Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Y tế cơ sở trong và sau đại dịch
Bài 2: Thiếu nhân lực y tế - chuyện nói mãi vẫn không cũ
Thứ tư: 00:18 ngày 11/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trạm y tế không có hệ thống xử lý chất thải lỏng; chất thải rắn được đốt bằng thủ công nhưng không xử lý được rác tái chế. Nhân lực thiếu nên áp lực công việc lớn, dẫn đến thiếu sót trong việc tiếp nhận phục vụ nhu cầu người dân; cán bộ phụ trách chương trình chưa thật sự đúng vị trí, hiệu quả công việc chưa cao do phải đảm nhận nhiều chương trình...

Đoàn khảo sát trao đổi với nhân viên y tế.

Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu hoạt động theo mô hình trung tâm y tế huyện 2 chức năng: dự phòng và điều trị và quản lý mạng lưới y tế tuyến xã, ấp (bệnh viện thực hiện kế hoạch 150 giường, thực kê 200 giường) gồm 5 phòng chức năng tham mưu giúp việc, 12 khoa và 9 trạm y tế xã, thị trấn trực thuộc. Cả 9 trạm y tế xã, thị trấn đều đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã nhưng đã xuống cấp. Địa phương này cũng đang thiếu nhiều nhân viên y tế so với quy định

9 TRẠM CHỈ CÓ 3 BÁC SĨ

Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn nhân lực và hoạt động của trạm y tế cấp xã, lãnh đạo Trung tâm cho biết, từ năm 2010 đến năm 2012, UBND huyện Gò Dầu làm chủ đầu tư nâng cấp đồng bộ các trạm y tế xã, trong đó sửa chữa nâng cấp 3 trạm y tế (Bàu Đồn, Thanh Phước, Phước Thạnh), xây dựng mới 6 trạm y tế (Thị trấn, Phước Đông, Phước Trạch, Hiệp Thạnh, Thạnh Đức, Cẩm Giang). Khối nhà chính đều đủ từ 13 phòng chức năng đạt theo tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Về hệ thống xử lý chất thải, 9 trạm đều không có hệ thống xử lý nước thải y tế, chỉ có lò đốt rác để đốt chất thải rắn y tế. Tro sau khi đốt chứa vào bao, rác tái chế được vận chuyển về kho lưu trữ ở TTYT.

Các trạm y tế xã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương. Trang thiết bị y tế tại các trạm bảo đảm đồng bộ, phù hợp với điều kiện sử dụng của y tế cơ sở. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, đến nay cơ sở vật chất của các trạm y tế đã xuống cấp, trừ Trạm Y tế xã Bàu Đồn mới xây dựng.

Hằng năm, trung tâm y tế huyện đều xây dựng kế hoạch tuyển dụng để đáp ứng số lượng người làm việc theo quy định biên chế được giao cho các trạm y tế xã, thị trấn. Tuy nhiên, hiện đa số các trạm đều thiếu các chức danh theo quy định. Chỉ có 3/9 trạm có bác sĩ thường xuyên, còn lại 6/9 trạm có bác sĩ luân phiên về trong các ngày cố định.

Công tác khám, chữa bệnh được duy trì thường xuyên, các trạm y tế khám và điều trị được những bệnh thường gặp như tăng huyết áp, viêm dạ dày, viêm mũi họng, viêm khớp… Trong hai năm 2020-2021, các trạm y tế đều tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm vaccine phòng Covid-19.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, các trạm y tế xã phối hợp với Khoa Kiểm soát bệnh tật và các ban, ngành của địa phương tích cực phòng, chống dịch trên địa bàn, tham gia đầy đủ mọi hoạt động từ phát hiện, truy vết, cách ly, điều trị, xét nghiệm và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân.

Các trạm y tế tham gia quản lý các khu cách ly điều trị F0 và F1 tập trung được thành lập ở các trường học trên địa bàn các xã. Năm 2021, thành lập 11 khu cách ly điều trị, trong đó có 5 khu điều trị F0 (1.310 người) và 11 khu cách ly F1 (2.175 người). Các trạm y tế lưu động của các trạm y tế xã, thị trấn thực hiện công tác điều trị F0 tại nhà và quản lý các F1 tại hộ gia đình khi đủ điều kiện; phối hợp tốt với các đội tiêm lưu động của TTYT tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ hằng tuần và ngày lễ, đạt mục tiêu phủ vaccine cho nhân dân trên địa bàn toàn huyện.

Tuy nhiên, một số cơ sở vật chất trạm y tế có phần xuống cấp, sụt lún, nứt tường, tường bong tróc, lò đốt rạn nứt tường, hư ống khói, cửa đậy... Trạm y tế không có hệ thống xử lý chất thải lỏng; chất thải rắn được đốt bằng thủ công nhưng không xử lý được rác tái chế. Nhân lực thiếu nên áp lực công việc lớn, dẫn đến thiếu sót trong việc tiếp nhận phục vụ nhu cầu người dân; cán bộ phụ trách chương trình chưa thật sự đúng vị trí, hiệu quả công việc chưa cao do phải đảm nhận nhiều chương trình... Những tồn tại, hạn chế trên được xác định do không có nhân lực, không đủ chức danh theo quy định vì không có người dự tuyển vào vị trí việc làm ở trạm y tế xã, thị trấn; tiền lương thấp nên cán bộ y tế bỏ việc, người làm việc lớn tuổi sắp đến tuổi hưu, chưa có người kế thừa.

Lãnh đạo Trung tâm kiến nghị Trung ương cần tăng chế độ tiền lương, phụ cấp, phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ y tế; đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở tuyến huyện và tuyến xã, hệ thống y tế dự phòng. Đối với địa phương, cần có phụ cấp cho nhân viên y tế tuyến huyện và tuyến xã (như dược sĩ, điều dưỡng, y sĩ...); nâng cấp các trạm y tế; có chế độ thu hút nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở và tăng thêm tiền phụ cấp cho người làm công tác y tế ở ấp, khu phố.

CÂU CHUYỆN LỚN

Tại buổi làm việc với Trung tâm Y tế Gò Dầu, thành viên đoàn khảo sát nêu một số điều được nhìn nhận là tồn tại, như việc sử dụng trang thiết bị y tế chưa thật hiệu quả; một số thiết bị chưa sử dụng; việc tiêu huỷ rác thải y tế còn thủ công. Giải pháp nào nâng cao trình độ chuyên môn? Hiện Trung tâm Y tế Gò Dầu và các trạm y tế xã trên địa bàn còn thiếu 26 biên chế, giải pháp cho vấn đề này là gì? Bà Nguyễn Thị Sơn, thành viên đoàn khảo sát đặt vấn đề: việc sử dụng trang thiết bị y tế như thế nào, đã thật sự phát huy hết công năng chưa? Việc phòng, chống dịch Covid- 19 có ảnh hưởng đến công tác điều trị cho người bệnh khác hay không? Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế có được thực hiện đúng, đủ và kịp thời không?

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Trạm Y tế xã Phước Trạch cho biết, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, phải giãn cách xã hội, nhân viên y tế trạm tiếp đón nhiều người bệnh huyết áp. Các loại số liệu về cách ly, lấy mẫu xét nghiệm… được thực hiện đúng quy định. Xã Phước Trạch huy động được nhiều thành phần khác nhau tình nguyện tham gia chống dịch. Nhân viên trạm y tế xã đã nhận được chế độ hỗ trợ nhưng các thành phần khác như công an, dân quân chưa được nhận.

Đại diện Trạm Y tế xã Cẩm Giang thông tin, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, số người đến khám, chữa bệnh giảm so với trước đó. Về chế độ, đến nay, các chế độ dành cho tình nguyện viên tham gia chống dịch chưa có.

Bác sĩ Võ Văn Quốc- Giám đốc Trung tâm Y tế Gò Dầu cho biết thêm, trang thiết bị y tế ở xã, thị trấn được tổ chức đấu thầu để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa theo định kỳ. Chưa xử lý được chất thải lỏng y tế, chỉ xử lý chất thải rắn. Đội ngũ nhân lực thời gian qua có biến động, hiện Gò Dầu phải luân phiên bác sĩ về trạm. Việc thiếu bác sĩ đã tồn tại từ lâu và đây là câu chuyện lớn. Việc sử dụng trang thiết bị ở trạm y tế xã, chỉ bác sĩ mới có thể sử dụng máy siêu âm, máy đo điện tim...

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Ban VH-XH, trưởng đoàn khảo sát nêu, Thông tư 33 quy định hoạt động của y tế cơ sở ban hành từ năm 2015, đến nay, những quy định trong thông tư này, theo cán bộ y tế cơ sở, còn phù hợp nữa hay không, có cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung? Ông Cường cũng nêu thực tế, nhiều phòng chức năng của y tế cơ sở ít sử dụng; hoạt động của cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn huyện có đạt chất lượng? có đề xuất sửa đổi, bổ sung gì đối với chính sách, chế độ dành cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở không?

Bà Võ Thị Xuân Thu- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Gò Dầu nhìn nhận, Thông tư 33 đến nay vẫn còn phù hợp, chưa đến mức phải sửa đổi. Về xử lý chất thải, chỉ Trung tâm Y tế mới nhiều chất thải y tế, còn ở trạm y tế, chất thải không nhiều. Về tuyển dụng nhân lực, bà Thu thừa nhận, đây là câu chuyện không đơn giản. Một số phòng chức năng y tế, tuy ít sử dụng nhưng không thể bỏ.

Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, Gò Dầu là một trong những địa phương có nhiều khu cách ly nhất; kinh phí dành để xây dựng khu cách ly cũng như giải toả sau khi dịch bệnh giảm khá lớn.

Kết thúc buổi khảo sát, ông Nguyễn Việt Cường đánh giá, ngoài mặt được, y tế Gò Dầu còn những hạn chế như Trạm Y tế xã Cẩm Giang xuống cấp, mưa dột nhiều nơi. Trưởng đoàn khảo sát ghi nhận những nội dung kiến nghị của địa phương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục