Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tận dụng phế thải công nghiệp đem lại lợi ích kinh tế - xã hội
Bài 2: Khuyến khích sử dụng tro, xỉ than
Thứ năm: 17:42 ngày 09/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đối với xỉ than thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh, đa số chủ cơ sở sản xuất ký hợp đồng vận chuyển, xử lý với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý ở ngoài tỉnh (chủ yếu là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh).

Một mỏ khai thác đất san lấp gần khu dân cư gây nhiều mối lo.

“Nếu các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu, phân tích, thẩm định và cho phép sử dụng tro, xỉ than làm vật liệu san lấp sẽ đem lại nhiều lợi ích. Việc xử lý tro, xỉ than sẽ nhanh hơn, đơn giản hơn, không tốn nhiều chi phí và thời gian.

Trong khi đó, các công trình, dự án đang rất cần vật liệu san lấp sẽ được đáp ứng. Tuy nhiên, về góc độ khoa học, các cơ quan chuyên môn cũng cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá chất lượng của loại vật liệu san lấp này liệu có bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng hay không để có căn cứ thực hiện”, một doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chia sẻ về vấn đề này.

Loại vật liệu chưa được tận dụng

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 doanh nghiệp có sử dụng than đá làm nguyên liệu đốt để cung cấp nhiệt cho lò hơi, lò dầu tải nhiệt... Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở các Khu công nghiệp Phước Đông, Thành Thành Công, Trảng Bàng; Khu công nghiệp và chế xuất Linh Trung III. Ước tính hằng tháng, các khu công nghiệp trên sử dụng khoảng 35.000 - 40.000 tấn than đá và thải ra khoảng 3.500 - 4.000 tấn tro, xỉ. Chi phí quản lý, xử lý khoảng 250.000 đồng/tấn xỉ than đá.

Tro, xỉ than phát sinh được trả lại cho doanh nghiệp cung cấp than và một phần nhỏ sử dụng vào mục đích san lấp mặt bằng đường nội bộ trong khuôn viên doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng ở Bình Dương, Đồng Nai thu gom, vận chuyển, xử lý. Phương án xử lý chủ yếu là phối trộn với xi măng làm gạch không nung, gạch lót vỉa hè, một phần được chôn lấp cùng chất thải sinh hoạt.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thải ra khoảng 300 tấn bùn/ngày. Chi phí quản lý, xử lý khoảng 3.500 đồng/kg bùn thải thông thường. Trên địa bàn tỉnh hiện tại không có cơ sở, doanh nghiệp chuyên xử lý bùn thải, xỉ than thông thường.

Do đó, lượng bùn thải này được doanh nghiệp nơi phát thải ký hợp đồng với đơn vị thu gom chất thải rắn nguy hại trong và ngoài tỉnh đến thu gom, xử lý đem đốt trong lò đốt chất thải công nghiệp hoặc chôn lấp chung với chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, có 3 cơ sở trên địa bàn tỉnh phát sinh bùn thải thông thường trong quá trình xử lý nước thải thực hiện phương án thu gom, phối trộn với than đá làm nhiên liệu đốt vận hành lò hơi, lò dầu tải nhiệt tại Khu công nghiệp Phước Đông.

 Đối với xỉ than thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh, đa số chủ cơ sở sản xuất ký hợp đồng vận chuyển, xử lý với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý ở ngoài tỉnh (chủ yếu là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh). Phương án xử lý chủ yếu của các đơn vị là một phần phối trộn với xi măng làm gạch lót vỉa hè, một phần chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt.

Nguyên liệu sản xuất VLXD không nung ở một cơ sở (ảnh minh hoạ)

Tro, xỉ than hầu như không nguy hại

Theo kết quả phân tích tro, xỉ than của một số doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn trên địa bàn tỉnh thì hầu hết đây không phải là chất thải nguy hại (chất thải công nghiệp thông thường), hàm lượng kim loại nặng rất thấp hoặc không phát hiện kim loại. Do đó, việc sử dụng tro, xỉ than đá vào mục đích san lấp là phù hợp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Với khối lượng thải ra khoảng 3.500 - 4.000 tấn nhưng tro, xỉ than chỉ được thu gom và xử lý một phần nhỏ, đa số là chôn lấp cùng với rác thải công nghiệp thông thường. Trong khi đó, nhu cầu san lấp mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh là rất lớn (san lấp mặt bằng làm khu công nghiệp, cụm công trình và các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật).

Kết quả điều tra khảo sát thực tế cho thấy, do nhu cầu san lấp mặt bằng xây dựng lớn, việc đưa các loại vật liệu san lấp từ xa đến sẽ làm chi phí xây dựng công trình tăng cao, không bảo đảm được tiến độ công trình nên tại tất cả các huyện, thị trong tỉnh đều tổ chức khai thác và cung cấp tại chỗ loại vật liệu này.

Từ đó dẫn đến có nhiều hầm, mỏ đất nằm rải rác gần khu dân cư, gây ra nhiều mối lo về môi trường, về sự an toàn cho cộng đồng và vật nuôi. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện tại có 33 cơ sở đang khai thác đất san lấp với tổng công suất thiết kế là 1,33 triệu mét khối/năm, tập trung nhiều nhất ở huyện Tân Biên (12 cơ sở), Trảng Bàng (5 cơ sở), Châu Thành (8 cơ sở), Bến Cầu (4 cơ sở), Tân Châu (2 cơ sở) và Gò Dầu (2 cơ sở).

Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 200 điểm mỏ sau khi khai thác, phục hồi cải tạo môi trường thì được bỏ không hoặc chủ yếu sử dụng vào mục đích nuôi cá, một ít làm khu du lịch sinh thái (quán ăn, quán cà phê, câu cá giải trí...). Những điểm mỏ này nếu được san lấp, hoàn nguyên sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ngoài giá trị về kinh tế - xã hội, việc sử dụng tro, xỉ than làm vật liệu xây dựng (VLXD), vật liệu san lấp còn góp phần hạn chế đáng kể các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường từ việc khai thác khoáng sản tự nhiên, góp phần tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm đất làm bãi chứa tro, xỉ. Việc ứng dụng tro xỉ trong sản xuất VLXD còn tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm VLXD tốt với chi phí hợp lý, góp phần ổn định và phát triển xã hội.

Một cơ sở sản xuất VLXD không nung có sử dụng tro bay.

Sẽ đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ

Trước chủ trương của Trung ương và các kết quả nghiên cứu về tính khả thi của việc sử dụng tro, xỉ than vào sản xuất VLXD và vật liệu san lấp, tỉnh Tây Ninh đã có định hướng về vấn đề này.

Trong đó, định hướng đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ vào công nghiệp sản xuất VLXD và trong việc thi công công trình xây dựng: làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng, giao thông và hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi, nông nghiệp và phát triển nông thôn...; đặc biệt là ứng dụng tro, xỉ trong ngành công nghiệp xi măng nhằm giảm thiểu tối đa lượng khí thải CO2 ra môi trường.

Các nhà máy hoá chất, phân bón khi đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc cải tạo có phát thải tro, xỉ, thạch cao khi phê duyệt dự án phải bao gồm thiết kế đồng bộ thiết bị, dây chuyền xử lý tro, xỉ, thạch cao bảo  đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu cho sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng.

Sắp tới, doanh nghiệp nghiên cứu sử dụng tối thiểu 20% tro, xỉ nhiệt điện đạt chuẩn làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clanke và làm phụ gia trong sản xuất xi măng. Đối với gạch đất sét nung theo công nghệ Tuynel, các cơ sở sản xuất sử dụng tối thiểu 20% tro, xỉ, thạch cao đạt chuẩn làm nguyên liệu phối trộn để thay thế dần nguồn nguyên liệu truyền thống.

Các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước phải ưu tiên sử dụng tro, xỉ và các sản phẩm VLXD sử dụng tro, xỉ trong thành phần phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và có giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo quy định.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ đạt chuẩn làm nền đường thay thế cho các loại vật liệu thông dụng, nâng cao chất lượng và hạ giá thành thi công công trình đường giao thông. Đẩy mạnh việc sử dụng sản phẩm VLXD sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất hoặc các sản phẩm sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong thành phần đạt chuẩn để san lấp mặt bằng và trong các công trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức thí điểm sử dụng tro, xỉ phát sinh từ đốt than đá vận hành lò hơi, lò dầu tải nhiệt để san lấp mỏ đất đã khai thác.

Tỉnh cũng định hướng triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, các chính sách tạo điều kiện về sử dụng đất đối với các dự án đầu tư xử lý tro, xỉ, thạch cao; hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ khoa học công nghệ đối với sản xuất, sử dụng cát nhân tạo, tro xỉ đạt chuẩn, vật liệu có sẵn tại địa phương thay thế cát tự nhiên.

Tỉnh khuyến khích các chủ cơ sở phát thải tham gia, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, hoàn thiện, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đạt chuẩn làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.

An Khang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục