Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trang bị kiến thức pháp luật cho người dân
Bài 2: Đấu tranh phòng chống tội phạm
Thứ ba: 23:50 ngày 08/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới, Ban Chỉ đạo đề án các cấp xác định việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm là nội dung hết sức cần thiết và quan trọng.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà cho chốt biên phòng ở huyện Bến Cầu.

HÀNG NGÀN NGUỒN TIN CÓ GIÁ TRỊ

Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Căn cứ tình hình từng địa bàn, BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, phát động các phong trào.

Đơn cử như tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và ngăn chặn người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc trên khu vực biên giới; tuyên truyền, vận động quần chúng ở khu vực biên giới đấu tranh với các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác; phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép.

Người dân đã cung cấp cho BĐBP và cơ quan chức năng 1.404 nguồn tin có giá trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chống xuất, nhập cảnh trái phép. Ban Chỉ đạo đề án các huyện, thị xã biên giới đã tổ chức đưa các vụ án tiêu biểu ra xét xử lưu động tại địa bàn các xã biên giới, góp phần tuyên truyền, giáo dục, răn đe kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Qua đó, cán bộ, nhân dân khu vực biên giới đã nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, cũng như thấy rõ hậu quả của các loại tội phạm gây ra cho gia đình, xã hội để giáo dục con em, người thân của mình.

Việc thực hiện Đề án có tác dụng rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm ở khu vực biên giới; tỷ lệ các loại tội phạm hằng năm đều giảm, hoạt động buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá ngoại giảm rõ rệt so với những năm trước đây, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Nhận thức về pháp luật, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt; tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật, tình hình buôn lậu, mất an toàn giao thông, khiếu kiện vượt cấp, các tệ nạn xã hội... trên địa bàn biên giới đã giảm so với thời gian trước đây, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên khu vực biên giới của tỉnh; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia và giúp đỡ BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Phát huy được vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới trong thực hiện đề án, xây dựng kế hoạch cấp huyện, thị xã và các xã biên giới một cách sát đúng, khả thi và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc thực hiện đề án, giai đoạn 2017-2021 góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, thể hiện được trách nhiệm đối với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi thực thi pháp luật trong đời sống hằng ngày; người dân dễ dàng tiếp cận những văn bản pháp luật mới và được giải đáp, tư vấn pháp lý đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình.

Các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trên địa bàn biên giới giảm nhiều so với thời gian trước đây. Người dân tích cực đấu tranh với những biểu hiện sai trái, vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, cung cấp cho lực lượng chức năng, nhất là BĐBP nhiều nguồn tin có giá trị trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống tội phạm và phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng cộng đồng dân cư, ấp, xã văn hoá, thực hiện tốt khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

BÀI HỌC RÚT RA

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo các cấp có lúc chưa thường xuyên, kịp thời, một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện; công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm còn chưa sâu, chưa nhân rộng được các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đề án. Việc xây dựng kế hoạch, nội dung, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như xây dựng các văn bản thực hiện đề án ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa sát với tình hình.

Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng trong thực hiện đề án có lúc, có nội dung chưa chặt chẽ; hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa phong phú, chưa lồng ghép với các chương trình khác để tuyên truyền. Việc củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo đề án, đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở một số địa phương có lúc chưa thường xuyên, kịp thời.

Trước ý nghĩa to lớn của đề án, Tây Ninh kiến nghị Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện đề án trong thời gian tới vì mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, để làm tốt hơn công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở biên giới, hải đảo, có nhiều bài học cần được rút ra sau 5 năm thực hiện đề án. Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, sự quản lý điều hành của chính quyền cấp cơ sở, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể; đồng thời phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo đề án.

Phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị quân đội với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, bảo đảm đề án được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; phù hợp với đối tượng tuyên truyền.

Thứ hai, tổ chức khảo sát, nắm chắc nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, đầu tư hợp lý về phương tiện, vật chất, kinh phí bảo đảm, gắn thực hiện đề án với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, chăm lo đời sống, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân vùng biên giới hải đảo. 

Thứ ba, coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật với cơ cấu hợp lý; quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có chất lượng ngày càng cao, trình độ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Kết hợp chặt chẽ phổ biến giáo dục pháp luật với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cuộc vận động và phong trào thi đua, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ở các cấp, các ngành; tăng cường công tác giáo dục chính trị, kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục với duy trì kỷ luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước.

“Đề án đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất của các sở, ngành, địa phương; đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới.

Quá trình triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo đề án tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch sát với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới của tỉnh thời gian qua được triển khai nghiêm túc, nội dung, hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới” - UBND tỉnh nhìn nhận.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục