn vị. Đến nay, ngành Y tế Tây Ninh chưa trang bị kiosk thông tin cho phép bệnh nhân và người nhà tra cứu thông tin về bệnh viện, thông tin khám bệnh, chữa bệnh, tra cứu các dịch vụ kỹ thuật, thuốc - vật tư, tra cứu lịch sử của các lần khám trước.

Về hạ tầng mạng, hệ thống mạng LAN hiện có của các đơn vị cũng không được thiết kế chặt chẽ về mặt phân vùng, dự phòng cũng như các công tác bảo đảm an toàn thông tin. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng cũng như khó khăn trong việc cô lập, khắc phục khi có sự cố phát sinh, đôi khi gây ra sự gián đoạn diện rộng, làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của cơ sở và quá trình khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Tốc độ đường truyền vẫn còn vài chỗ chỉ đạt tốc độ 100Mbps, đôi khi xảy ra tình trạng quá tải tại các giờ cao điểm, chưa đáp ứng tối đa cho việc vận hành, khai thác các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hoặc liên thông, chia sẻ dữ liệu tại đơn vị.

Hệ thống wifi cũng chưa được phủ khắp các toà nhà phục vụ cho xu hướng sử dụng, khai thác dịch vụ công nghệ thông tin CNTT mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị di động. Các hệ thống phần mềm, ứng dụng CNTT, nhìn chung đều chưa đạt chuẩn triển khai bệnh án điện tử theo Thông tư 54.

Hiện nay, mức độ đáp ứng về an toàn thông tin theo Thông tư 54 của Bộ Y tế tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt mức Nâng cao theo yêu cầu. Phần lớn các máy tính đang sử dụng không được trang bị phần mềm diệt virus chính hãng, hoặc có trang bị từ lâu nhưng nay đã hết hạn. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng chưa được trang bị và tích hợp chữ ký số đến từng bác sĩ trong công tác ký các toa thuốc điện tử, hồ sơ bệnh án và các chỉ định y khoa. Các tiêu chí về an toàn thông tin cho hạ tầng máy chủ, mức độ hỗ trợ từ nhà sản xuất cho các giấy phép của các phần mềm trang bị trên máy chủ cũng không được đáp ứng đầy đủ.

Máy MRI của Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu bị hư hỏng gần một năm nay, chưa có kinh phí sửa chữa (ảnh minh hoạ)

Sự “chuyển mình” lâu dài

Theo ThS. BS CKII. Đỗ Hồng Sơn, chuyển đổi số y tế đòi hỏi một quá trình mang tính toàn diện và liên tục, cần sự phối kết hợp chặt chẽ từ nhiều chủ thể như cơ quan quản lý Nhà nước, bệnh viện, phòng khám, các doanh nghiệp công nghệ và cả người dân. Cụ thể như, cơ sở pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số y tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, cần được tiếp tục rà soát, bổ sung và ban hành.

Sự kết nối liên thông, tích hợp giữa các hệ thống thông tin trong ngành Y tế và giữa ngành Y tế với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ y tế đa tiện ích cho người dân còn nhiều thách thức.

Việc liên thông dữ liệu giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giữa các địa phương lẫn nhau cũng là vấn đề bất cập. Do đó, không thể khai thác được thông tin dữ liệu chéo lẫn nhau giữa các nhà cung cấp và ứng dụng người dùng. Đây là một lỗ hổng lớn khiến việc kết nối và đồng bộ dữ liệu trở nên khó khăn, hạn chế việc kết nối giữa các cơ sở y tế.

Để thực hiện chuyển đổi số ngành Y tế một cách toàn diện và hiệu quả cần một nguồn lực đáng kể, bao gồm tài chính, nhân lực cũng như hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó, tài chính là một bài toán lớn đối với nhiều phòng khám nhỏ và bệnh viện tư nhân, bởi họ chỉ có nguồn vốn và kinh phí hạn hẹp.

Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các ứng dụng và nền tảng số trong y tế đều đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Kinh phí thuê mướn trung tâm lưu trữ và phần mềm khai thác sử dụng tại cơ sở y tế và cho người dân hằng năm phải chi trả rất lớn, dự kiến khoảng 4-5 tỷ đồng/năm. Với nguồn kinh phí lớn như vậy, ngân sách Nhà nước không thể cấp hằng năm để duy trì.

Hiện nay, nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa tìm được phần mềm giúp số hoá hiệu quả lượng giấy tờ, hoá đơn, chứng nhận xét nghiệm cũng như hồ sơ, bệnh án. Ngoài ra vấn đề lưu trữ các hình ảnh y tế cũng là bài toán khó. Vì khối lượng bệnh án, hồ sơ chụp X-quang trong các bệnh viện phát sinh tương đối lớn, nên cần kho lưu trữ bảo đảm dung lượng, giao diện thân thiện, dễ dàng tìm kiếm.

Từ thực trạng nêu trên, Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh kiến nghị Bộ Y tế cần xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung chuyên ngành, đặc biệt phần mềm Bệnh án điện tử dùng cho cơ sở khám, chữa bệnh và phần mềm Sổ sức khoẻ điện tử cho người dân phù hợp, thống nhất, định hướng phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng đề xuất lùi thời hạn đưa hồ sơ bệnh án điện tử vào thực hiện cho đến khi Bộ Y tế có định hướng triển khai Bệnh án điện tử và sổ sức khoẻ điện tử đồng bộ, phù hợp hơn.

Đại Dương

(Còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 1: Y tế vùng biên thực hiện chuyển đổi số 

    Bài 1: Y tế vùng biên thực hiện chuyển đổi số

    Vừa qua, GS.TS Lê Văn Lợi- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác Học viện, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị khu vực II đã đi tìm hiểu thực trạng công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở một số xã, phường của Tây Ninh. Qua thực tế cho thấy, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Tây Ninh còn nhiều việc phải làm.