Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng đi nào cho hợp tác xã kiểu mới ?

Bài 2: Còn nhiều bất cập 

Cập nhật ngày: 24/11/2018 - 06:01

BTN - Thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, các HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước được củng cố, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ không ít bất cập trong việc chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình HTX kiểu mới. Nhiều HTX lúng túng, luẩn quẩn với tình trạng “bình mới, rượu cũ”.

Sản phẩm chuối già Nam Mỹ xuất khẩu được sơ chế tại huyện Tân Biên.

Nông dân còn ngán ngại

Một trong những bất cập lớn nhất trong việc chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới là có khá ít HTX liên kết, hỗ trợ nông dân đầu vào, đầu ra của nông sản nên ở nhiều HTX, nông dân vẫn phải “tự bơi”. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về HTX kiểu mới còn nhiều hạn chế, khiến người dân không mặn mà và tin tưởng mô hình HTX.

Nhận thấy việc tham gia vào HTX là có lợi trong việc liên kết tiêu thụ nông sản, nhưng anh Mai Văn Trang (ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) vẫn chưa tham gia HTX. Theo anh Trang, anh thấy “tự bơi” cũng ổn, vì từ bao năm nay gia đình anh đều bán rau, củ, quả cho thương lái và anh cho rằng “chấp nhận được”.

Anh Trang cho biết, trước đây anh cũng định tham gia HTX. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, anh thấy vào HTX hay không cũng không có gì khác trước nên quyết định không tham gia. Người nông dân thích hiệu quả cụ thể, thực tế hơn những lời hứa hẹn. Sắp tới, nếu nhận tham gia HTX có nhiều lợi ích thiết thực, được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ tích cực thì không có lý do gì mà anh không vào HTX. Đây cũng chính là tâm trạng chung của nhiều nông dân khi chia sẻ về việc không tham gia HTX. Thực tế, họ vẫn chưa hiểu gì về HTX kiểu mới nên không mặn mà.

Là một trong những HTX hoạt động khá hiệu quả trong việc liên kết phát triển sản xuất - kinh doanh mãng cầu Bà Đen - Tây Ninh, HTX Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (HTX mãng cầu Thạnh Tân) đang từng bước thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng điển hình và nhân rộng vùng sản xuất mãng cầu chất lượng cao, hình thành mô hình “tổ chức quản lý sản xuất mãng cầu đạt tiêu chuẩn chất lượng”.

Mặc dù sản phẩm đã nhận được sự tín nhiệm của người tiêu dùng, nhưng HTX cũng chưa thu mua hết, bởi lẽ hợp đồng tiêu thụ chưa nhiều. HTX cũng thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị chế biến sản phẩm từ trái mãng cầu…

Ông Hà Chí Mãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân cho biết, để hoạt động có hiệu quả hơn, HTX đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ, làm việc với nhà máy Tanifood để đưa trái mãng cầu vào danh mục chế biến. Bởi đây là một trong những kênh tiêu thụ rất quan trọng đối với trái cây của địa phương.

Hiện toàn tỉnh có 112 HTX, 67 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn điều lệ hơn 17 tỷ đồng, trên 2.400 thành viên. 26/67 HTX nông nghiêp đã chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới. Số lượng HTX không nhiều nhưng có đến 17/67 HTX hoạt động ở mức trung bình, yếu. Toàn tỉnh có 10 HTX hoạt động yếu kém không thể củng cố, tổ chức lại hoạt động nên có khả năng phải giải thể bắt buộc.

Thiếu đủ thứ

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện có nhiều HTX thiếu cơ sở vật chất, thiếu vốn sản xuất. Các HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp sản xuất, kinh doanh có lãi nhưng thấp, không có khả năng tích luỹ đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất.

các HTX nông nghiệp luôn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều HTX tại Tây Ninh. Hiện nay, hầu hết các HTX nông nghiệp đều chưa có trụ sở, nhà xưởng sản xuất ổn định; chưa được hỗ trợ thuê đất lâu dài... Các HTX hoạt động trong lĩnh vực thuỷ lợi lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. HTX thuỷ lợi có vốn hoạt động thấp, chưa có trụ sở làm việc, không huy động được nguồn vốn nên chưa đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành sản xuất. Nhiều HTX không có phương tiện, máy móc, vốn... dẫn đến hoạt đồng cầm chừng rồi phá sản.

Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân lực để vận hành HTX hiệu quả. Cho đến nay, trình độ cán bộ quản lý ở các HTX nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chủ yếu làm theo kinh nghiệm, nhiệt tình, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển HTX trong giai đoạn mới. Theo Liên minh HTX, Tây Ninh chưa có chính sách cử cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX như tinh thần Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15.2.2014 của Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020. Mặt khác, nhiều HTX hoạt động chưa có hiệu quả cao nên không có nguồn quỹ trả lương và không có chính sách đãi ngộ, thu hút người lao động có trình độ.

Một thực trạng khác là nhiều HTX hoạt động chưa tuân thủ theo nguyên tắc của HTX, thành viên chưa thực sự thể hiện là người làm chủ của HTX. Đáng chú ý là nhiều HTX chưa chú trọng mở rộng kết nạp thành viên, còn hạn chế số lượng, đối tượng thành viên tham gia.

Luật HTX năm 2012 xác định rõ bản chất của HTX là phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của thành viên, coi trọng lợi ích hơn lợi nhuận. Khi HTX phát triển đến trình độ cao hơn sẽ hình thành các doanh nghiệp HTX hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số HTX chạy theo mục tiêu lợi nhuận đơn thuần, trông chờ vào chính sách của Nhà nước, chưa chủ động tháo gỡ khó khăn và chưa thực hiện vai trò tập hợp, liên kết nông dân gắn bó với HTX.

Hoạt động liên kết của các HTX với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp là tất yếu, nhưng chưa được các HTX quan tâm, chủ động thực hiện, dẫn đến không cung cấp được các dịch vụ thiết yếu cho thành viên. Bên cạnh đó,  những thủ tục để vay vốn ngân hàng còn nhiêu khê, là những “rào cản” lớn đối với các HTX kiểu mới.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 1: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế 

    Bài 1: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế

    Phần lớn các HTX vẫn còn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Vì vậy, để các HTX phát triển, phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể (KTTT) cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành có liên quan, cùng tháo gỡ những “rào cản”.