Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Vấn nạn lò gạch, hầm đất ở Lộc Hưng
Bài 2: Đừng để bức xúc của dân kéo dài
Thứ sáu: 03:58 ngày 01/07/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Những hầm đất, lò gạch ở hai ấp Lộc Bình, Lộc An không chỉ gây bất an cho người dân, gây tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh mà còn làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Đây cũng là nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông ở địa phương.

Hầm đất của chi nhánh DNTN Minh Khánh bị người dân phản ánh đào quá sâu.

Gặp phóng viên, nhiều người dân ở hai ấp Lộc Bình, Lộc An bức xúc cho biết: “Hiện đang vào mùa mưa nên các doanh nghiệp ít khai thác đất san lấp hơn trước. Hơn nữa, mấy ngày qua đang có đoàn kiểm tra của huyện vào làm việc nên các hoạt động khai thác đất đều tạm dừng. Còn ngày thường trước đó, tình trạng giao thông ở đây rất hỗn độn, xô bồ. Suốt nhiều tháng qua, hương lộ 2 luôn dồn dập những đoàn xe ben chở đất từ sáng sớm đến tối mịt.

Những ngày cuối tuần, hoạt động khai thác, vận chuyển đất khoáng sản càng rầm rộ hơn bởi đây là ngày nghỉ, cơ quan chức năng ít khi đi kiểm tra. Xe chở đất chạy thành hàng dài trên hương lộ 2, đoạn từ ngã ba Cây Dương thuộc ấp Lộc An sang ấp Lộc Bình, ấp Lộc Chánh của xã Lộc Hưng rồi đi nơi khác. Nhiều xe ben không che chắn theo quy định nên bùn đất từ trên xe rơi vãi khắp nơi. Đồng thời, bùn đất bám trên bánh xe ben từ hầm đất chạy ra thường xuyên bôi bẩn tuyến đường nhựa đi ngang qua khu lò gạch. Người ở nơi khác vào sẽ không biết đoạn đường họ đang đi vốn là đường nhựa, bởi trông nó chẳng khác gì đường đất”.

Quả thực, đoạn đường nhựa mà người dân phản ánh “đã biến thành đường đất” là đúng với hiện trạng của nó. Chưa hết, đoạn đường này còn rất đáng sợ. Do đất sét bám thành một lớp dày trên mặt đường nhựa nên khi mưa, mặt đường trơn trợt, đất sét dính chặt vào bánh xe khiến người đi mô tô, xe máy liên tục trượt té. Khi phóng viên đến tác nghiệp ở nơi này, hàng chục người dân ven đường cũng như người đi đường kéo đến liên tục “kể tội” các phương tiện vận chuyển gạch, đất. Theo nhiều người, đã có rất nhiều lượt người trượt té khi lưu thông qua tuyến đường này. Nạn nhân là người dân địa phương, là học sinh, là công nhân. Họ khổ sở không chỉ vì lưu thông vất vả mà còn vì tình trạng mất vệ sinh. Bởi quần áo, trang phục mọi người đều lấm lem bùn đất. Và theo người dân địa phương, cũng đã có những trường hợp bong gân, gãy tay vì tuyến đường nguy hiểm này. Hai bên lề đường, nhiều chỗ cũng bị xe tải nặng cày xới, trở nên lầy lội.

“Trơn trợt đến mức đi bộ cũng té”, một người dân nói. Rồi bà cho biết thêm: “Mùa mưa là thế, mùa nắng thì người dân ven đường chịu không xiết với khói bụi. Lâu lâu doanh nghiệp khai thác đất cũng có cho xe tưới nước, cũng chỉ hạn chế bụi được trong vài giờ nhưng lại gây trơn trợt, khó lưu thông. Đường rất hẹp mà mấy ông tài xế xe ben cứ phóng ào ào, bạt mạng. Người dân đi đường phải chủ động lách tránh chứ tài xế họ không thèm để ý tránh mình. Người dân ở đây bức xúc lắm. Những khi người dân phản ứng quá thì thỉnh thoảng một doanh nghiệp khai thác đất đem máy ủi bánh xích ra đường nhựa ủi lớp đất sét bên trên. Làm như thế chỉ khiến mặt nhựa bị bong tróc, càng làm cho đường mau hư hỏng, bởi họ ủi hôm trước thì hôm sau đường đã lầy lội, trơn trợt trở lại”.

Một cán bộ hưu trí phản ánh: “Thường vào ban đêm, không biết lò gạch nào đó đốt chất gì mà có mùi rất khó chịu, tựa như mùi nhựa cháy khét. Ngoài ra, khí thải còn có mùi hôi nồng của vỏ hạt điều. Được biết, Nhà nước đã có quy định cấm các cơ sở sản xuất sử dụng chất đốt có khí thải gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân, nhưng ở cụm lò gạch này vẫn còn có cơ sở đốt nhiên liệu cấm. Cử tri đã rất nhiều lần khiếu nại, phản ánh, kiến nghị đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Trảng Bàng những hệ luỵ của việc cho phép khai thác khoáng sản tràn lan, cũng như những vấn đề phát sinh từ hoạt động của các lò gạch ở khu vực này, nhưng không được giải quyết thoả đáng. Chúng tôi không hiểu vì sao ở cái ấp Lộc Bình bé nhỏ này lại có quá nhiều mỏ đất khoáng sản đến vậy? Mong rằng lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đến việc hạn chế cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực này. Vừa nhiều ao, vừa đào sâu thế này thì nguy hại quá!”.

Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Hưng, những vấn đề tồn tại ở khu vực Lộc An, Lộc Bình có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản vốn phát sinh từ nhiều năm trước đây. Người dân địa phương bức xúc là có cơ sở. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết của cấp xã có giới hạn. UBND xã thường xuyên nhận được phản ánh, yêu cầu giải quyết của người dân có liên quan đến hoạt động khai thác đất khoáng sản ở khu lò gạch.

Những vấn đề nào có thể giải quyết, UBND xã đã cố sức làm. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, xã cũng đã báo cáo, kiến nghị về cấp trên. Hiện tại, trong ba doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất khoáng sản thì chủ yếu có chi nhánh DNTN Minh Khánh có công suất khai thác lớn, hoạt động thường xuyên. Hai doanh nghiệp còn lại thì hoạt động không thường xuyên, khối lượng khai thác vận chuyển ít. Thời gian qua, UBND xã đã nhiều lần làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác, vận chuyển đất khoáng sản có trách nhiệm vệ sinh mặt đường. Các doanh nghiệp chấp hành nhưng có lẽ vì không vệ sinh thường xuyên nên người dân vẫn chưa thôi bức xúc.

Theo tìm hiểu của người viết, thời gian gần đây, chi nhánh DNTN Minh Khánh thường xuyên bị ngành chức năng và chính quyền địa phương mời làm việc, buộc cam kết khắc phục tình trạng gây bẩn đường sá, làm mất an toàn giao thông. UBND xã Lộc Hưng cũng yêu cầu doanh nghiệp này ngừng ngay việc sử dụng xe ủi bánh xích để dọn dẹp đất rơi trên đường mà phải sử dụng giải pháp khác không gây hại mặt đường. Đồng thời, UBND xã cũng yêu cầu doanh nghiệp nếu có tưới nước chống bụi thì cũng tưới với lượng vừa phải, vào những thời điểm ít có xe máy qua lại để tránh gây mất an toàn cho người đi đường.

Trong các lần làm việc, đại diện doanh nghiệp trên đều cam kết không để tái diễn tình trạng đường sá bị bẩn do đất từ xe ben của doanh nghiệp gây ra, không gây bụi, không gây trơn trợt. “Khi xe ben vận chuyển đất từ mỏ khai thác đến bãi đổ phải che bạt để ngừa đất rơi vãi xuống đường. Trước khi xe chở đất từ mỏ khai thác ra đường và từ bãi đổ ra đường phải vệ sinh bánh xe sạch sẽ để không mang đất ra đường. Doanh nghiệp của tôi sẽ cho người vệ sinh đường sạch, không để tình trạng đất bụi bám dính đường như hiện nay, sẽ khắc phục lại những nơi bị sạt lở trên đường…”, đại diện doanh nghiệp cam kết. Thế nhưng, thực tế và phản ánh của người dân cho thấy, doanh nghiệp chưa bảo đảm các yêu cầu mà chính quyền địa phương đặt ra.

Trao đổi với người viết, ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng cho biết vừa chỉ đạo lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện để làm rõ những vấn đề người dân phản ánh. Trong khi đó, ông Lê Hoà Lăng - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Trảng Bàng cho rằng, hiện các lò gạch ở hai ấp Lộc Bình, Lộc An xã Lộc Hưng đều sử dụng công nghệ Hoffman. So với lò gạch thủ công “truyền thống” đã bị xoá bỏ nhiều năm về trước thì công nghệ nung gạch bằng lò Hoffman cơ bản không gây ô nhiễm môi trường.

Trước phản ánh của người dân về tình trạng không khí bị ô nhiễm do khí thải lò gạch, ông Lăng cho biết sẽ báo cáo về  Sở TN&MT Tây Ninh để có hướng xử lý, bởi Phòng không có đủ điều kiện, phương tiện, chức năng lấy mẫu không khí để đo đạc, phân tích. Về thực trạng đào đất quá sâu trong khu vực gần dân cư, gây tác động xấu đến mạch nước ngầm và sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn ở các mỏ khoáng sản và gây bẩn đường sá, làm mất trật tự an toàn giao thông khu vực xung quanh, ông Lăng cho biết sẽ có báo cáo cụ thể với lãnh đạo UBND huyện Trảng Bàng sau khi đi kiểm tra thực tế.

HOÀNG ANH

Mặc dù trong những ngày qua, các lò gạch ở khu vực Lộc An, Lộc Bình hầu hết đều tạm ngưng hoạt động nhưng thực tế cho thấy, nếu có lò nào sản xuất thì y như rằng, nơi đó khói đen bốc lên cuồn cuộn.

Theo một tài liệu của Sở KH&CN Tây Ninh, ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất gạch là vấn đề được quan tâm ở Tây Ninh thời gian qua. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là do sử dụng lò nung công nghệ cũ, lò thủ công. Khoảng gần 10 năm trở lại đây, trước yêu cầu khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở sản xuất gạch thủ công đã chuyển đổi sang dạng lò nung gạch Hoffman loại vừa và nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định dù công nghệ nung gạch tiến bộ hơn lò thủ công trước đây nhưng mức độ ô nhiễm môi trường ở các lò Hoffman lẫn Tuynel vẫn rất nặng nề. Nguyên nhân gây ô nhiễm là từ nhiên liệu nung (chủ yếu là trấu, mùn cưa, gỗ vụn và có thể có cả chất đốt cấm sử dụng như vỏ hạt điều…). Vì vậy, yêu cầu hiện nay là phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải ở các lò gạch Hoffman lẫn Tuynel để bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người.

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục