Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững
Bài 2: Tháo gỡ những khó khăn
Thứ tư: 07:30 ngày 26/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 12/13 sản phẩm (còn hiệu lực) được phân hạng và xếp loại đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, với 6 chủ thể đăng ký tham gia và phát triển sản phẩm,

Qua hơn 3 năm triển khai Đề án thực hiện chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm, huyện Tân Châu đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 12/13 sản phẩm (còn hiệu lực) được phân hạng và xếp loại đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, với 6 chủ thể đăng ký tham gia và phát triển sản phẩm, cơ bản bảo đảm tiến độ mục tiêu đề án đề ra trong giai đoạn 2020-2025.

Khắc phục bất lợi trong phát triển sản phẩm đặc trưng

Xã Suối Ngô hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, đến năm 2023, xã triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó, chương trình Mỗi xã một sản phẩm là nội dung bắt buộc. Địa phương đã chọn mô hình trồng mít Thái siêu sớm, áp dụng VietGAP để xây dựng sản phẩm OCOP.

Chính quyền địa phương quan tâm phát triển mít Thái thành sản phẩm OCOP.

Ông Hà Văn Luỵ, ngụ ấp 1, xã Suối Ngô cho biết, sau khi được địa phương thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP và chính sách có liên quan, ông hiểu rằng tham gia chương trình là có lợi cho nhà vườn, nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Vườn mít của gia đình ông Luỵ có diện tích 3 ha với 3.500 cây, được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân hữu cơ vi sinh, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng ra thị trường.

Theo ông Đinh Văn Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Suối Ngô, địa phương hỗ trợ gia đình ông Luỵ các hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để gia đình ông đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Đến nay, xã đã làm xong hồ sơ sản phẩm OCOP và gửi về huyện.

“Suối Ngô là xã nông nghiệp thuần tuý, cây trồng chủ lực là cao su, khoai mì; cây ăn trái còn trồng nhỏ lẻ. Mô hình trồng mít Thái siêu sớm của gia đình ông Luỵ bước đầu cho thấy hiệu quả, bà con nông dân trên địa bàn tham quan, học tập mô hình về cách chăm sóc, bón phân, ứng dụng VietGAP vào sản xuất”- ông Hiệp nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Châu, việc thực hiện các mục tiêu cụ thể của Đề án đề ra giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn huyện cơ bản đạt yêu cầu (số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao), tuy nhiên, việc đăng ký tham gia chương trình còn hạn chế, chưa bảo đảm mục tiêu 100% số xã có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình. Đến hết năm 2023, mới chỉ có 5 xã/6 chủ thể tham gia đăng ký chương trình, đạt tỷ lệ 41,66% chỉ tiêu đề án.

Sản phẩm OCOP được phân hạng trên địa bàn huyện tuy đạt yêu cầu về số lượng nhưng tính đa dạng còn hạn chế. Ngoài sản phẩm mãng cầu Minh Trung (đạt tiêu chuẩn 4 sao) mang tính đặc thù, thu hút nhiều lao động nông thôn, các sản phẩm còn lại quy mô sản xuất nhỏ, chưa phát triển mạnh việc mở rộng thị trường ngoài tỉnh, tính liên kết sản xuất còn hạn chế, chưa thể hiện, đại diện cho hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế địa bàn các xã.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm trên địa bàn huyện đa số sơ chế, chế biến đơn giản, quy mô nhỏ; hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế; đối tượng, chủ thể tham gia đa số là hộ kinh doanh, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) rất hạn chế. Do đó, khi đối chiếu rà soát bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm, phân hạng sản phẩm không cao (12/13 sản phẩm, tỷ lệ 92,3% đạt tiêu chuẩn 3 sao, chỉ có 1/12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao), việc phấn đấu phát triển thêm sản phẩm để đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao rất khó khăn.

Phòng NN&PTNT huyện cũng cho biết, Tân Châu không có làng nghề, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các cây truyền thống như cao su, mía, mì, không thể phát triển được sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (đặc biệt các địa phương như xã Suối Ngô, Tân Hoà, Tân Thành - đa số là đất rừng phòng hộ, đất nông lâm trường).

Một số địa bàn có trồng trái cây nhưng không mang tính đặc trưng, thế mạnh để có lợi thế, điều kiện phát triển. Đối với các sản phẩm khác như sản phẩm thủ công, thực phẩm trên địa bàn huyện đa số nhỏ lẻ, chỉ sản xuất phục vụ trong phạm vi cấp huyện, không có nhu cầu tham gia chương trình, cũng như không đủ điều kiện để xét và phân hạng sản phẩm.

Ngày 14.5.2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND phê duyệt sửa đổi, bổ sung nội dung Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh, ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 12.1.2023 của UBND tỉnh.

Theo đó, quy hoạch trên địa bàn huyện Tân Châu có các vùng như: Vùng phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với gần 2.000 ha tại xã Suối Dây; vùng phát triển cây ăn trái đặc sản 500 ha tại xã Suối Dây; vùng phát triển cây công nghiệp, dược liệu và chăn nuôi khoảng 770 ha tại xã Tân Đông; vùng phát triển trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao 1.000 ha tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Với lợi thế về đất đai được quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Tân Châu sẽ tập trung triển khai thực hiện từng bước theo lộ trình. Trong quá trình tổ chức thực hiện và kêu gọi đầu tư, ưu tiên các lĩnh vực trồng trọt và nhà đầu tư đủ năng lực tham gia thực hiện, từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Cần được tiếp thêm nguồn lực

Thời gian qua, UBND thị xã Trảng Bàng chỉ đạo các ngành tập trung nguồn lực triển khai thực hiện chương trình OCOP, trong đó, chủ yếu tập trung xã hội hoá dựa vào sức dân để phát triển các sản phẩm tiềm năng của các xã, phường; lồng ghép tuyên truyền chương trình OCOP với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo UBND cấp xã, phường thực hiện rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP; bảo đảm sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Hiện nay, một nhu cầu lớn mà các chủ thể đang rất cần đó là tiếp cận nguồn vốn để phát triển.

HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hoà, xã Phước Chỉ có tổng diện tích sản xuất lúa gần 250 ha với 104 thành viên, trong đó, có 40 ha sản xuất gạo ST25. Vào năm 2023, HTX được tỉnh công nhận OCOP 3 sao đối với sản phẩm gạo sạch ST25.

Anh Trần Hoàng Ân- Giám đốc HTX cho biết, bên cạnh hoạt động sản xuất, HTX còn muốn đẩy mạnh khâu chế biến sau thu hoạch, không cần phải qua nhà máy chế biến bên ngoài mà tự HTX sẽ thực hiện. HTX định hướng đầu tư nhà máy xay xát gạo, công suất 1,2 tấn/giờ, chi phí thực hiện khoảng 1 tỷ đồng. Do đó, đơn vị rất mong được ngành chức năng, địa phương hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện dự án. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX mà còn nâng cao vị thế, thương hiệu sản phẩm OCOP mà HTX đang sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu đánh giá, chương trình OCOP liên quan đến nhiều lĩnh vực nên giai đoạn đầu triển khai các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn còn lúng túng trong cách làm.

Bên cạnh đó, chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Nhiều chủ thể có sản phẩm tiềm năng nhưng không tự tin và chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, chưa thực sự thấy được ý nghĩa, lợi ích của chương trình mang lại.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm của huyện còn hạn chế, chủ yếu sơ chế, chế biến đơn giản, quy mô nhỏ. Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm yêu cầu tương đối cao, các chủ thể còn vướng ở khâu làm hồ sơ công nhận, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Theo báo cáo giám định xã hội hiệu quả sau hơn 3 năm thực hiện chương trình OCOP, có những khó khăn cần được tháo gỡ như nhu cầu về vốn của các chủ thể, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm... Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong sản xuất kinh doanh, không chỉ cơ sở nhỏ lẻ mà cả doanh nghiệp lớn đều có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao trình độ quản lý, tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP cũng là cần thiết để quảng bá sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng.

Nhi Trần - Trúc Ly - Nhật Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục