Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng chất lượng trong xây dựng nông thôn mới
Bài 2: Địa phương lúng túng trong thực hiện các tiêu chí
Thứ tư: 07:59 ngày 15/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có những chỉ tiêu các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện như: tiêu chí 1- Quy hoạch, do các huyện chậm phê duyệt Đồ án quy hoạch chung của xã theo quy định của Bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021-2025.

Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Gò Dầu hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng cho nông dân xã Bàu Đồn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (55 xã đã được công nhận, 6 xã đang hoàn tất hồ sơ trình Hội đồng thẩm định); 17/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao (8 xã đã được công nhận, 9 xã đang hoàn tất hồ sơ trình Hội đồng thẩm định); 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đang hoàn tất hồ sơ trình Hội đồng thẩm định).

Thị xã Hoà Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đã được công nhận theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ; thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm tra.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được quan tâm đầu tư: 71/71 xã đạt tiêu chí điện, thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai; 67/71 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chiếm 95%; 61/71 xã đạt tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá chiếm 86%... làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều xã.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách thực hiện lồng ghép trong Chương trình MTQG xây dựng NTM như: hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản.

Song song đó, phát huy thế mạnh từng địa phương, Tây Ninh triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tính đến cuối năm 2022, có 68 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó: có 47 sản phẩm 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đang trình Bộ NN&PTNT đánh giá, xếp hạng).

Kết quả cơ bản đáp ứng được mục tiêu: đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thúc đẩy bình đẳng giới, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; các xã nông thôn ngày càng văn minh, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, khoảng cách giữa thành thị với nông thôn được rút ngắn. Những tiêu chí cơ bản các xã đều đạt và có lợi thế như: thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai; điện; thông tin truyền thông; nhà ở dân cư; lao động.

Tuy nhiên, cũng có những chỉ tiêu các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện như: tiêu chí 1- Quy hoạch, do các huyện chậm phê duyệt Đồ án quy hoạch chung của xã theo quy định của Bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, chỉ tiêu 15.1- Tỷ lệ người dân tham gia BHYT phải từ 90% trở lên, chỉ tiêu này tuy đạt nhưng không bền vững.

Đối với tiêu chí 5- Trường học, tỷ lệ số trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 (theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26.5.2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học). Hiện nay, đa số các trường chưa đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 theo thông tư trên do các trường được xây dựng trước năm 2020, hoặc có quy mô nhỏ.

Xã NTM nâng cao gặp khó ở chỉ tiêu 5.6- Có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền, cần Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để thống nhất chung cho các địa phương thực hiện. Ngoài ra, ở chỉ tiêu 15.3- Giải quyết các thủ tục hành chính bảo đảm đúng quy định và không để xảy ra khiếu nại vượt cấp, theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 5045/VPCP-KSTT ngày 9.8.2022, trong đó có mục số 5 của tiêu chí 15.3 đánh giá về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ phải được xếp tối thiểu từ loại tốt trở lên.

Tuy nhiên, theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công theo Quyết định số 766 mới được triển khai kể từ tháng 8.2022, việc đồng bộ với hệ thống thông tin giải quyết TTHC Tây Ninh chưa ổn định, các tỉnh, thành (trong đó có tỉnh Tây Ninh) chỉ số này đạt thấp, xếp loại trung bình.

Cấy lúa bằng máy tại HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn.

Đối với huyện NTM, chỉ tiêu 5.3- Tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên (quy định đạt 60% trở lên) hiện nay ở địa phương còn thấp so với chỉ tiêu đưa ra.

Theo UBND thị xã Hoà Thành, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai bộ tiêu chí xây dựng NTM các cấp độ của giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung, chỉ tiêu mới và yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí của các ngành có liên quan còn chậm làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo triển khai, các địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện. Ngân sách Trung ương chậm phân bổ nên chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM, gây áp lực đối với công tác chỉ đạo điều hành thực hiện giải ngân.

UBND huyện Gò Dầu cho biết, khó khăn của địa phương trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM thời gian qua là nhu cầu vốn cho xây dựng NTM rất lớn nhưng kinh phí đầu tư cho các dự án thực hiện chương trình chưa tương xứng. Việc huy động nguồn lực từ các nguồn ngoài ngân sách còn hạn chế, nhất là từ doanh nghiệp, tín dụng và nội lực đóng góp từ nhân dân. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu thực hiện chương trình theo bộ tiêu chí mới, công tác triển khai thực hiện các tiêu chí còn lúng túng.

Xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bàu Đồn đã kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí.

Sau khi về đích NTM nâng cao cuối năm 2021, diện mạo xã Bàu Đồn không ngừng được đổi mới, với chuyển biến rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện; xã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp. Hiện xã có 2 HTX nông nghiệp, trong đó, có một số HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP có ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc trên cây ăn trái. Bên cạnh đó, thương hiệu sầu riêng Bàu Đồn là sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao OCOP.

Năm 2022, Bàu Đồn được chọn làm xã điểm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM kiểu mẫu của tỉnh. Ngay từ đầu năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tập trung ra sức thực hiện. Trong đó, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM xã xây dựng kế hoạch phân công từng thành viên phụ trách các tiêu chí cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai từng mô hình, công trình, dự án.

Phía địa phương cho biết, do đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, trong đó, có một số chỉ tiêu, tiêu chí đặt ra mục tiêu cao hơn hẳn giai đoạn trước đòi hỏi sự phấn đấu rất cao, nguồn lực lớn để triển khai thực hiện. Cụ thể: Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, hoặc cụm dân cư phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở địa phương; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 65%; tỷ lệ hộ tham gia BHYT đạt từ 95% trở lên; thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; xây dựng ấp thông minh...

Khó khăn của xã là các sở, ngành chuyên môn còn chậm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện các tiêu chí mới. Trong khi đó, công tác quy hoạch trên địa bàn xã hiện vẫn chưa thể thực hiện do UBND tỉnh chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể. Đối với chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 65% là rất khó thực hiện, vì hiện nay, trên địa bàn xã không có hệ thống cấp nước tập trung nên hầu hết người dân chỉ sử dụng nước giếng khoan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Chỉ tiêu người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa đạt từ 40% và tỷ lệ dân số có sổ khám sức khoẻ điện tử phải đạt từ 90% cũng rất khó thực hiện, do cấp trên chưa có văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, các xã còn gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt từ 98% lên và tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn đạt trên 50%, vì xã Bàu Đồn là địa bàn giáp ranh với Khu công nghiệp Phước Đông, nhiều người dân từ nơi khác đến hoặc đi ngang qua vứt rác bừa bãi; người dân cũng chưa có thói quen tự phân loại rác tại nguồn.

Hay đối với tiêu chí về việc có ít nhất 1 mô hình ấp, xã thông minh cũng không dễ thực hiện, vì đặc thù địa phương là vùng nông thôn, nhiều người lớn tuổi chưa tiếp cận được với các ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, việc sử dụng điện thoại di động thông minh cũng chỉ dừng lại ở mức gọi điện, nhắn tin qua Zalo, Facebook...

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng trên tinh thần chủ động, xác định rõ những khó khăn trong giai đoạn mới, xã đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện từng chi tiêu nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Quan điểm của địa phương là tiêu chí nào dễ hoàn thành thì tập trung nguồn lực thực hiện trước. BCĐ xây dựng NTM của xã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả kinh tế cao như trồng sầu riêng, nhãn, bưởi... Từ đó, nâng cao giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân; huy động sức dân vào làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và thắp sáng đường quê, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục