Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sử dụng ma tuý- Khẳng định bản thân hay tàn phá tuổi trẻ?
Bài 2: Tái nghiện ma tuý- Bài toán không dễ có lời giải
Thứ sáu: 15:37 ngày 17/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để học viên không tái nghiện, rất cần sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương trong tạo việc làm ổn định cho người tái hoà nhập, có như vậy thì tỷ lệ tái nghiện mới có thể giảm.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Dương Minh Châu thăm, động viên và tặng quà những thanh niên cai nghiện trở về địa phương.

Sau cai nghiện ma tuý, tất cả người nghiện đều được lập hồ sơ quản lý; lực lượng Công an cấp xã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ, động viên những người sau cai quyết tâm từ bỏ ma tuý, không tái nghiện. Song, do nhiều nguyên nhân, tình trạng tái nghiện vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Dương Minh Châu thăm, động viên và tặng quà thanh niên sau cai nghiện trở về địa phương

10 năm, 3 lần vào cơ sở cai nghiện

Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Công an Tây Ninh đã lập hồ sơ quản lý sau cai đối với 465 người. Trong đó, số người tái nghiện là 149 người. Nguyên nhân người nghiện ma tuý sau cai trở về địa phương còn có tư tưởng mặc cảm; thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình, bên cạnh đó còn có sự kỳ thị của xã hội nên khó tìm được việc làm, trong khi có nhiều phần tử xấu kích động, lôi kéo nên dễ tiếp tục tái nghiện.

Sau 3 lần vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma tuý, giữa năm 2022, anh T.T.S, 25 tuổi, ngụ thị xã Hoà Thành lại “trở về mái nhà xưa”, tiếp tục hành trình cai nghiện sau những lần tái hoà nhập cộng đồng không thành.

Anh S tâm sự: “Lần này tôi vào đây cai nghiện, không biết sau khi ra có thành công hay không. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu sức cám dỗ khó cưỡng của ma tuý. Lần trước tôi quyết tâm cai nghiện, nên bỏ xứ đi tỉnh khác làm lái xe thuê, nhưng chỉ sau một lần gặp gỡ đám bạn cũ, tôi lại bị lôi kéo và tái nghiện. Vào đây, cắt cơn, tự hứa quyết tâm từ bỏ… nhưng không biết có làm được không”.

Là một trong những học viên đang rèn luyện khá tốt tại cơ sở cai nghiện ma tuý, chị C. (20 tuổi, ngụ huyện Tân Biên) cũng đã tái nghiện một lần. Nguyên nhân, theo chị C là bị chính người thân của mình kỳ thị, xa lánh. 

“Về nhà, người thân còn không dám nói chuyện với em, ăn cũng không cho ăn chung vì sợ em bị “sida” sẽ lây cho mọi người. Hàng xóm, họ hàng không dám trò chuyện, tiếp xúc, thậm chí cấm cả con cháu nói chuyện với em. Chán nản, em lại đi chơi cùng đám bạn cũ, rồi nghiện lại lúc nào cũng không biết”- chị C nói.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm người tái nghiện lý giải những nguyên nhân bị tái nghiện tuý. Có thể nói, cùng với những nguyên nhân chủ quan là do người nghiện không đủ bản lĩnh để làm chủ bản thân trước những cám dỗ khó cưỡng lại của ma tuý. Sự thiếu quan tâm, gần gũi của người thân và sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng xã hội, khiến người nghiện gặp khó khăn trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng.

Theo ông Lê Bình Thanh- Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý, nhiều học viên đã cắt cơn hoàn toàn, được đào tạo nghề nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tái hoà nhập cộng đồng thì tái nghiện và tiếp tục cai nghiện bắt buộc. Tỷ lệ tái nghiện và vào cơ sở cai nghiện lên đến hơn 50%.

Công an tỉnh nhìn nhận, các hoạt động hỗ trợ của địa phương đối với công tác quản lý người sau cai của một số cấp uỷ, chính quyền và ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thiếu sự quan tâm, chỉ đạo chưa thường xuyên và chặt chẽ, nhiều đối tượng tái nghiện hoặc trở thành nguồn của tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Dương Minh Châu thăm, động viên và tặng quà những thanh niên cai nghiện trở về địa phương.

Làm gì để giảm tái nghiện?

Hầu hết người nghiện ma tuý, sau cai thường có tâm lý mặc cảm, tự ti nên họ rất nhạy cảm. Hay tâm lý e ngại khi tiếp xúc và sự thiếu tin tưởng của những người xung quanh là một trong những yếu tố khiến người sau cai nghiện thấy bản thân khó hoà nhập và dễ quay lại con đường tái nghiện.

Ông Lê Bình Thanh- Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý cho biết, cơ sở đã xây dựng kế hoạch tái hoà nhập cộng đồng cho học viên cai nghiện bắt buộc, tư vấn tâm lý, trị liệu, phục hồi chức năng về hành vi, nhân cách… để học viên hoà nhập tốt khi trở về với cộng đồng.

Để học viên không tái nghiện, rất cần sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương trong tạo việc làm ổn định cho người tái hoà nhập, có như vậy thì tỷ lệ tái nghiện mới có thể giảm.

Trên cơ sở đánh giá tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi; việc sử dụng ma tuý trong độ tuổi thanh thiếu niên tăng nhanh và nguy cơ tái nghiện cao, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Dương Minh Châu xây dựng mô hình “Tôi làm được - Bạn cũng thế” để tuyên truyền, vận động và giúp đỡ thanh niên sau cai có động lực từ bỏ “cái chết trắng”, trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội. 

Anh Trần Thạch Cương- Chủ tịch Hội LHTN huyện Dương Minh Châu cho biết: Đối với người dưới 18 tuổi, Hội vận động thanh niên tiếp tục học văn hoá; với nhóm đủ 18 tuổi sẽ hỗ trợ vốn khởi nghiệp, tổ chức hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm... 

Hội đặc biệt thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của gia đình và thanh niên sau cai, từ đó giúp thanh niên cảm nhận được sự đồng cảm, quan tâm của địa phương, tự tin hoà nhập cộng đồng.

Đến nay, Hội đã tổ chức hàng chục buổi trò chuyện, chia sẻ với sự tham gia của hơn 100 lượt thanh niên sau cai; cảm hoá được 2 đối tượng nghiện ma tuý cai nghiện thành công, mở cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy, cửa tiệm hớt tóc… để ổn định cuộc sống. Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 10 đối tượng; vận động định hướng 4 đối tượng tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội và tham gia vào tổ chức Hội.

“Thời gian tới, để việc tiếp cận, hỗ trợ, cảm hoá thanh niên chậm tiến được tổ chức hiệu quả hơn, tổ chức Hội các cấp tiếp tục tham gia hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên chấp hành xong án phạt; sử dụng các phương thức tiếp cận, giúp đỡ từng đối tượng phù hợp. Đồng thời tuyên dương, khen thưởng đối với thanh niên sau cai thành công, hoàn lương, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, tổ chức Hội”- anh Cương cho biết thêm.

Có thể thấy, tỷ lệ tái nghiện cao thời gian qua là bài toán nan giải của các cơ quan chức năng. Thế nhưng, nếu nhận được sự quan tâm, bao dung, sẻ chia của cộng đồng và gia đình, cùng quyết tâm của người sau cai nghiện, sẽ giúp hành trình làm lại cuộc đời của những mảnh đời lầm lỡ hiệu quả hơn, qua đó góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghiện.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục