Công nghệ   Chuyển đổi số

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyển đổi số - Tăng tốc, nhưng lực chưa đủ mạnh

Bài 2: Người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến 

Cập nhật ngày: 10/08/2023 - 23:48

BTN - Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm nhiều về dịch vụ công trực tuyến, đa phần vẫn lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận Một cửa các cấp

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) tiếp nhận hồ sơ.

Thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến- đặc biệt là trực tuyến toàn trình giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại và có thể thực hiện bất cứ lúc nào, ở đâu, nếu có mạng internet. Tiện lợi là vậy, nhưng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm nhiều về dịch vụ công trực tuyến, đa phần vẫn lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận Một cửa các cấp. Hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) nộp trực tuyến theo con số báo cáo của các đơn vị, địa phương trong thời gian qua là chưa thực chất, bởi đa phần do cán bộ, công chức làm thay cho người dân.

Trải nghiệm chưa tốt

Qua tìm hiểu, chị N.H.T (thành phố Tây Ninh) biết thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, có thể lựa chọn hình thức nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến. Ban đầu, chị lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến để đỡ mất thời gian đến bộ phận Một cửa của phường. Tuy nhiên, loay hoay thao tác nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) không được, chị T vẫn phải đến UBND phường để nộp hồ sơ.

Chị T cho biết khi điền đầy đủ thông tin theo biểu mẫu hộ tịch điện tử và đính kèm các bản chụp giấy tờ để nộp hồ sơ trên mạng thì hệ thống bị treo, có lúc sai sót buộc phải đăng nhập làm lại, gây mất thời gian và cảm giác khó chịu.

Trường hợp chị H.N.H, thay vì nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị chọn đến Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh để được cán bộ hướng dẫn làm tờ khai và nộp hồ sơ. Chị H cho rằng: “Đăng ký trên hệ thống trực tuyến xong rồi cũng phải trực tiếp đến trung tâm để khai báo, nộp sổ Bảo hiểm xã hội và trình diện. Tôi chấp nhận đi nộp hồ sơ trực tiếp và phải mất thời gian ngồi đợi vì lượng hồ sơ họ xử lý quá nhiều trong ngày, nhưng tôi vẫn yên tâm hơn đăng ký qua mạng”.

Tương tự như hai trường hợp trên, một số người dân, đại diện doanh nghiệp phản ánh về những bất cập trong nộp hồ sơ trực tuyến. Những nội dung phản ánh này được đại biểu HĐND các cấp ghi nhận thông qua tiếp xúc cử tri; đại biểu đã phản ánh, kiến nghị trực tiếp tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khoá X vừa qua.

Trong phần thảo luận tổ và chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh nêu: “Dịch vụ công trực tuyến còn nhiều bất cập, khó sử dụng, nhất là thanh toán trực tuyến. Sẽ rất khó cho những người không có tài khoản ngân hàng, không có ví điện tử, trong khi đó thanh toán trực tuyến không có biên lai, lỗi phần mềm treo…

Thêm nữa, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đòi hỏi người dân phải có chữ ký số. Quá trình nộp hồ sơ, nếu chưa đầy đủ, phải bổ sung thì hệ thống cũng không thể hiện rõ là hồ sơ đang thiếu cái gì. Đó là lý do nhiều người e ngại nộp hồ sơ trực tuyến và phần lớn hồ sơ trực tuyến hiện nay là do cán bộ công chức làm thay. Thực trạng này cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới”.

Công chức UBND xã Tân Đông, huyện Tân Châu hướng dẫn người dân nộp thủ tục hành chính trực tuyến.

Số lượng hồ sơ nộp trực tuyến chưa thực chất

Thời gian qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi số, gần 500 Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh được thành lập nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ theo cách “cầm tay chỉ việc”, từ việc tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia cho đến cách truy cập ứng dụng Tây Ninh Smart, sử dụng các ứng dụng số lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách xã hội.

Thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, lực lượng Công an phối hợp cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ra quân, vận động người dân trong độ tuổi luật định đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip, cấp mã định danh điện tử mức độ 2. Đây là bước đầu để người dân tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong thúc đẩy chuyển đổi số, song để người dân chủ động nộp hồ sơ trực tuyến cần một quá trình chuyển đổi nhận thức lâu dài. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều kho khăn cần khắc phục như: hệ thống cơ sở dữ liệu một số ngành chưa đồng bộ, chưa liên thông, thủ tục hành chính chưa thực sự đơn giản để sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Lê Trường Thọ- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, mặc dù đơn vị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhưng hầu hết các công việc- từ xử lý hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động đến tổng hợp báo cáo đều phải làm thủ công, chưa được phần mềm Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ.

Dữ liệu hồ sơ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp của các năm trên các phiên bản phần mềm Bảo hiểm thất nghiệp cũ chưa được liên kết thống nhất, gây khó khăn trong việc quản lý và giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Ngoài ra, từ các khâu tiếp nhận, xử lý và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm phải thực hiện lặp lại hai lần đối với một hồ sơ đề nghị hưởng trên hệ thống một cửa điện tử Tây Ninh và phần mềm Bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời in biểu mẫu, hướng dẫn người lao động điền thông tin cá nhân, sau đó tiếp tục đối chiếu, xác nhận lại trên hệ thống, gây tốn nhiều thời gian xử lý. Hiện Trung tâm thiếu kho lưu trữ hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, do kho lưu trữ hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt năm 2019 đến nay không đủ dung lượng lưu trữ.

Để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, ngày 13.2.2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 268/QĐ-UBND về việc công bố Danh mục TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Danh mục TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, có 1.777 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần tại 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tỷ lệ dịch vụ công cung cấp toàn trình chỉ có 731/1.777 thủ tục, chiếm 41,14%, thấp so với trung bình cả nước (43,67%), rất thấp so với thành phố có tỷ lệ toàn trình cao nhất là Đà Nẵng (93,54%).

Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến cấp tỉnh mới chỉ đạt 14,6%, cấp huyện 62,9% và cấp xã 93,9%, nhưng chủ yếu là do công chức tại bộ phận tiếp nhận nhập thay người dân. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến của tỉnh còn một số hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến còn thấp, TTHC đưa lên dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, khó thực hiện; người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều về thực hiện dịch vụ công toàn trình.

Đại diện Ngân hàng VietinBank chi nhánh huyện Tân Châu (bên trái) hỗ trợ người dân xã Tân Đông mở tài khoản ngân hàng.

Ghi nhận tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu- nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến khó khăn hơn so với các địa bàn đô thị, trung tâm của tỉnh. Theo lãnh đạo UBND xã, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của xã đạt trên 90%, tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí trực tuyến từ 75% trở lên, nhưng chủ yếu là cán bộ, công chức bộ phận Một cửa vừa hướng dẫn, vừa nhập hồ sơ trực tuyến thay cho người dân.

“Tới đây, sau khi được tập huấn, “cầm tay chỉ việc” và hỗ trợ cài đặt tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chuyển đổi sim điện thoại chính chủ, mở tài khoản ngân hàng theo kế hoạch của UBND xã, địa phương sẽ tăng cường vận động, khuyến khích người dân tự mình làm các thủ tục hành chính trực tuyến. Như vậy chất lượng dịch vụ công trực tuyến mới phản ánh đúng thực chất là cải cách hành chính đã đi tới từng người dân. Đó là mục tiêu cũng như kỳ vọng của địa phương trong thời gian tới”- lãnh đạo xã Tân Đông cho biết.

Phương Thuý - Tâm Giang

(còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 1: Ưu tiên cho chính quyền điện tử, chính quyền số 

    Bài 1: Ưu tiên cho chính quyền điện tử, chính quyền số

    Đầu tư cho chuyển đổi số cần nguồn lực lớn. Đó là lý do người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khuyến nghị các địa phương nên ưu tiên dành tối thiểu từ 1% tổng chi ngân sách hằng năm để đầu tư cho chuyển đổi số.