Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Gỡ khó” cho ngành Y tế - Không chỉ “một ngày, một bữa”
Bài 2: Loay hoay “bài toán” thiếu nhân lực
Thứ tư: 08:45 ngày 23/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại dịch Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng cũng từ đây, nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế của ngành Y tế dần bộc lộ. Trong đó, khó khăn lớn nhất và khó giải quyết nhất vẫn là nguồn nhân lực.

Thiếu người, thiếu cả thuốc, vật tư để mổ...

Tiếng máy tít tít liên hồi trong Phòng Lab-DSA Khoa Đơn nguyên tim mạch can thiệp (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc ICU). Đây là ca phẫu thuật đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (BVĐK) tiếp nhận kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân tỉnh nhà vào đầu tháng 9.2024. Kỹ thuật này do ê-kíp bác sĩ Khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh trực tiếp hỗ trợ. Bên ngoài Phòng Lab-DSA, các bác sĩ, điều dưỡng vừa nghe, vừa ghi chép yêu cầu thuốc, vật tư y tế cho ca phẫu thuật.

“Cái nào sẵn có thì xuống Khoa Dược lấy, loại nào không có, chúng tôi phải mua bên ngoài. Đa số phải mua bên ngoài do bệnh viện đang thiếu, vì không đấu thầu được, kể cả thuốc và vật tư y tế cho ca mổ”- một điều dưỡng cho biết.

Phòng mổ mắt Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh hoạt động trở lại sau đại dịch Covid-19.

Tại Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh, đến 22 giờ vẫn còn hơn 30 bệnh nhân, công việc cứ như “quay cuồng”, chưa kể những ca phải ưu tiên cấp cứu do bệnh nhân nguy kịch, nhưng tua trực chỉ có 4 bác sĩ và 8 điều dưỡng.

Trung bình mỗi ngày, nơi này tiếp nhận hơn 100 ca, ngoài làm giờ hành chính và trực thứ bảy, chủ nhật theo tua, có người phải trực 2 đêm, gấp đôi mức quy định. “Chỉ chừng đó con người thì khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bệnh nhân và thân nhân của họ”- một bác sĩ bày tỏ.

Khoa ICU cũng không ngoại lệ. Đây là khoa chuyên điều trị bệnh nặng, đòi hỏi nhân viên y tế có mặt 24/24 giờ, nhưng cả khoa cũng chỉ có 4-5 bác sĩ.

Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh là bệnh viện hạng II, chăm sóc sức khoẻ cho người dân trong toàn tỉnh. Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc bệnh viện, đơn vị hiện có 729 nhân viên y tế, trong đó có 159 bác sĩ.

Tình hình bác sĩ xin nghỉ việc và bỏ việc tăng nhiều, đặc biệt là sau dịch Covid-19. Trong đó, số bác sĩ được đào tạo định hướng chuyên khoa và chuyên khoa I, chuyên khoa II chiếm hơn 2/3 số lượng bác sĩ bỏ việc.

Năm 2023, có 8 bác sĩ xin nghỉ việc và bỏ việc, đặc biệt trong số này có 2 bác sĩ đã được đào tạo về ngoại thần kinh, có kinh nghiệm trong mổ sọ não. Năm 2024, có 7 bác sĩ bỏ việc, trong đó có 1 bác sĩ vừa hoàn thành chuyên khoa I và được đào tạo về điều trị đột quỵ.

Tính đến cuối tháng 8.2024, so với nhu cầu, tỉnh cần phải có 618 bác sĩ.

Các bác sĩ được cử đi đào tạo đầy đủ các chuyên khoa theo nhu cầu của bệnh viện (có cam kết phục vụ theo quy định) nhưng hoàn thành khoá học lại không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà bỏ việc, chấp nhận đền bù học phí, trong khi khoa phải “choàng gánh” công việc, bệnh viện phải trả lương và các khoản phụ cấp trong thời gian họ đi học.

“Với tình hình này, bệnh viện gặp nhiều khó khăn vì thiếu bác sĩ ở cả khối ngoại và khối nội. Từ khi UBND tỉnh ngừng hỗ trợ hằng tháng (từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng) cho nhân viên y tế theo Nghị quyết 47 kể từ sau 30.6.2024, bệnh viện tiếp tục đối mặt với tình trạng bác sĩ bỏ việc mặc dù mức lương cơ sở tăng, do vẫn còn thấp hơn nhiều so với hệ thống bệnh viện tư nhân”- bác sĩ Tâm nói.

“Trên thực tế, bác sĩ mới ra trường cần khoảng 10 năm hành nghề mới đủ kinh nghiệm. Các bác sĩ mới, còn trẻ, kinh nghiệm chưa đủ để triển khai các kỹ thuật mới sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện”- bác sĩ Tâm cho biết thêm. Nhân lực hiện tại tạm đủ so với tình hình thu dung điều trị bệnh nhân. Đối với các kỹ thuật cao, vẫn còn thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu. Bệnh viện đang thiếu điều dưỡng, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh và đội ngũ kỹ thuật bảo trì trang thiết bị tại chỗ...

Tình trạng thiếu bác sĩ không chỉ xảy ra riêng tại BVĐK tỉnh, các trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã cũng không ngoại lệ, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ chất lượng cao.

... Không tuyển được mới, lại còn ra đi

Số lượng nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc, bỏ việc tại các bệnh viện trung tâm y tế tuyến huyện khá nhiều. Tình trạng “chảy máu chất xám” ngành Y tế công lập sẽ còn tiếp tục xảy ra nếu không có chế độ tiền lương, đãi ngộ hợp lý và cải thiện tình trạng thiếu thuốc BHYT, vật tư y tế...

Thống kê của ngành Y tế, năm 2024, toàn tỉnh có 6.644 nhân viên y tế. Trong đó, có 3.049 người đang làm việc trong hệ thống y tế công lập, bao gồm 276 người có trình độ sau đại học; 362 bác sĩ và 125 dược sĩ đại học, nhưng phần lớn tập trung tuyến tỉnh, nguồn nhân lực y tế chất lượng cao vẫn thiếu ở tuyến huyện, tuyến xã, lĩnh vực dự phòng...

Ca phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Hệ thống bệnh viện tư nhân có 199 bác sĩ có trình độ sau đại học, số còn lại ở phòng khám đa khoa và các cơ sở y tế tư nhân khác, cao hơn so với tất cả các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh.

Tình hình thiếu hụt cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và cán bộ y tế sau đại học của tỉnh đang là một thách thức. Con số này làm chênh lệch lượt khám, chữa bệnh và chất lượng phục vụ giữa bệnh viện công và tư. Nếu năm 2018, tổng lượt khám ngoại trú là 2.602.644 lượt, thì năm 2023 giảm còn 1.613.513 lượt (giảm 38%). Công suất sử dụng giường bệnh giảm từ 103,54% năm 2019 xuống còn 73% năm 2023.

Mặc dù số lượng khám, chữa bệnh chung đang phục hồi nhưng tình hình khám, chữa bệnh công lập cả nội trú lẫn ngoại trú năm 2023 chỉ còn khoảng 60% so với năm 2018.

Trong khi đó, tổng lượt khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân tăng dần theo các năm. Cụ thể, năm 2022 tăng 114,31%, năm 2023 tăng 103%. Hệ thống y tế ngoài công lập phát triển mạnh, góp phần chia sẻ nhiệm vụ khám, chữa bệnh cùng hệ thống y tế công lập, nhưng các cơ sở này chỉ tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, công nghiệp phát triển.

Theo Bộ Y tế, dự báo về nhân lực y tế trong giai đoạn 2021-2030, nước ta cần bổ sung khoảng 72.000 bác sĩ và 304.000 điều dưỡng.

Không riêng tỉnh Tây Ninh, tất cả các cơ sở y tế công lập trên cả nước cũng đang phải đối mặt với tình trạng “khát” nhân lực. Cụ thể, TP. Hà Nội cần tăng thêm khoảng 518 bác sĩ mỗi năm; TP. Hồ Chí Minh cần tuyển hơn 350 bác sĩ (năm 2024); Đồng Nai cần 1.100 nhân viên y tế, trong đó có 200 bác sĩ; Bình Dương cần 650 bác sĩ, điều dưỡng; Bình Phước cần 278 bác sĩ và 431 điều dưỡng... Thực trạng này kéo dài từ lâu nay, không chỉ ở các bệnh viện lớn mà còn xảy ra ở cả y tế cơ sở.

Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hằng năm, tỉnh Tây Ninh đã chi ngân sách hàng tỷ đồng cho công tác đào tạo cán bộ y tế, học sinh, sinh viên. Năm học 2021-2022 trở về trước, tỉnh đã chi 19,98 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo cho cán bộ y tế, học sinh, sinh viên theo Quyết định 70/2016/QĐ-UBND. Năm 2023, tỉnh tiếp tục chi 13,1 tỷ đồng. Ngành Y tế đang cử đào tạo 118 người học chuyên khoa II, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I và 94 bác sĩ y khoa.

Theo kế hoạch của Sở Y tế, mặc dù nhu cầu năm 2022 tuyển dụng 145 bác sĩ/673 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 76 bác sĩ, trong đó có 39 bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh.

Nhiều năm qua, ngành Y tế không tuyển dụng được bác sĩ chính quy.

Giai đoạn từ 2022-2023, có 78 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc, trong đó có 21 bác sĩ. Tính đến cuối tháng 8.2024, ngành Y tế có 547 bác sĩ, trong đó có 59 trường hợp bác sĩ đang chờ tuyển dụng. So với nhu cầu, tỉnh cần phải có 618 bác sĩ.

Mặt khác, sau “làn sóng” đại dịch Covid-19, không chỉ đương đầu với khó khăn do hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc, hệ thống y tế công lập còn phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, cơ sở vật chất xuống cấp, cùng những bất cập, tồn đọng... Đây là những tồn tại, hạn chế cần kịp thời nhận diện và tập trung xử lý sớm.

Và, đây cũng là cơ hội để ngành Y tế Tây Ninh đánh giá, cải tổ toàn bộ hệ thống, tăng cường đầu tư, thu hút nguồn nhân lực.

Tâm Giang - Nhật Thư

(còn tiếp)

Hiện số giường bệnh và nhân lực y tế tỉnh Tây Ninh thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Năm 2023, tỉnh chỉ đạt 26,5 giường bệnh/vạn dân; 8,2 bác sĩ/vạn dân trong khi con số này của cả nước là 32 giường bệnh/vạn dân; 12,5 bác sĩ/vạn dân).

Tin cùng chuyên mục