Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đấu tranh chống diễn biến hoà bình: Vai trò của văn hoá trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Bài 2: Giữ vững trận địa tư tưởng 

Cập nhật ngày: 16/03/2022 - 06:32

BTN - Giữ vững, phát huy, phát triển giá trị văn hoá quân sự “Bộ đội Cụ Hồ” đồng nghĩa với việc khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Lên thao trường (ảnh chụp trước 27.4.2021). Ảnh: Vũ Xuân Thu

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dòng chảy toàn cầu hay toàn cầu hoá luôn có sự đan xen, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Vì vậy, nhiệm vụ phát huy vai trò của văn hoá quân sự đòi hỏi phải xác định rõ đối tác, đối tượng trong từng thời điểm, hoàn cảnh khác nhau.

Việt Nam thực hiện đúng quan điểm “sách trắng quốc phòng”, chăm lo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, kiên trì giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Cũng cần nhận thức rõ, xu hướng chung của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới hiện nay là hoà bình, hợp tác và phát triển; giải quyết xung đột, bất đồng thông qua đối thoại, đàm phán hoà bình là chính. Xu thế đó hoàn toàn phù hợp với dòng chảy văn hoá của dân tộc Việt Nam- một dân tộc yêu chuộng hoà bình, luôn có ước nguyện muôn đời là “tắt lửa chiến tranh”.

Quán triệt sâu sắc và cụ thể hoá quan điểm đường lối văn hoá của Đảng, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hoá trong quân đội. Kế hoạch hoạt động trọng điểm về văn hoá, văn học, nghệ thuật, báo chí quân đội là một bước cụ thể hoá, hiện thực hoá quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá trong quân đội.

Điều này thể hiện tính chủ động, “tiên phong, gương mẫu, đi đầu” trong công tác văn hoá và phong trào hoạt động văn hoá của quân đội, góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần của bộ đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, công tác văn hoá, hoạt động văn hoá, văn nghệ đã phát huy tốt vai trò mũi nhọn, xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hoá của Đảng trong quân đội. Công tác văn hoá bám sát quan điểm, nghị quyết của Đảng, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội.

Phương thức, hình thức tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ phong phú, đa dạng, phát huy tốt giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, phù hợp với từng địa bàn, đơn vị đóng quân. Công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ được các cấp uỷ Đảng, chỉ huy quan tâm, chăm lo xây dựng. Đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội và nhân dân”- lãnh đạo Tổng cục Chính trị QĐNDVN nêu.

Công tác quy hoạch, tổ chức thiết chế văn hoá trong quân đội đưọc quan tâm. Hệ thống bảo tàng, nhà văn hoá, phòng đọc, thư viện, tủ sách được đầu tư xây dựng, bảo đảm chính quy, cơ bản, hệ thống và có sự thống nhất chặt chẽ, phát huy tốt vai trò, chức năng, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, trở thành nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ phong phú, đa dạng, hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của cán bộ, chiến sĩ.

Xây dựng môi trường văn hoá trong quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia, tạo được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp ở các đơn vị, mang lại ấn tượng tốt, lan toả đến các khu dân cư.

Thông qua hoạt động văn hoá, nghệ thuật, báo chí quân đội góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự quốc phòng, an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Hoạt động văn hoá, văn nghệ trong quân đội trở thành vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng văn hoá, góp phần đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Đồng thời, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phê phán những biểu hiện tiêu cực, bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, xây dựng thế trận lòng dân, mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân. Trong "cuộc chiến" chống đại dịch Covid-19, toàn quân chủ động ứng phó và triển khai kịp thời nhiều biện pháp hiệu quả. 100% cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ sẵn sàng lên đường vào vùng dịch với tinh thần, quyết tâm “không một đồng chí nào thoái thác nhiệm vụ”.

Đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu, đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật, bài viết tuyên truyền, cổ vũ, động viên, ca ngợi những tấm gương điển hình.

Theo đánh giá của Tổng cục Chính trị QĐNDVN, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quản lý văn hoá trong quân đội còn có mặt hạn chế. Nhận thức của một số cấp uỷ, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ về vai trò của văn hoá chưa đầy đủ. Hoạt động của một số thiết chế văn hoá ở cơ sở chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nặng hình thức, thiếu chiều sâu.

Hiện nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu văn hoá, tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí tương xứng truyền thống lịch sử hào hùng, chưa phản ánh hiệu quả vai trò của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hoạt động sáng tác nghệ thuật, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ còn chung chung, chưa gắn chặt với hiện thực cuộc sống của quân đội, có biểu hiện chạy theo thị hiếu xã hội.

Bên cạnh thời cơ, chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng nước ta, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, xảo quyệt. Lĩnh vực văn hoá, văn nghệ trở thành mục tiêu chống phá, nguy cơ “diễn biến hoà bình”, tự diễn biến, tự chuyển hoá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá phức tạp, khó lường.

Tình hình đó đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với công tác văn hoá và hoạt động văn hoá trong quân đội. Để phát huy các giá trị văn hoá trong xây dựng QĐNDVN trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hoá các quan điểm, nghị quyết của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá- nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”…

Trong một bài viết vừa công bố, PGS.TS, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) bình luận, thực tế lịch sử khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đứng trên nền tảng bản sắc văn hoá Việt Nam, trung thành và nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam  đã vận dụng sáng tạo các quy luật của chiến tranh để đề ra đường lối chính trị, quân sự, quốc phòng, đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội nhân dân.

Đảng trực tiếp lãnh đạo xây dựng và phát triển nền khoa học, công nghệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng và phát triển tổ chức biên chế, trang bị vũ khí kỹ thuật và nuôi dưỡng bộ đội; lãnh đạo công tác cán bộ và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Đảng trực tiếp tổ chức giáo dục, rèn luyện, xây dựng thế giới quan khoa học, bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn kiên định, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội còn được bảo đảm bằng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong quân đội. Được sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, đội ngũ cán bộ quân đội luôn thể hiện sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, nhiều lớp cán bộ quân đội không những có tài về lĩnh vực quân sự mà còn là tấm gương về đạo đức cách mạng, văn võ song toàn, thật sự “dĩ công vi thượng”.

Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hoá quân sự Việt Nam nói riêng. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, “Bộ đội Cụ Hồ” đã trải qua hành trình hơn bảy thập kỷ.

Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã đi vào lịch sử, đời sống của nhân dân một cách tự nhiên và trở thành một giá trị văn hoá quân sự Việt Nam. Vì những lẽ đó, giữ vững, phát huy, phát triển giá trị văn hoá quân sự “Bộ đội Cụ Hồ” cũng đồng nghĩa với việc khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Đông

Tin liên quan
  • Bài 1: Âm hưởng hào hùng 

    Bài 1: Âm hưởng hào hùng

    Văn hoá nghệ thuật trong quân đội còn góp phần quan trọng phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá, phê phán những biểu hiện tiêu cực, bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân