Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hợp tác xã nông nghiệp: Cần chú trọng thực chất

Bài 2: Hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao 

Cập nhật ngày: 01/11/2020 - 16:07

BTN - Việc xây dựng mô hình vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Ðây là xu hướng, là yêu cầu trong tiêu thụ lúa gạo hiện nay và cũng là giải pháp tốt nhất để có thể ứng dụng một cách đầy đủ, hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả cho người sản xuất cũng như sự an toàn cho người tiêu thụ, đồng thời duy trì được sự ổn định, bền vững của môi trường sinh thái.

Nông dân trong vùng dự án thu hoạch lúa vụ Hè Thu 2020.

Theo ngành Nông nghiệp, diện tích canh tác lúa hằng năm của Tây Ninh ổn định khoảng 150.000 ha, sản lượng lúa bình quân đạt 770 - 800 ngàn tấn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lương thực theo hướng hàng hoá lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và tiến tới tham gia xuất khẩu.

Cây lúa được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, nhưng do điều kiện sản xuất và các vấn đề kỹ thuật nên năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm lúa gạo còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao.

Do đó, việc xây dựng mô hình vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Ðây là xu hướng, là yêu cầu trong tiêu thụ lúa gạo hiện nay và cũng là giải pháp tốt nhất để có thể ứng dụng một cách đầy đủ, hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả cho người sản xuất cũng như sự an toàn cho người tiêu thụ, đồng thời duy trì được sự ổn định, bền vững của môi trường sinh thái.

Xây dựng mô hình điểm

Nhiều năm qua, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã An Thạnh (huyện Bến Cầu) được trồng lúa. Cơ cấu cây trồng trong các năm trở lại đây dù có thay đổi nhưng cây lúa vẫn chiếm tỷ lệ cao, và là loại cây trồng tạo nguồn thu nhập chính cho người dân. Chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản chỉ phát triển với quy mô nhỏ lẻ không đáng kể, chủ yếu ở hộ gia đình nhằm tận dụng lao động nhàn rỗi và phụ phẩm của trồng trọt cung cấp thêm thực phẩm, tăng thu nhập cho nông hộ.

Nhìn chung, các hộ và cá nhân sản xuất lúa trong khu vực xã chưa mang lại hiệu quả cao, vì diện tích của từng thửa đất quá nhỏ, manh mún, bờ ruộng nhiều nên khó áp dụng được các điều kiện kỹ thuật canh tác tốt như cơ giới hoá trong sản xuất và tưới - tiêu.

Mặt khác, trong một khu đất có quá nhiều hộ canh tác dẫn đến tình trạng gieo sạ không đồng loạt. Hầu hết nông dân vẫn còn gieo sạ dày, còn sử dụng giống lúa chưa đạt chất lượng dẫn đến chi phí phát sinh cao trong quá trình canh tác.

Do các yếu tố khách quan và chủ quan, cánh đồng trồng lúa ở khu vực ấp Voi, xã An Thạnh được chọn để triển khai thực hiện dự án vùng trồng lúa chất lượng cao từ khoảng 5 năm trước. Thời điểm này, các hộ dân ở đây một năm sản xuất 2 vụ Ðông Xuân và Hè Thu, hầu hết đều sử dụng phương pháp sạ lan và có khoảng 50% diện tích dùng giống lúa cấp xác nhận để sản xuất.

Khi triển khai dự án, khu vực này được tỉnh đầu tư tuyến đê bao ngăn lũ dài 5.628m, rộng 4m nhằm chủ động tưới - tiêu cho khoảng 240 ha đất sản xuất lúa chất lượng cao, bờ đê kết hợp làm đường giao thông nội đồng để vận chuyển nông sản. Giữa năm 2016, công trình tuyến đê bao được khởi công, điểm đầu từ hương lộ 8, kết thúc tại vị trí cầu Tà Bang.

Tuyến đê có 2 cầu qua cống rộng 4m, mặt cầu bê tông cốt thép với cửa tự động hai chiều bằng thép. Ðến vụ Ðông Xuân 2017-2018, tuyến đê bao được thi công xong và được đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tổng mức đầu tư dự án này là hơn 27 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của một doanh nghiệp gần 20 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh hơn 6 tỷ đồng và giá trị hiến đất của người dân quy bằng tiền hơn 1,56 tỷ đồng. Trong đó, số vốn thực hiện đầu tư cho tuyến đê bao ngăn lũ và hệ thống cống điều tiết nước gần 17,6 tỷ đồng, số còn lại dùng mua máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa, xây nhà kho...

Dự án được thực hiện với hình thức đầu tư xây dựng (Sở NN&PTNT chủ trì) - chuyển giao công nghệ (Liên minh HTX và UBND huyện Bến Cầu tiếp nhận). Ðơn vị được chuyển giao sẽ thành lập HTX sản xuất (bao gồm những nông dân có đất tham gia dự án), thực hiện sản xuất theo quy trình hướng dẫn của các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật... nhằm tạo dựng mô hình mẫu sản xuất lúa tiên tiến, hiện đại, đem lại hiệu quả cao nhất cho người trồng lúa.

Nhiều lợi ích thiết thực

Theo hồ sơ dự án, việc đầu tư tuyến đê bao tốn khá nhiều kinh phí ở vùng trồng lúa ấp Voi, xã An Thạnh nhằm chủ động nguồn nước phục vụ cho khoảng 250 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tại đây sẽ được xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, tạo điều kiện cho người dân được học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, nuôi trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả kinh tế của vùng lúa chất lượng cao xã An Thạnh được đánh giá sơ bộ tăng hằng năm (tại thời điểm lập dự án) như: ngăn lũ giảm thiệt hại khoảng 3,5 triệu đồng/ha/năm x 250 ha. Tăng lợi nhuận từ sản xuất lúa 3 vụ và nuôi trồng thuỷ sản khoảng 5 triệu đồng/ha/năm x 240 ha. Bình quân mỗi năm, nông dân trong vùng dự án giảm chi phí, tăng thu nhập hàng tỷ đồng.

Theo dự định ban đầu, đây là dự án điểm để sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu. Từ dự án này, ngành Nông nghiệp sẽ nhân rộng ra các vùng đất thấp ven sông trên toàn tỉnh Tây Ninh.

 Quá trình thực hiện dự án sẽ thay đổi dần nhận thức, tập quán canh tác lâu đời của người dân, hình thành kiểu sản xuất mới: sản xuất lúa gạo hàng hoá theo hướng nâng cao giá trị; biết gắn kết sản xuất với thị trường và không chỉ vì lợi ích của mình, mà còn vì lợi ích của người tiêu dùng; tăng tính cộng đồng, hạn chế sự chênh lệch giữa các hộ nông dân về đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật... tạo nên sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm; góp phần tăng thu nhập và bảo vệ môi trường sinh thái.

 Thành công của dự án sẽ góp phần trong việc hình thành các vùng có tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao kiểu mới; thúc đẩy sự phát triển và ổn định vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gạo cho tiêu dùng và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật vùng dự án, các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ sản xuất lúa chất lượng cao để tiếp nhận tài sản của dự án đầu tư và xây dựng phương án liên kết trong sản xuất - tiêu thụ.

HTX và các cơ quan chuyên môn, đơn vị có liên quan sẽ từng bước tổ chức sản xuất theo mục tiêu cụ thể của dự án nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa chất lượng cao.

Cụ thể như: áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất. San phẳng mặt ruộng bằng tia laser- đây là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ sạ hàng đến thu hoạch.

Sử dụng máy sạ hàng thay cho tập quán sạ lan của nông dân, làm giảm đáng kể lượng giống được gieo sạ “thừa”. Sử dụng máy gặt đập liên hợp. Sử dụng máy sấy lúa nhằm giảm phụ thuộc thời tiết, chủ động trong việc phơi sấy và bảo đảm chất lượng hạt lúa.

Vùng sản xuất nông nghiệp thuộc dự án này cũng sẽ được áp dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao “1 phải, 5 giảm”. Cụ thể: phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống, giảm bón thừa phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Theo kế hoạch, vụ Ðông Xuân năm 2016-2017 có 200 ha trong khu vực dự án sản xuất lúa chất lượng cao.

Hiệu quả bước đầu

Theo tìm hiểu của người viết, cho đến nay, tuyến đê bao đã mang lại hiệu quả thiết thực và rõ rệt, tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất, lưu thông, vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản được dễ dàng.

Cùng với tuyến đê bao, đường điện cũng được đầu tư, vừa giúp nộng dân sản xuất được thuận lợi, vừa góp phần phát triển nông thôn, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của một số hộ dân trong vùng. Ðến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân đã xây cất nhà ở khang trang ven một quãng tuyến đê bao này, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở khu vực vốn hẻo lánh trước đây.

 Bên cạnh đó, công trình đê bao ngăn lũ này được đầu tư hệ thống điều tiết thuỷ lợi, tăng khả năng lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống tiêu được nạo vét làm tăng khả năng thoát lũ vào mùa mưa.

Theo một lão nông ở đây, đất sản xuất nông nghiệp trong vùng đê bao có khả năng tăng thời vụ canh tác, người dân có thể chủ động gieo trồng so với khi chưa có đê bao. Trước đây, khi chưa có đê bao, nông dân phải chờ nước lũ trên sông Vàm Cỏ Ðông hạ thấp mới có thể tiến hành gieo sạ. Từ khi có đê bao, nông dân có thể chủ động đồng loạt gieo sạ sớm do có hệ thống điều tiết nước trong vùng đê bao.

Bên cạnh đó, trước khi có đê bao, nông dân thường tranh thủ  thu hoạch nông sản (chủ yếu là lúa) sớm khi lũ về bất thường, dẫn đến năng suất không cao. Từ khi có đê bao, nông dân không còn “sợ” lũ nữa, chủ động được thời vụ thu hoạch. Ðồng thời, nếu được tận dụng, việc nuôi trồng thuỷ sản trong vùng đê bao cũng rất thuận lợi.

Tuy nhiên, HTX được thành lập để triển khai thực hiện dự án vùng trồng lúa chất lượng cao ở đây “có vấn đề” trong quá trình hoạt động và hiện vẫn chưa được giải quyết.

Bảo Tâm

(còn tiếp)


Liên kết hữu ích