Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bất cập trong quản lý chứng chỉ, văn bằng
Bài 2: Khó công nhận là thật hay giả
Thứ năm: 20:15 ngày 17/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hiện nay ngoài việc xác nhận bằng thật, giả của các trường, trả lời các cơ quan, tổ chức cá nhân, thì Bộ GD-ĐT còn có cơ quan chuyên trách thực hiện việc công nhận hoặc không công nhận các văn bằng của nước ngoài. Tuy nhiên, việc xác nhận cũng chỉ ở mức có học hoặc không học (các trường) và công nhận hoặc không công nhận (Bộ GD-ĐT) chứ không thể khẳng định bằng đó là thật hay giả?

Tang vật với máy in, thùng đựng bằng giả của một tổ chức làm các văn bằng, chứng chỉ giả quy mô cực lớn vừa được Công an TPHCM phát hiện. Ảnh: THANH HÙNG

Nhiều hệ lụy 

Vấn đề những người bằng dỏm, học dỏm vẫn “chui” vào được các cơ sở giáo dục và cơ quan công quyền để trở thành ông này, bà kia thực sự hiện hữu và gây nhiều hệ quả đáng tiếc. Sự việc ông Trần Quang Nam, Hiệu trưởng Trường HUFLIT, sử dụng bằng cấp quốc tế chưa được Bộ GD-ĐT công nhận, nhưng bằng cách nào đó đã vượt qua tất cả, trở thành hiệu trưởng, điều hành một ngôi trường đại học với quy mô cả chục ngàn sinh viên, cán bộ giảng viên, nhà khoa học, là một ví dụ. Hệ quả là, nội bộ Trường HUFLIT đã trở nên lục đục vì nghi vấn về bằng cấp, đơn thưa kiện cáo triền miên. Sinh viên tốt nghiệp cũng bị ảnh hưởng vì không có người ký trên văn bằng để cấp cho sinh viên.

Mới đây, qua xác minh, kiểm điểm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương đã xác định ông Phạm Trung Thành, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, có những khuyết điểm, vi phạm: không có bằng tốt nghiệp PTTH (bằng cấp 3) và đã sử dụng bằng cấp 3 không hợp pháp (bằng của người khác) để thi tuyển, học tập và thi tốt nghiệp, được công nhận tốt nghiệp và được Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng cử nhân luật… Tiếp đó, ông Thành đã sử dụng bằng đại học luật không hợp pháp để dự thi nâng ngạch công chức, đào tạo, bổ nhiệm vào chức danh cán bộ quản lý cấp phòng…Với những sai phạm đó, ông T. đã bị cách chức.

Hay như trường hợp ông Hồ Quang Hải bị tuyên án 4 năm tù vì sử dụng bằng tốt nghiệp giả của Học viện Quân y để đi giảng dạy và bán bằng giả cho 6 người. Đối tượng này đã dùng bằng giả xin giảng dạy vào một trường đại học quốc tế tại TPHCM rồi tự ý thu học phí của sinh viên mới nhập học mà không có biên lai, khiến nhiều em không thể làm thủ tục với nhà trường. Sau khi bị phát hiện, nhà trường đã đuổi việc ông này. Nghiêm trọng hơn, sau đó đối tượng này lập hồ sơ xin phép Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TPHCM lập Chi hội y tế tình nguyện.

Thông qua tổ chức này, đối tượng đứng ra vận động, quyên góp các đoàn khám bệnh tình nguyện. Do có nhiều biểu hiện không minh bạch về tài chính, tổ chức này sau đó bị chấm dứt hoạt động. Tiếp đó, đối tượng còn nhận cung cấp bằng giả tốt nghiệp ngành y với giá từ 40 - 120 triệu đồng/bằng (đã bán 2 bằng đại học, 1 bằng trung học chuyên nghiệp của Trường Đại học Y Dược TPHCM, 5 bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp của Trường Trung học Quân y II).

Trường hợp khác là ông Nguyễn Hữu Tuấn Huy (ngụ Đà Nẵng), suốt 10 năm dùng bằng giả đi làm ở trường đại học. Toàn bộ các văn bằng, chứng chỉ từ trình độ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ của ông Huy đều là giả mạo. Cụ thể, bằng tốt nghiệp đại học ngành Tin học (Trường Đại học Công nghệ TPHCM cấp); giấy chứng nhận bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM); giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh 1 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM và chứng chỉ sau đại học môn tiếng Anh tương đương cấp độ B2 khung châu Âu. Sự việc được làm sáng tỏ khi một trường đại học ở Đà Nẵng đã xác minh toàn bộ là giả mạo và chuyển thông tin cho cơ quan công an điều tra...

Chỉ xác nhận có hoặc không

Với việc xác nhận bằng, chứng chỉ do trường cấp, Th.S Đặng Đình Thành, Phó trưởng phòng Thanh tra Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết: “Theo quy trình, các tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gửi công văn đến trường kèm bản photocopy văn bằng, chứng chỉ. Sau đó, phòng xem xét thuộc khoa nào, sẽ yêu cầu khoa, phòng đào tạo kiểm tra. Căn cứ trên kết quả và đối chiếu với các sổ sách lưu trữ, phòng sẽ trả lời bằng công văn hoặc xác nhận trực tiếp. Tuy nhiên, ở trường chỉ trả lời “có” hoặc “không” chứ không thể trả lời là bằng đó, chứng chỉ đó là giả. Bởi vì, nếu muốn khẳng định đó là bằng giả thì phải do công an xác định”.

Vụ việc liên quan đến ông Trần Quang Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học HUFLIT, sử dụng bằng cấp chưa được công nhận là một điển hình của sự khó khăn khi xác định bằng cấp thật hay giả. Khi có công văn đề nghị trả lời hoặc sức ép từ dư luận, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT mới có công văn trả lời về bằng cấp của hiệu trưởng và chỉ khẳng định là “chưa công nhận”.

Công văn do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh nêu rõ: “Về bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA), ông Nam theo học chương trình hợp tác từ xa giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Southern California University khóa 2000 - 2002. Trường đối tác cấp cho ông Nam trong thời gian trường này chưa được kiểm định nên bằng thạc sĩ chưa được công nhận.

Về bằng tiến sĩ, theo Cục Quản lý chất lượng, trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Thông tin quốc gia về công nhận văn bằng Thụy Sĩ, Trường Kinh doanh Business School Lausanne không có tên trong danh sách các cơ sở giáo dục đại học được công nhận tại Liên bang Thụy Sĩ. Hơn nữa, Trường Business School Lausanne không thuộc hệ thống giáo dục đại học của Thụy Sĩ. Do đó, bằng tiến sĩ do trường này cấp cho ông Nam không đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT”.

Đến khi có xác minh từ Bộ Công an khi Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết, ông Nam chỉ sang Thụy Sĩ 2 tháng rưỡi trong thời gian đào tạo 3 năm theo chương trình của Trường Business School Lausanne, Cục Quản lý chất lượng mới kết luận: chưa đủ cơ sở để công nhận bằng tiến sĩ của ông Nam.

Chương trình hợp tác đào tạo từ xa giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Southern California University for Professional Studies (SCUPS, sau gọi là Southern California University, trong văn bản của Bộ GD-ĐT là Trường Đại học chuyên ngành Nam California - Hoa Kỳ) bắt đầu từ năm 1999. SCUPS tuyển sinh tại Việt Nam các khóa 1999, 2000 và 2001. Sau năm 2001, chương trình không còn tuyển sinh nữa, việc đào tạo kết thúc vào năm 2003. Từ năm 2003 trở đi, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không còn hợp tác. Tuy nhiên đã có 229 học viên trong chương trình được cấp bằng và số người được cấp bằng trên vẫn chưa được công khai bằng cấp.

Trên thực tế, còn rất nhiều người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến của các trường đại học của Hoa Kỳ, Philippines… không được Bộ GD-ĐT công nhận bằng cấp nhưng vẫn sử dụng khi khai hồ sơ cán bộ.

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục